Thứ Bảy, 28/12/2024 22:52 CH
Lãnh đạo EU thông qua kế hoạch hành động về người di cư
Thứ Bảy, 04/02/2017 17:00 CH

Ông Ted Malloch - Nguồn: theguardian.com

* Ứng cử viên Đại sứ Mỹ tại châu Âu dự báo về việc EU tan rã

 

Ngày 3/2, lãnh đạo các nước EU đã nhất trí về kế hoạch hành động nhằm ngăn dòng người di cư ồ ạt từ Libya vào châu Âu qua Địa Trung Hải. Những động thái này của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt với nhiều thách thức đe dọa tới sự tồn tại của thể chế gần 60 năm tuổi.

 

Phát biểu với báo giới, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh, mục đích chính của Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 3/2 tại thủ đô Valletta của Malta là ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp từ Libya tới Châu Âu. Châu lục sẽ thúc đẩy triển khai các biện pháp hành động cụ thể bổ sung để đối phó hiệu quả hơn với các mạng lưới buôn người.

 

Theo dự thảo, Liên minh châu Âu sẽ ưu tiên huấn luyện và trang bị cho Lực lượng bảo vệ bờ biển của Libya, nỗ lực triệt phá các đường dây buôn người, hỗ trợ phát triển các cộng đồng địa phương tại Libya, tăng cường khả năng đáp ứng điều kiện sống cho người di cư ở Libya và hỗ trợ các tổ chức quốc tế chịu trách nhiệm về người di cư.

 

Ông Donald Tusk nói: "Chúng tôi đã nhất trí về các biện pháp ngay lập tức giúp giảm số lượng người di cư bất thường và cứu sống được nhiều người cùng một lúc. Chúng tôi sẽ huấn luyện, trang bị và hỗ trợ  cho lực lượng bảo vệ bờ biển Libya để ngăn chặn những kẻ buôn người và tăng hoạt động tìm kiếm và cứu nạn".

 

EU cũng cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho kế hoạch này thông qua các gói Viện trợ Phát triển (ODA) dành cho châu Phi, trị giá 31 tỉ euro trong năm tài khóa này, cũng như các dự án đang được triển khai.

 

Để đáp ứng các khoản kinh phí khẩn cấp hiện tại cũng như trong năm 2017, Ủy ban châu Âu đã quyết định huy động thêm một khoản 200 triệu euro cho Quỹ Cánh cửa Bắc Phi và dành ưu tiên cho các dự án liên quan đến người di cư tại Libya.

 

Tuy nhiên, nôi dung cốt lõi của kế hoạch này, theo đó ngăn dòng người di cư ngay trong lãnh hải Libya, đã vấp phải sự chỉ trích của các nhóm nhân quyền cảnh báo việc này sẽ đẩy phụ nữ và trẻ em phải đối mặt với điều kiện sống tồi tệ ở các trại tị nạn cũng như đối mặt với các nguy cơ xâm hại tình dục, bạo lực, bóc lột lao động hoặc bị buộc phải hồi hương.

 

Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu cũng tìm kiếm một lập trường chung về Tổng thống Mỹ Donald Trump. Một số nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh sự khác biệt cơ bản giữa lập trường của khối và cách thức mà ông Trump muốn ngăn chặn dòng người di cư và tị nạn từ các nước có người Hồi giáo chiếm đa số.

 

Các nhà lãnh đạo EU nhóm họp tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ở Malta với nỗ lực "vực dậy" khối này trước một loạt thách thức hiện nay. Đây là hội nghị mới nhất trong một loạt những hội nghị khẩn cấp được triệu tập kể từ khi nước Anh quyết định rời Liên minh châu Âu hồi tháng 6 năm ngoái, cùng với đó là sự kiện ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ càng củng cố quan điểm cho rằng EU đang ở vào một thời khắc quyết định trong lịch sử tồn tại của khối này.

 

Theo các số liệu của Ý, chỉ riêng trong tháng 1 năm nay, khoảng 4.480 người di cư đã được cứu nguy ở Địa Trung Hải và được đưa đến nước này. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc cho biết, hơn 220 người di cư đã bị thiệt mạng hoặc mất tích ở Địa Trung Hải.

 

Theo thống kê, hơn 181.000 người di cư và tị nạn, đa số sử dụng Libya là điểm xuất phát, đã đến EU trong năm 2016 thông qua tuyến đường biển ở trung Địa Trung Hải. Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) cho biết tuyến đường biển ở trung Địa Trung Hải là tuyến đường chết chóc nhất đối với người di cư trong năm 2016, với 4.576 người đã thiệt mạng trên tuyến đường này.

 

* Ông Ted Malloch, người được cho sẽ là lựa chọn của Tổng thống Donald Trump vào vị trí Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU), vừa đưa ra dự báo về "sự thay đổi địa chấn" trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương, cũng như việc EU tan rã.

 

Theo ông Malloch, Tổng thống Donald Trump muốn thúc đẩy quan hệ trực tiếp với từng quốc gia châu Âu, thay vì làm việc với cả khối EU. Điều đó sẽ giúp Mỹ nắm lợi thế trong các cuộc đàm phán. Nhân vật này cũng đánh giá đồng tiền chung châu Âu là một sai lầm, và nếu làm việc cho một ngân hàng đầu tư, ông sẽ đặt cược việc chống lại đồng euro.

 

Phản ứng trước những phát biểu của ông Malloch, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói khá gay gắt sau cuộc họp với các nhà lãnh đạo EU ở Malta, rằng "khi bổ nhiệm một đại sứ, sẽ tốt hơn nếu ông ta tin tưởng vào tổ chức mà ông sẽ làm việc cùng".

 

Trước đó, các lãnh đạo Nghị viện châu Âu đã yêu cầu từ chối trong trường hợp ông Malloch được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại EU, cho rằng ông này cổ vũ việc EU sụp đổ như trường hợp của Liên Xô trước đây.

 

Hồi tháng 6/2016, sau khi người dân Anh bỏ phiếu lựa chọn việc rời Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit), ông Malloch từng nói trên tờ Der Spiegel của Đức rằng "bạn hầu như có thể đặt hai ký tự bất kỳ nào trước từ exit", ám chỉ việc 27 thành viên khác có thể rời EU như nước Anh. Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng gọi Brexit là "điều tuyệt vời" và dự đoán sẽ có nhiều quốc gia nữa theo chân Anh rời EU.

 

L.H (tổng hợp từ VOV, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek