Ngày 7/2, tờ Đông phương, nhật báo có quan điểm trung lập của Hongkong, đăng bài viết cho rằng sau khi Donald Trump lên nắm quyền tranh chấp Trung - Mỹ tại khu vực biển Đông sẽ căng thẳng hơn.
Theo bài báo, thứ nhất, ông Donald Trump và các thành viên nội các của ông đều thiếu tầm nhìn ngoại giao toàn cục, nhất là thiếu nhận thức đúng đắn về chính sách biển Đông của Trung Quốc. Do không hiểu được tính phức tạp của vấn đề biển Đông, nên họ đã đơn giản định nghĩa vấn đề này là vấn đề “quy thuộc đảo bãi”, đương nhiên cho rằng Trung Quốc xây dựng các công trình quân sự tại các đảo bãi không thuộc chủ quyền của mình, không trực tiếp đe dọa sự có mặt quân sự của Mỹ tại khu vực này.
Thứ hai, tư duy “ưu tiên nước Mỹ” của Donald Trump sẽ khiến cho tranh chấp Trung - Mỹ tại khu vực biển Đông phát triển theo chiều hướng một mất một còn. Nếu như “cỗ xe tam mã” trong chính sách biển Đông của Chính phủ Obama - gồm TPP, luật quốc tế và tái cân bằng quân sự - khiến Chính phủ Trung Quốc trên phương diện chế định quy tắc khu vực và hợp tác kinh tế khu vực còn có thể cùng với Mỹ đạt được một số nhận thức chung ở mức độ nào đó, thì mô hình chính sách sử dụng “một lưỡi đao” là sức mạnh quân sự của Donald Trump chắc chắn sẽ dẫn đến xu thế Trung - Mỹ xảy ra đấu tranh một mất một còn trong vấn đề này.
Thứ ba, tiến hành đấu tranh liên tiếp với Trung Quốc tại biển Đông có lợi cho Donald Trump thực hiện sách lược tổng thể đối với Trung Quốc, nâng cao giá trị các “quân bài” mà Donald Trump có trong tay trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Bài báo cũng cho rằng vấn đề biển Đông là “vùng yếu” trong cục diện ngoại giao của Trung Quốc. Khi những sự kiện, như Philippines kiện Trung Quốc chẳng hạn, xảy ra một lần nữa, nó sẽ không chỉ gây tổn hại hình tượng của Trung Quốc trên trường quốc tế, gây nhiễu cho chiến lược “Một vành đai, một con đường”, mà còn tạo cớ cho nước lớn ngoài khu vực can thiệp vào vấn đề biển Đông.
Liên quan đến tình hình biển Đông, theo AFP, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 7/2 đã đề cập đến nhận định của Manila rằng Trung Quốc sẽ tìm cách xây dựng trên một bãi đá ngầm ở khu vực ngoài khơi bờ biển của quốc gia Đông Nam Á này. Trong cuộc trả lời phòng vấn với AFP, ông Lorenzana cho rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ bồi đắp bãi cạn Scarborough, cách hòn đảo chính Luzon của Philippines 230 km.
Khi đề cập đến cuộc đối đầu năm 2012 giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn này khiến các tàu của Manila phải rời đi, ông nói: "Họ đã xâm lấn. Họ đã chiếm 3 hòn đảo ở đó và đang tìm cách chiếm cả Scarborough... Đối với chúng tôi, điều đó là không thể chấp nhận được... Nếu chúng tôi cho phép, họ sẽ tiến hành xây dựng. Điều đó rất đáng lo ngại, còn lo ngại hơn cả đảo đá Chữ Thập (Fiery Cross) vì đảo này rất gần chúng tôi", ám chỉ một trong những bãi đá mà Philippines tuyên bố chủ quyền nhưng Trung Quốc đã tiến hành xây dựng. Ông Lorenzana còn cho rằng những nỗ lực cải tạo đảo của Trung Quốc là nhằm kiểm soát trái phép biển Đông.
Trong diễn biến khác, Sputnik đưa tin tờ East Pendulum cho biết Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đang trong quá trình chế tạo hàng loạt tàu đổ bộ đệm khí tương tự mẫu LCAC của Hải quân Mỹ. Theo trang mạng Navy Recognition, nhận định này được đưa ra dựa trên những hình ảnh vệ tinh chụp từ ngày 9/12/2016.
Tàu đổ bộ loại 726A đang được thi công tại nhà máy đóng tàu Giang Nam Trường Hưng ở Thượng Hải. Những hình ảnh vệ tinh cho thấy ngoài 2 tàu khu trục loại 055 và 4 tàu khu trục loại 052D, còn có 4 tàu bổ bộ đệm khí lớp 726A. Hai tàu 726A đã hạ thủy và 2 tàu còn lại ở trên bờ.
Tàu 726A là tàu đổ bộ đệm khí có lượng giãn nước 150 tấn, được thiết kế để có thể chứa trong khoang của tàu đổ bộ loại 071. Phiên bản loại 726 ban đầu dường như đã gặp một số trục trặc kỹ thuật nên chỉ có 4 chiếc được chế tạo. Điều này khiến tàu loại 071 với lượng giãn nước hơn 20.000 tấn bị giới hạn khả năng đổ bộ. Tất cả 4 chiếc 726 trước đây cũng đều được đóng tại nhà máy Giang Nam Trường Hưng cách đây 6 năm. Những tàu này được trang bị động cơ tuabin khí UGT-6000 của Ukraine.
Mẫu 726A mới được trang bị động cơ đẩy do Trung Quốc chế tạo. Động cơ tuabin khí QC-70 được phát triển từ động cơ máy bay WS-10. Mỗi tàu đổ bộ 726/726A có thể chở đến 60 tấn, tương đương khối lượng tối đa của xe tăng ZTZ-96A hoặc ZTZ-99A. Bán kính hoạt động lên đến 320km, đủ để vượt qua eo biển Đài Loan với tốc độ 80km/giờ.
Hiện, PLAN có ít nhất 4 tàu 726 trong phiên chế và 4 tàu 726A đang được chế tạo.
H.T (tổng hợp từ Vietnam+)