* Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố theo đuổi chiến dịch ở Syria bất chấp vụ Istanbul
Ngày 2/1, khoảng 10 nhóm phiến quân Syria thông báo hoãn cuộc đàm phán hòa bình đã được lên kế hoạch diễn ra trong tháng này tại thủ đô Astana của Kazakhstan với cáo buộc Chính phủ Syria "vi phạm" thỏa thuận ngừng bắn mới kéo dài được 4 ngày.
Trong một tuyên bố chung, các nhóm trên nói: "Vì việc vi phạm vẫn tiếp tục, các nhóm nổi dậy tuyên bố... đóng băng tất cả cuộc thảo luận liên quan tới đàm phán tại Astana", ám chỉ cuộc đàm phán được lên kế hoạch diễn vào cuối tháng 1, được tổ chức bởi Nga - nước ủng hộ chế độ Syria, và Thổ Nhĩ Kỳ - nước ủng hộ các phiến quân.
Thỏa thuận ngừng bắn mới nhất do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian và có sự tham gia của các lực lượng Chính phủ Syria và 7 nhóm vũ trang đối lập với khoảng 60.000 tay súng, không bao gồm nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các tay súng thuộc Mặt trận Al-Nusra cũ có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda.
Theo thỏa thuận, Chính phủ Syria và các nhóm đối lập trên sẽ sớm tiến hành đàm phán hòa bình ở thủ đô Astan của Kazakhstan. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định lệnh ngừng bắn này rất mong manh do không có sự tham gia trung gian của Mỹ. Sau khi hỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 30/12, các cuộc đụng độ giữa lực lượng Chính phủ Syria và các tay súng đối lập vẫn nổ ra ở khu vực bên ngoài thủ đô Damascus. Người đứng đầu SOHR Abdel Rahman cho rằng các cuộc đụng độ là sự vi phạm lệnh ngừng bắn và hiện vẫn chưa rõ bên nào bắt đầu cuộc đụng độ ở khu vực Wadi Barada.
Trong khi đó, Reuters dẫn nguồn từ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết máy bay ném bom của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã tấn công các cứ điểm của IS ở phía bắc Syria. Tin cho biết không quân và pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu diệt 22 chiến binh IS tại Syria trong ngày 1/1. Ngoài ra, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố máy bay Nga đã phá hủy một số mục tiêu IS trong khu vực TP Al-Bab ở phía bắc Syria.
Vào cuối tháng 12 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố đạt được thỏa thuận về lệnh ngừng bắn ở Syria. Ba văn kiện đã được ký kết giữa Chính phủ Syria và phe đối lập vũ trang về ngừng bắn ở Syria, tập hợp các biện pháp giám sát chế độ ngừng bắn, tuyên bố sẵn sàng bắt đầu cuộc đàm phán hòa bình về việc giải quyết Syria. Thỏa thuận này không bao gồm các nhóm khủng bố Mặt trận al-Nusra và IS.
Cùng ngày 2/1, Pháp kêu gọi Nga ngừng hành động quân sự ở Syria và tôn trọng lệnh ngừng bắn mong manh do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian nhằm tìm cách chấm dứt gần 6 năm chiến tranh ở quốc gia Trung Đông này. Phát biểu trên Đài phát thanh France Inter, Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve nói: "Chúng tôi kịch liệt lên án mọi điều Nga có thể làm sẽ góp phần kéo dài tình trạng giao tranh ở Syria. Chúng tôi hy vọng cuộc đàm phán giữa các lực lượng khác nhau ở Syria sẽ tiếp tục diễn ra để lệnh ngừng bắn có thể duy trì. Chúng tôi yêu cầu người Nga ngừng tham gia các chiến dịch quân sự gây chết chóc”. Tuy nhiên, ông Cazeneuve không nêu rõ chiến dịch gì.
Trong diễn biến khác, ngày 2/1, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus tuyên bố nước này sẽ theo đuổi chiến dịch quân sự ở Syria bất chấp vụ tấn công làm 39 người chết tại hộp đêm Reina ở TP Istanbul là một "thông điệp" gửi tới chiến dịch của Ankara. Phó Thủ tướng Kurtulmus nhấn mạnh rằng "đây là một thông điệp dành cho các hoạt động xuyên biên giới" của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là chiến dịch Lá chắn Euphrates. Tuy nhiên, ông khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành các hoạt động xuyên biên giới và chiến dịch Lá chắn Euphrates với sự quyết tâm."
Trước đó, IS đã lên tiếng thừa nhận gây ra vụ xả súng tại hộp đêm Reina, đồng thời tuyên bố đây là sự đáp trả việc can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria. Tuy nhiên, ông Kurtulmus không bình luận về thông tin này. Về vụ tấn công hộp đêm Reina, Phó Thủ tướng Kurtulmus khẳng định giới chức nước này đang tiến gần tới việc xác định rõ ràng tay súng phải chịu trách nhiệm trong vụ tấn công này và đã tạm giam 8 nghi can. Ông Kurtulmus cho biết: "Thông tin dấu vân tay và diện mạo cơ bản của kẻ khủng bố đã được tìm thấy. Ở quá trình sau đó, công việc xác định danh tính hắn sẽ sớm được tiến hành". Ông Kurtulmus cũng cho rằng vụ tấn công ngày 1/1 có những sự khác biệt lớn so với các vụ tấn công trước đó ở nước này, và nó được tiến hành để gây ra sự chia rẽ trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)