Theo AFP, ngày 19/2, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố một báo cáo nghiên cứu cho biết hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 năm qua và kể từ sau Chiến tranh lạnh, do nhu cầu từ khu vực Trung Đông và châu Á.
Theo viện này, giai đoạn 2012-2016, lượng vũ khí nhập khẩu của các nước châu Á và châu Đại Dương chiếm 43% mức nhập khẩu toàn cầu, tăng 7,7% so với giai đoạn 2007-2011.
Tỉ lệ của các nước Trung Đông và Vùng Vịnh tăng từ 17% lên 29%, bỏ xa châu Âu (11%, giảm 7 điểm phần trăm), châu Mỹ (8,6%, giảm 2,4 điểm phần trăm) và châu Phi (8,1%, giảm 1,3 điểm phần trăm).
Ả-rập Xê-út là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới (tăng 212%), chỉ đứng sau Ấn Độ - nước không có nền sản xuất vũ khí ở cấp quốc gia. Trong khi đó, Mỹ vẫn là nước xuất khẩu vũ khí đứng đầu thế giới khi chiếm 33% thị phần (tăng 3 điểm phần trăm), trong khi Nga đứng thứ 2 với 23% (giảm 1 điểm phần trăm), Trung Quốc đứng thứ 3 với 6,2% (tăng 2,4 điểm phần trăm), Pháp đứng thứ 4 với 6%, giảm 0,9 điểm phần trăm và Đức đứng thứ 5 với 5,6%, giảm 3,8 điểm phần trăm.
Theo SIPRI, 5 quốc gia trên chiếm khoảng 75% lượng xuất khẩu toàn cầu về các loại vũ khí hạng nặng. Ngoài ra, Mỹ và Pháp là những nhà cung cấp vũ khí chính cho Trung Đông, trong khi Nga và Trung Quốc và những nước xuất khẩu chính đối với châu Á.
Theo Vietnam+