Ngày 12/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết nước này sẵn sàng khôi phục quan hệ với Mỹ, tuy nhiên tiến trình này sẽ không hề dễ dàng.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, bà Zakharova nhấn mạnh: "Chúng tôi không hy vọng vào một sự dễ dàng trong mối quan hệ với Mỹ và chưa bao giờ mong chờ điều đó. Chúng tôi đang nhìn vào quan hệ song phương một cách thực tế”.
Bà Zakharova cho rằng Moscow "cởi mở và sẵn sàng" cho một cuộc đối thoại bình thường và thực chất với Washington trong một khuôn khổ có hiệu quả, bất chấp những khác biệt vốn có cũng như lập trường không giống nhau trên nhiều vấn đề. Theo bà Zakharova, Nga hy vọng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ bảo vệ lợi ích của đất nước mình bằng mọi cách có thể, dựa trên cơ sở về tính thực tế cũng như luật pháp quốc tế và ông Trump sẽ hành xử một cách văn minh.
Trong diễn biến khác cùng ngày, theo THX, Điện Kremlin cho hay Nga coi những cáo buộc về việc nước này dính líu đến các vụ tấn công mạng nhằm vào Mỹ là "sự ngu xuẩn”. Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh: "Tôi không nhớ nổi đã bao nhiêu lần chúng tôi phải nhắc lại ở mọi mức độ rằng chúng tôi dứt khoát phủ nhận mọi cáo buộc nhằm vào Nga trong vấn đề này. Moscow tin rằng điều này là hoàn toàn ngu xuẩn”. Ông Peskov cũng cho rằng vấn đề nêu trên "đã trở thành một sự cuồng loạn thật sự”.
Ông Peskov đưa ra phát biểu trên nhằm đáp trả lại bình luận của ông Rex Tillerson, người được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề cử cho chức Ngoại trưởng. Trước đó vào hôm 11/1, ông Tillerson tuyên bố khả năng ông Putin liên quan đến các vụ tấn công mạng là "tương đối chắc chắn".
* Tờ Guardian (Anh) tối 12/1 đưa tin Moscow lên tiếng cáo buộc việc Mỹ triển khai quân tại Ba Lan đe dọa đến an ninh của Nga. Người phát ngôn Peskov cho biết: "Chúng tôi coi đây là một sự đe dọa. Những hành động này đe dọa lợi ích và an ninh của chúng tôi. Đặc biệt là việc một bên thứ ba thiết lập sự hiện diện quân sự gần với các đường biên giới của chúng tôi. Đó là Mỹ, thậm chí không phải là một nước châu Âu”.
Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook nhấn mạnh: "Mỹ đang thực hiện cam kết của mình đối với vấn đề an ninh tập thể thông qua các hành động nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực đối với các đồng minh NATO và các đối tác của Mỹ trước việc Nga can thiệp vào Ukraine”.
Việc đưa binh sĩ và xe tăng đến Ba Lan được coi là cuộc triển khai quân sự lớn nhất của Mỹ tại châu Âu kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh đến nay. Hành động triển khai quân sớm của Mỹ được coi là nỗ lực nhằm buộc chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump phải tiếp tục chiến lược này. Việc triển khai quân, được NATO mô tả là nhằm đối trọng với hành động "xâm lược của Nga" tại Đông Âu, sẽ cho thấy lần đầu tiên quân đội Mỹ có thể đóng quân dài hạn dọc theo biên giới phía tây của Nga.
Ngày 12/1, Mỹ đã bắt đầu đưa binh sĩ và xe tăng tới Ba Lan, như là một phần trong kế hoạch triển khai quy mô lớn nhất đối với các lực lượng Mỹ tại châu Âu kể từ thời Chiến tranh lạnh.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)