Chủ Nhật, 17/11/2024 04:45 SA
2017 - Năm kế thừa những mục tiêu cao đẹp
Chủ Nhật, 01/01/2017 17:29 CH

Sau một năm có thể nói là đảo lộn về chính trị thế giới, năm 2017 có lẽ không phải là năm dễ dàng, từ việc châu Âu chia rẽ, tổng thống đắc cử Mỹ nhậm chức cho đến quá trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay tầm hoạt động của IS.

 

Trước hết là ngày 20/1/2017, tỉ phú Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Kể từ ngày này, ông Trump sẽ có cơ hội thực hiện những điều cam kết trong cương lĩnh tranh cử là “Mang trở lại”, mang trở lại việc làm, mang trở lại vị thế nổi trội của nước Mỹ. Tức là, trong năm 2017, Tổng thống Mỹ sẽ nhanh chóng hành động nhằm kéo Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); sửa đổi và thay thế Obamacare, bác bỏ chính sách năng lượng sạch của chính quyền trước đó và nhiều hơn nữa.

 

Một sự kiện khác cũng được đặc biệt quan tâm là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ông Trump và Tổng thống Nga V.Putin. Ngoài ra, các rào cản thương mại có thể sẽ được áp dụng đối với Trung Quốc và các vụ tranh cãi thương mại gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh có thể được cảm nhận trên toàn cầu. Mỹ cũng có thể sẽ gặp vài rắc rối khi ông Trump chạm đến chính sách “Một Trung Quốc”.

 

Cũng trong năm 2017, nước Anh sẽ chính thức bước vào giai đoạn tiến hành đàm phán với EU để rút khỏi liên minh này, dự kiến là tháng 4/2019. Sức ép từ các nghị sĩ quốc hội và các đảng phái chính trị đã buộc chính phủ cam kết vào đầu năm 2017 sẽ công bố chi tiết nội dung đàm phán với các nước EU.

 

Các nội dung đàm phán của Chính phủ Anh với EU sẽ là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trên chính trường Anh năm 2017 và chính những tranh cãi này sẽ đẩy nước Anh bước vào thời kỳ bất ổn định khi mà các nhà đầu tư, giới chủ cũng như người lao động đều trong tình trạng lo lắng bất an.

 

Nhưng Brexit có thể chỉ là sự khởi đầu. Tiếp theo có thể là “Frexit”. Bà Marine Le Pen đã hứa sẽ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân để người Pháp quyết định có nên rút khỏi EU hay không nếu như bà thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017. Các cuộc bầu cử ở Pháp, Hà Lan, Đức và có thể cả Ý trong năm tới nhiều khả năng sẽ khoét sâu thêm những chia rẽ tại châu Âu và thách thức tương lai hội nhập ở lục địa già. Trong năm qua, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy gia tăng. Nhiều cử tri tại phần lớn các nước phương Tây muốn sống chậm lại và hướng nội, đó cũng là lý do năm 2017, chủ nghĩa dân túy sẽ còn phát triển rộng.

 

Nước Nga, có vẻ không may mắn lắm trong năm 2016, lại được dự báo sẽ cải thiện vị thế tại châu Á và châu Âu trong năm mới. Theo “Stratfor”, sau sự kiện Brexit, EU sẽ không muốn xúc tiến việc kết nạp thêm thành viên mới trong năm tới. Khi triển vọng gia nhập EU và NATO có thể chững lại, các nước như Ukraine, Moldova và Gruzia sẽ đánh giá lại quan hệ với Nga.

 

Chính sách của Washington đối với Moscow cũng có thể có thay đổi cơ bản sau khi ông Trump nhậm chức. Ngoài cải thiện vị thế sau những gì đã làm ở Syria, các chuyên gia cũng nhận định Nga có thể giành được ảnh hưởng tại những nước như Azerbaijan và Uzbekistan, hai quốc gia vốn giữ quan điểm trung lập với Nga kể từ khi Liên Xô tan rã.

 

Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan đã và đang gieo rắc nỗi kinh hoàng cho toàn thế giới, đặc biệt là châu Âu, khi mà tần suất các vụ tấn công khủng bố nhằm vào châu lục này không có dấu hiệu giảm. Ông Eric Denece, tiến sĩ khoa học chính trị, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo Pháp (CF2R) cho rằng, châu Âu (nhưng trên thực tế là cả thế giới) sẽ bị chao đảo bởi những kiểu hành động man rợ này trong nhiều thập kỷ.

 

Đặc biệt, do IS bị đánh bại trong một số thành phố hay các điểm ở Iraq và Syria, sẽ có hiện tượng trả đũa. Và trong khi cả thể giới đổ dồn vào IS, cũng cần chú ý tới al-Qaeda. Tổ chức khủng bố này đang đã âm thầm xây dựng lại và nhiều thông tin cho rằng tổ chức này sẽ có nhiều hoạt động phá hoại vào năm tới.

 

Về kinh tế, tờ Finance Times (Anh) dẫn dự báo của Bank of America Merrill Lynch cho hay, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của toàn bộ các nền kinh tế mới nổi sẽ đạt mức 4,7% trong năm 2017, trong đó dẫn đầu là Ấn Độ và Trung Quốc. Khu vực Mỹ Latin cũng sẽ khôi phục mức tăng trưởng 1,5%. Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể tới các thị trường mới nổi và châu Á trong năm 2017, khi ông Trump liên tục đề cập tới việc đưa Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 tới.

 

Còn rất nhiều điều sẽ diễn ra trong năm mới nhưng nhìn chung, năm 2017 sẽ kế thừa những gì năm 2016 để lại. Ông Trump sau khi nhậm chức có thể sẽ thực hiện lời hứa xây dựng bức tường, cấm người Hồi giáo không phải là công dân Mỹ và thuyết phục các công ty Mỹ duy trì việc làm trong nước. Bà May có thể bắt đầu các cuộc đàm phán về Brexit và có thể nhận ra rằng EU ít độ lượng hơn so với các cử tri của bà mong muốn.

 

Các cuộc bầu cử ở các nền kinh tế lớn nhất eurozone - Đức, Pháp và Ý - có khả năng ảnh hưởng đến nhau và đe dọa sự tồn tại của khu vực, vốn đã phải vật lộn với khủng hoảng nhập cư và khủng hoảng kinh tế.

 

Thế giới có thể sẽ hoảng loạn tới mức ai cũng sợ mình là mục tiêu tiếp theo của tấn công khủng bố… Dù sao, không có ngoại lệ cho thành công hay thất bại. Cùng hợp tác vì hòa bình, phát triển bền vững vẫn luôn là mục tiêu cao đẹp chung của toàn thế giới, cho năm mới và cả những năm sau này.

 

Theo SGGPO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek