Ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh đầu tiên tại phòng Bầu dục, yêu cầu đóng băng các quy định mới và giảm bớt gánh nặng pháp lý liên quan đến Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (ACA) hay Obamacare của người tiền nhiệm.
Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho biết sắc lệnh đầu tiên là đóng băng đối với tất cả những quy định mới. Sắc lệnh này yêu cầu các cơ quan liên quan tìm cách "giảm gánh nặng pháp lý" trong việc sửa đổi Đạo luật Obamacare. Nhà Trắng chưa công bố nội dung cụ thể của sắc lệnh này.
Loại bỏ Obamacare là một trong những ưu tiên hàng đầu của không chỉ của phe Cộng hòa mà còn là của ông Trump. Kể từ năm 2010, các nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa đã thực hiện hơn 50 cuộc bỏ phiếu về chương trình chăm sóc sức khỏe này nhằm tìm cách xóa bỏ hoàn toàn hoặc sửa đổi một phần với lý do Obamacare cho phép Chính phủ Mỹ can thiệp quá sâu vào thị trường bảo hiểm sức khỏe, lãng phí ngân sách và gây tổn hại cho tăng trưởng việc làm vì buộc nhiều doanh nghiệp phải mua bảo hiểm cho người lao động khi tuyển dụng.
Trong khi sắc lệnh trên được ký tại Phòng Bầu Dục, Chánh Văn phòng Nhà Trắng của ông Trump, ông Reince Priebus đã mô tả sắc lệnh này là nhằm mục đích "tối thiểu hóa gánh nặng kinh tế" của chương trình Obamacare.
Obamacare là một trong những thành tựu của cựu Tổng thống Barack Obama. Luật y tế Obamacare đã bổ sung thêm hơn 20 triệu người Mỹ vào diện được bảo hiểm, hạ thấp tỉ lệ người Mỹ không được chăm sóc y tế từ mức 16% năm 2010 xuống còn 8,9% vào năm ngoái. Tuy nhiên, ông Trump đã tuyên bố rằng người dân nghèo Mỹ không được chăm sóc y tế.
Sắc lệnh thứ hai mà Tổng thống Trump ký ngay sau lễ nhậm chức là phê chuẩn ông James Mattis làm Bộ trưởng Quốc phòng và ông John Kelly là Bộ trưởng An ninh Nội địa. Hai người này được Thượng viện Mỹ chấp thuận ngày 20/1.
Trong khi đó cùng ngày, ngay sau lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chính phủ mới của Mỹ thông báo nước này sẽ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Một tuyên bố từ Nhà Trắng nêu rõ: “Với các thỏa thuận công bằng và chắc chắn, thương mại quốc tế có thể được vận dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa hàng triệu việc làm trở lại Mỹ và làm hồi sinh các cộng đồng đang bị tổn thương của nước Mỹ. Chiến lược này bắt đầu bằng việc rút khỏi hiệp định TPP và đảm bảo rằng mọi thỏa thuận thương mại mới sẽ mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ".
Đây là quyết định sẽ khiến không ít đối tác của Mỹ thất vọng, song không hề gây ngạc nhiên vì trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, ông Donald Trump đã cam kết rút Mỹ khỏi thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới này trong ngày đầu tiên cầm quyền tại Nhà Trắng.
Tân Tổng thống Trump, người chủ trương thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế "Nước Mỹ trên hết", cũng ngỏ ý rằng Chính phủ của ông sẽ tập trung vào các thỏa thuận song phương.
Quyết định trên được đưa ra bất chấp việc Nhật Bản, một trong những đồng minh và đối tác lớn nhất của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, ngày 19/1 vừa phê chuẩn TPP, thỏa thuận mà nếu được triển khai sẽ chiếm tới 40% sản lượng kinh tế toàn cầu. Nếu TPP không trở thành hiện thực, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và không phải là một thành viên TPP, có thể sẽ có vai trò lớn hơn trong việc tác động tới các quy định thương mại khu vực.
TPP bao gồm các thành viên Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.
Thỏa thuận này đang ở trong giai đoạn 2 năm chờ đợi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Nếu có hiệu lực, TPP sẽ giúp xóa bỏ hàng nghìn rào cản thuế quan và đảm bảo tốt hơn các quyền của người lao động tại các quốc gia tham gia. Theo các nhà kinh tế, TPP có thể bổ sung tổng sản phẩm quốc nội của thế giới thêm gần 300 tỉ USD mỗi năm.
L.H (tổng hợp từ Vietnam+)