* Ông Obama ký một tấm séc trị giá 500 triệu USD ủng hộ cho Quỹ Khí hậu xanh
Ngày 18/1, phát biểu trước đông đảo phóng viên trong cuộc họp báo cuối cùng trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đã bày tỏ niềm tin và hy vọng trong bối cảnh nước Mỹ đang đứng trước cánh cửa chuyển giao quyền lực vào cuối tuần này.
Trong cuộc họp báo lần thứ 165 và cũng là cuối cùng tại Nhà Trắng, ông Obama đã dành khá nhiều thời gian cho các vấn đề đối ngoại. Tổng thống Obama cho rằng việc nhà lãnh đạo Vladimir Putin lần thứ 2 giữ cương vị Tổng thống Nga đã làm gia tăng tâm lý bài Mỹ tại Nga.
Việc Washington áp đặt trừng phạt Moscow là nhằm đáp trả hành động can thiệp của Nga đối với nền độc lập và chủ quyền của Ukraine. Theo ông Obama, sự xuất hiện trở lại của thế đối đầu như thời Chiến tranh lạnh đã khiến quan hệ song phương Mỹ - Nga gặp nhiều trắc trở. Ông khẳng định Washington sẵn sàng hợp tác hạt nhân với Nga, song Moscow lại không sẵn lòng đàm phán, đồng thời kêu gọi Tổng thống đắc cử Donald Trump cần tách bạch vấn đề trừng phạt kinh tế với vấn đề đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông Obama cho rằng thế giới sẽ được hưởng lợi nếu Mỹ - Nga quan hệ tốt.
Về quan hệ với Cuba, Tổng thống Obama tuyên bố ông đã quyết định xóa bỏ chính sách “chân ướt, chân ráo” áp dụng đối với người nhập cư Cuba bởi vì chính sách này không còn ý nghĩa do quan hệ Washington - La Habana ngày càng phát triển và hai bên nối lại các hoạt động đi lại.
Liên quan tới tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Obama bày tỏ quan ngại trước triển vọng đạt được một giải pháp "hai nhà nước" cho cuộc xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine.
Tổng thống Obama cho rằng ý tưởng của Tổng thống đắc cử Trump về việc chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem có thể là “thùng thuốc nổ” phá vỡ chính sách lâu nay của Washington. Ông Obama một lần nữa khẳng định các hoạt động xây dựng khu định cư Do Thái của Israel tại khu vực Bờ Tây và Đông Jerusalem chiếm đóng là một rào cản đối với triển vọng hai nhà nước, giải pháp mà Mỹ coi là tốt nhất cho cuộc xung đột này.
Trong diễn biến khác, ba ngày trước khi rời Nhà Trắng, tổng thống Barack Obama đã ký một tấm séc trị giá 500 triệu USD ủng hộ cho Quỹ Khí hậu xanh, một tổ chức quốc tế có nhiệm vụ giúp đỡ các quốc gia nghèo tiếp nhận các công nghệ năng lượng sạch.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, tấm séc này đánh dấu mốc tổng cộng 1 tỉ USD mà nước Mỹ đã ủng hộ để giúp các quốc gia đang phát triển đối mặt với mối đe dọa biến đổi khí hậu. Đây là một phần trong cam kết hỗ trợ 3 tỉ USD mà ông Obama đưa ra năm 2014 để kết nối với đạo Luật Biến đổi khí hậu Paris hồi năm ngoái.
“Quỹ Khí hậu xanh là một công cụ quan trọng giúp xúc tác hàng triệu USD trong các khoản đầu tư công và tư nhân cho các quốc gia đang phải đối mặt với không chỉ những thách thức từ biến đổi khí hậu, và cả những cơ hội kinh tế sâu rộng đi kèm với việc chuyển dịch sang một nền kinh tế ít phát thải các bon”, người phát ngôn John Kirby của Bộ Ngoại giao trả lời phỏng vấn báo chí hôm thứ ba vừa qua. “Nước Mỹ rất vui lòng được giữ vai trò đi đầu trong việc thành lập Quỹ Khí hậu xanh”.
Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lại kêu gọi hủy bỏ các khoản hỗ trợ trong tương lai cho tổ chức này và chuyển hướng các khoản đầu tư vào các dự án trong nước. Ông Trump cũng nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ Đảng Cộng hòa trong Quốc hội, những người đã lên tiếng phản đối đường lối tài trợ này từ trước đó.
Trong khi đó, những người ủng hộ quỹ bảo vệ môi trường này đã ca ngợi sự đóng góp của Bộ Ngoại giao. “Sự đóng góp này cho thấy ngay cả khi chúng ta phải đối mặt với một bộ máy chính quyền mới kiên quyết phủ nhận tác động của biến đổi khí hậu, những người Mỹ tin vào việc hành động để bảo vệ Trái Đất, nền kinh tế và tương lai của chúng ta sẽ tiếp tục làm mọi điều có thể để tiến về phía trước”, thượng nghị sĩ Jeff Merkley của Oregon, một đảng viên Dân chủ nêu ý kiến trong một tuyên bố.
L.H (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)