* Trung Quốc thử nghiệm máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới
Reuters dẫn nguồn Cơ quan Phòng vệ Đài Loan thông báo, ngày 26/12, một nhóm tàu chiến của Trung Quốc, do tàu sân bay Liêu Ninh dẫn đầu, đã tiến sâu vào biển Đông sau khi di chuyển qua khu vực phía nam của Đài Loan.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tái bùng phát liên quan tới hòn đảo Đài Loan mà Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ của mình, tiếp sau cuộc điện đàm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu - một sự việc khiến Bắc Kinh tức giận.
Cơ quan Phòng vệ Đài Loan cho hay tàu Liêu Ninh được 5 tàu hộ tống vào đầu giờ trưa 26/12 đã vượt qua đông nam quần đảo Đông Sa (Pratas), do Đài Bắc kiểm soát, và hướng về phía tây nam. Nhóm tàu này trước đó đã vượt qua 90 hải lý ở phía nam mũi Cực Nam Đài Loan thông qua kênh Bashi, giữa Đài Loan và Philippines.
Người phát ngôn Cơ quan Phòng vệ Đài Loan Chen Chung-chi nói: "Duy trì sự cảnh giác và linh động luôn là cách thức thông thường để duy trì an ninh không phận". Tuy nhiên, ông Chen từ chối đề cập tới việc liệu các máy bay chiến đấu của Đài Loan có xuất kích hay hòn đảo này có triển khai tàu ngầm hay không. Ông Chen cũng tuyên bố Cơ quan Phòng vệ Đài Loan sẽ tiếp tục "theo dõi và nắm bắt tình hình".
Cùng ngày 26/12, Reuters đưa tin Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng hải trình của tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ở Thái Bình Dương cho thấy khả năng quân sự đang mở rộng của Bắc Kinh, và Tokyo đang theo dõi chặt chẽ tàu này. Phát biểu họp báo, ông Suga cho hay Nhật Bản sẽ thực thi tất cả các bước cảnh báo và hoạt động giám sát ở khu vực này.
Về phần mình, Trung Quốc tuyên bố tàu sân bay đầu tiên của nước này đang thực hiện hoạt động diễn tập thông thường ở Tây Thái Bình Dương.
Trong diễn biến khác, theo AFP, ngày 26/12, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin nước này đã thử nghiệm phiên bản mới nhất của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-31, nhằm kết thúc sự thống trị của phương Tây trong việc sản xuất các máy bay chiến đấu hiện đại nhất thế giới. Theo nhật báo China Daily, phiên bản mới nhất của J-31, hiện đã được đổi tên thành FC-31 Gyrfalcon, đã cất cánh lần đầu tiên vào hôm 23/12. Loại máy bay chiến đấu hai động cơ "thế hệ thứ năm" là câu trả lời của Trung Quốc cho F-35 - loại chiến đấu cơ hiện đại nhất do Mỹ sản xuất.
Chuyên gia hàng không Wu Peixin của Trung Quốc nhận định FC-31 "có khả năng tàng hình tốt hơn, được trang bị nhiều thiết bị điện tử hiện đại và có thể mang nhiều vũ khí hơn" phiên bản được ra mắt vào tháng 10/2012 trước đó. Vụ thử nghiệm trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang muốn vươn rộng tầm ảnh hưởng quân sự của mình, khi trong những ngày qua nước này đã đưa tàu sân bay Liêu Ninh tới vùng biển phía tây Thái Bình Dương để lần đầu tiên dẫn đầu một cuộc tập trận.
H.T (tổng hợp từ Vietnam+)