Sự nồng ấm trong mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng nhanh chóng trong vòng nửa năm qua không chỉ đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước, mà còn tác động mạnh mẽ tới tình hình khu vực, đặc biệt là cuộc xung đột tại Syria. Do vậy, vụ sát hại Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Andrei Karlov ngày 19/12 có thể coi là hành động hòng phá hoại tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Moscow và Ankara.
Chưa đầy 4 tháng sau kể từ khi "cuộc gặp lịch sử" giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan giúp chấm dứt tình trạng căng thẳng giữa hai nước bắt nguồn từ vụ chiến đấu cơ Su-24 của Nga đang thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố tại Syria bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hồi mùa Thu năm ngoái, mối quan hệ giữa Moscow và Ankara đang được cải thiện nhanh chóng xuất phát từ những lợi ích của cả hai nước.
Các biện pháp cấm vận của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ từ du lịch đến thực phẩm, ước tính gây thiệt hại cho Ankara khoảng 9 tỉ USD, đều đã được dỡ bỏ. Bên cạnh đó, hai bên còn bắt tay vào thực hiện nhiều dự án hợp tác song phương quan trọng, trong đó có dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (TurkStream) và nhà máy điện hạt nhân Akkuyu.
Các nhà phân tích cho rằng việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại chu kỳ hợp tác và phát triển đã đáp ứng lợi ích quốc gia của cả hai bên. Đối với Moscow, Ankara là đối tác kinh tế-thương mại chủ chốt, là khách hàng tiêu thụ năng lượng quan trọng hàng đầu của Nga. Việc ngừng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ khiến Nga bị thiệt hại đáng kể trong bối cảnh Moscow đang phải hứng chịu sức ép kinh tế khá nặng nề do các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), cũng như giá dầu mỏ thế giới lao dốc làm thiệt hại của Nga khoảng 150 tỉ USD mỗi năm. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ không những khôi phục được thị trường xuất khẩu nông sản, du lịch quan trọng mà còn có cơ hội trở thành cầu nối trung chuyển khí đốt của Nga sang thị trường châu Âu khi dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai.
Không chỉ củng cố và mở rộng quan hệ trên lĩnh vực kinh tế, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ còn đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng an ninh, đặc biệt trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria. Từ đối thủ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này, giờ đây Moscow và Ankara đang trở thành đối tác thân cận của nhau. Không phải ngẫu nhiên tình hình tại Syria lại diễn biến nhanh chóng theo hướng có lợi cho quân đội chính phủ Tổng thống Bashar Al Assad.
Giới phân tích cho rằng mặc dù Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn những bất đồng trong vấn đề Syria, bao gồm cả số phận của Tổng thống Bashar Al Assad, song Moscow và Ankara lại có cùng mục tiêu chống khủng bố, đồng thời việc sớm ổn định tình hình ở Syria không chỉ giúp loại bỏ một mối đe dọa về an ninh đối với Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn góp phần nâng cao uy tín và ảnh hưởng của nước này, cũng như của Nga trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Tổng thống hai nước thời gian qua liên tục có các cuộc thảo luận về tình hình Syria và về các biện pháp phối hợp để giải quyết cuộc khủng hoảng dai dẳng đã bước sang năm thứ 6 ở quốc gia Trung Đông này. Đặc biệt, trong chuyến thăm Nhật Bản cuối tuần qua, Tổng thống Nga Putin cho biết đang phối hợp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán mới về hòa bình Syria mà không có sự tham gia của Mỹ hay Liên Hợp Quốc. Theo kế hoạch, ngoại trưởng 3 nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sẽ nhóm họp trong ngày 20/12 tại Moscow để bàn thảo cụ thể việc xúc tiến các vòng đàm phán hòa bình mới cho Syria.
Rõ ràng, quan hệ hợp tác song phương giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang mang lại lợi ích đáng kể cho hai nước cũng như tác động tích cực làm thay đổi cục diện tại Syria theo hướng ổn định tình hình khu vực. Bởi vậy, việc đại sứ Nga Andrei Karlov bị sát hại vào thời điểm này không khỏi khiến dư luận nghi ngờ đặt câu hỏi, dường như đây là âm mưu cùa những thế lực không muốn Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau cũng như không muốn hai nước phối hợp trong các vấn đề khu vực. Nói một cách khác, thủ phạm của vụ việc đang muốn quan hệ hai nước nổi sóng trở lại.
Mặc dù kết quả điều tra cuối cùng chưa được công bố, song những gì diễn ra trong vụ ám sát cho thấy đây là một tội ác man rợ được tính toán lên kế hoạch và chọn thời điểm kỹ lưỡng, khi đại sứ Nga tham dự một sự kiện văn hóa mang ý nghĩa biểu tượng trong quan hệ hai nước, đó là triển lãm ảnh "Nước Nga trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ" ở thủ đô Ankara. Thủ phạm cũng được xác nhận là một cảnh sát làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, hô vang những từ như “Syria” và “Aleppo".
Tổng thống Putin coi đây là hành động khiêu khích nhằm phá hoại nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như phá hoại tiến trình hòa bình tại Syria, đang được Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và một số quốc gia khác tích cực thúc đẩy. Cả Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng quốc tế đều coi vụ ám sát trên là "hành động khủng bố" hèn hạ và là âm mưu phá hoại quan hệ giữa Moscow và Ankara, trong bối cảnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan dự kiến sắp sang thăm Nga.
Như tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga ngay sau thảm kịch trên: “Chủ nghĩa khủng bố sẽ không bao giờ chiến thắng, chúng tôi sẽ đấu tranh một cách quyết liệt”, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều khẳng định những mưu toan muốn lợi dụng vụ ám sát đại sứ Nga hòng phá hoại mối quan hệ giữa hai nước sẽ không thể thực hiện được, mà trái lại, hành động khiêu khích này khiến Moscow và Ankara càng quyết tâm phối hợp, đặc biệt trong cuộc chiến chống khủng bố.
Theo TTXVN/Vietnam+