Theo Reuters, phái đoàn của phe đối lập Syria tham dự hòa đàm diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan vào ngày 23/1 chỉ thảo luận về các biện pháp cứu vãn một lệnh ngừng bắn mong manh do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian mà phe này cho rằng đã chủ yếu bị lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn tại Syria vi phạm.
Người phát ngôn của phái đoàn trên nói: "Chúng tôi sẽ không tham gia bất cứ cuộc thảo luận chính trị nào và mọi giải pháp về tuân thủ lệnh ngừng bắn và phạm vi nhân đạo để làm dịu nỗi đau của những dân thường Syria đang bị vây hãm và phóng thích các tù nhân cũng như chuyển hàng viện trợ. Chính quyền Syria đã tìm cách đẩy sự chú ý ra khỏi những vấn đề đó. Nếu chính quyền Syria cho rằng sự hiện diện của chúng tôi tại Astana là sự đầu hàng của chúng tôi, thì đó là một điều hoang tưởng".
Cũng trong ngày 23/1, Thứ trưởng Ngoại giao Kazakhstan Roman Vassilenko cho biết các bên tham dự hòa đàm Syria tại Astana vẫn chưa thống nhất về các cuộc gặp trực tiếp giữa các phái đoàn của Chính phủ Damascus và các nhóm nổi dậy.
Các phái đoàn đại diện cho Chính phủ Syria và phe đối lập đã có mặt tại cuộc họp kín quan trọng này. Đây là điều khác biệt vì trong các cuộc đàm phán hòa bình Syria trước đây tại Geneva (Thụy Sĩ), đại diện Chính phủ và phe đối lập Syria chưa bao giờ ngồi chung bàn đàm phán. Mặc dù vậy, phe đối lập Syria trước đó cho biết lực lượng này sẽ không đối thoại trực tiếp với Chính quyền Tổng thống Bashar Al Assad trong phiên thảo luận đầu tiên của cuộc hòa đàm.
Theo kế hoạch, tham gia cuộc đàm phán này có 7 bên, ngoài Chính phủ Syria và phe đối lập, còn có đại diện các nước trung gian là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, Đặc phái viên LHQ về Syria Mistura và đại sứ Mỹ tại Kazakhstan George Krol với tư cách là quan sát viên.
Trong diễn biến khác liên quan đến tình hình Syria, ngày 22/1, Bộ trưởng Văn hóa nước này Muhammad Ahmad lên án việc nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng dùng thuốc nổ phá hủy nhiều di tích cổ ở thành cổ Palmyra, miền trung nước này là "tội ác chiến tranh".
Trong một cuộc họp báo, ông Ahmad nêu rõ vụ nổ bom gần đây của IS phá hủy mặt chính của nhà hát theo kiến trúc vòm cũng như những di tích và công trình kiến trúc khác là nhằm vào di sản và văn hóa Syria.
Ông Ahmad nhấn mạnh: "Những công trình kiến trúc này không chỉ là tài sản của Syria mà là của cả thế giới", đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế cùng có trách nhiệm bảo vệ di sản thế giới. Theo Bộ trưởng Ahmad, sự phản ứng chậm trễ đe dọa Palmyra và sẽ là một hành động trốn tránh trách nhiệm đối với việc bảo vệ và gìn giữ di sản thế giới.
Trước đó, ngày 20/1, IS đã phá hủy hoàn toàn mặt chính của Nhà hát La Mã cổ đại được xây dựng từ thế kỷ thứ hai và công trình kiến trúc Tetrapylon hình lập phương nổi tiếng nhất ở thành cổ Palmyra.
IS kiểm soát thành phố cố Palmyra sau khi giành lại thành phố này lần thứ hai hồi tháng 12/2016 từ tay các lực lượng Chính phủ Syria. Trước đó, các lực lượng chính phủ và liên minh dân quân với sự hậu thuẫn của không quân Nga đã giành lại thành phố này từ IS hồi tháng 3/2016 sau khi IS chiếm thành phố năm 2015.
Trong đợt chiếm thành phố này năm 2015, IS đã phá hủy các đền đài chủ chốt và hàng nghìn di tích tại Palmyra.
L.H (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)