Theo Reuters, trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn Anadolu được phát sóng trên truyền hình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 4/1 cho biết các quan chức Nga sẽ thăm nước này từ ngày 9-/10/1 để thảo luận về cơ cấu tổ chức cuộc hòa đàm Syria theo kế hoạch được tổ chức tại Kazakhstan.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các bên đối địch trong cuộc nội chiến Syria nhưng hai nước đã làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn mong manh, dự kiến diễn ra trước cuộc hòa đàm ở thủ đô Astana của Kazakhstan.
Cùng ngày 4/1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã kêu gọi Iran tạo áp lực đối với các nhóm dân quân, do người Shi'ite hậu thuẫn, và Chính phủ Syria nhằm chấm dứt việc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn tại Syria, đồng thời cảnh báo điều này sẽ khiến các cuộc hòa đàm rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Trả lời phỏng vấn hãng tin nhà nước Anadolu, ông Cavusoglu cho hay Ankara đang làm việc với Nga về khả năng tiến hành trừng phạt những kẻ vi phạm thỏa thuận hòa bình do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hòa giải. Ông cũng cảnh báo các cuộc đàm phán hòa bình do Moscow chuẩn bị tại Atsana (Kazakhstan) có thể thất bại nếu những hành động vi phạm lệnh ngừng bắn không bị ngăn chặn.
Trước đó, ngày 3/1, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết tuần trước, liên quân do nước này đứng đầu đã tiến hành các chuyến bay hỗ trợ lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tại gần thị trấn al-Bab của Syria hiện do lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát, song không thực hiện các vụ không kích. Theo người phát ngôn của Lầu Năm Góc, ông Peter Cook, các chuyến bay hỗ trợ không phải là một cuộc tấn công đặc biệt mà là sự phô trương lực lượng hữu hình.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị hỗ trợ trên không và lực lượng liên quân đã tiến hành một vài chuyến bay tại thời điểm đó. Tuy nhiên, ông Cook nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về mức độ hỗ trợ phù hợp cho nước này trong nỗ lực giành lại quyền kiểm soát Al-Bab. Ban đầu, lực lượng liên quân đã từ chối hỗ trợ trực tiếp các chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ trích nước này đã đơn phương tiến hành các cuộc tấn công khi chưa đạt được thỏa thuận với các đối tác.
Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng bắt nguồn từ việc các nhóm vũ trang thuộc Đảng Liên minh dân chủ người Kurd (PYD) và lực lượng Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) ở miền Bắc Syria được Washington hậu thuẫn trong cuộc chiến chống IS tại Syria. Tuy nhiên, phía Thổ Nhĩ Kỳ lại cáo buộc PYD và YPG là các nhóm khủng bố có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Ankara cũng cho rằng PYD và YPG có ý định thành lập một khu tự trị của người Kurd tại miền bắc Syria và hợp tác với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi đó, phía Mỹ cho rằng việc Ankara triển khai chiến dịch trên bộ tại Syria để tiêu diệt IS thực chất là hướng tới mục tiêu xóa sổ YPG.
H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)