Bất bình đẳng kinh tế, phân cực xã hội và những hiểm họa môi trường gia tăng là 3 xu hướng hàng đầu định hình sự phát triển toàn cầu trong 10 năm tới.
Đây là nội dung bản báo cáo Những hiểm họa toàn cầu 2017 công bố ngày 11/1 trước thềm Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Báo cáo khẳng định khoảng cách thu nhập và giàu nghèo gia tăng cùng với sự phân cực rõ ràng trong xã hội lần lượt đứng vị trí số 1 và số 3 trong 13 xu hướng định hình sự phát triển toàn cầu trong thập kỷ tới.
Trong khi đó, do môi trường nắm giữ vai trò chi phối những vấn đề rủi ro trên toàn cầu, vấn đề biến đổi khí hậu có vị trí thứ hai. Trong báo cáo này, các chuyên gia đã liệt kê 30 mối hiểm họa toàn cầu và 13 xu hướng cơ bản có khả năng khắc chế và làm thay đổi mối quan hệ liên kết giữa chúng.
Cũng theo báo cáo trên, xã hội hiện nay chưa bắt kịp với sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Các chuyên gia chỉ ra rằng trí tuệ nhân tạo và người máy mang đến những lợi ích tiềm ẩn to lớn, song cũng tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ, đó đó cần có sự quản lý chặt chẽ hơn.
Người đứng đầu Cơ quan Cạnh tranh và rủi ro toàn cầu thuộc WEF khẳng định lãnh đạo các nước trên thế giới cần phải hành động nhằm xác định phương hướng tháo gỡ sự khác biệt về chính trị và tư tưởng để hợp tác giải quyết những thách thức khó khăn.
Dự kiến, với chủ đề "Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm," Hội nghị WEF năm 2017 sẽ có 300 phiên thảo luận về các nhóm vấn đề nổi bật như nâng cao quản trị toàn cầu; ứng phó với các bất ổn an ninh và khủng hoảng; thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm; tái cơ cấu kinh tế và cải cách xã hội ở các quốc gia và khu vực...
Bên cạnh đó, hội nghị cũng thảo luận về việc triển khai các sáng kiến của WEF trong các lĩnh vực tiêu dùng, kinh tế và xã hội số, năng lượng tài nguyên - môi trường, hệ thống tài chính - tiền tệ, an ninh lương thực và nông nghiệp, y tế, đầu tư và thương mại quốc tế... Hội nghị diễn ra tại Davos của Thụy Sĩ, từ ngày 17-20/1.
Theo TTXVN, Vietnam+