Thứ Sáu, 04/10/2024 22:31 CH
Báo chí Philippines nêu gương sáng Việt Nam
Thứ Ba, 21/08/2007 09:40 SA

Báo Inquirer của Philippines số ra hôm qua có đăng bài viết của Willy E. Arcilla, một đối tác và giám đốc khu vực của tập đoàn cung cấp giải pháp vốn con người hàng đầu ở Philippines (ZMG Signium Ward Howell Inc.), ca ngợi sự vươn dậy mãnh liệt của Việt Nam nhờ chính sách đổi mới. Tác giả gọi đó là tấm gương sáng để Philippines học hỏi.

PYO xin giới thiệu bài viết này: 

Đất nước chúng ta có thể học được rất nhiều từ Việt Nam, đặc biệt là cách thức họ phục hồi sức sống cho nền kinh tế ốm yếu của mình bắt đầu từ năm 1986.

070821--Viet-nam-Philippine.jpg

Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo đón tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Dinh Tổng thống ở Manila ngày 9/8 - Ảnh Reuters

Kể từ đó đến nay, Việt Nam dẫn đầu với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 8%, một con số khiến cộng đồng quốc tế khâm phục.

Trong khi đó, nước này giảm được tỷ lệ đói nghèo và vì thế đạt được mục tiêu khó khăn về duy trì tốc độ phát triển kinh tế bền vững và phân bổ thu nhập công bằng.

"ĐỔI MỚI"

Đối mặt với tốc độ phát triển chậm chạp, thiếu lương thực trầm trọng, thâm hụt ngân sách lớn, lạm phát cao và bất cân bằng thương mại triền miên, Đại hội Đảng Cộng sản VN lần thứ 6 được tổ chức vào tháng 9 năm 1986 đã đưa ra một chính sách đổi mới kinh tế toàn diện.

Được nhiều người biết đến với hai từ "đổi mới", chính sách này nhắm tới việc sản xuất đủ lương thực và cải thiện mức sống của người dân.

Cốt lõi của "đổi mới" là giảm sự can thiệp của nhà nước vào buôn bán kinh doanh và mở cửa nền kinh tế cho đầu tư nước ngoài.

Chính phủ cũng xoá bỏ các chính sách bao cấp để hoạt động hiệu quả và tự do giá cả. Luật Đầu tư nước ngoài được thông qua và hệ thống ngân hàng được cải tổ.

Trong lĩnh vực công nghiệp, cải cách ruộng đất đã cho phép nông dân có các quyền sử dụng, nắm giữ đất đai và tự quản lớn hơn.

Thương mại được mở rộng tự do năm 1991, cho phép ngày càng nhiều các công ty tư nhân và công ty nhà nước tham gia vào hoạt động thương mại nước ngoài khi các thị trường xuất khẩu và nhập khẩu vượt ra ngoài Liên bang Xô Viết cũ và các quốc gia Đông Âu vốn là các đối tác làm ăn truyền thống của Việt Nam.

Kết quả của những chính sách cải cách này là xuất khẩu tăng với tỷ lệ nhanh và vững chắc: trên 20% mỗi năm.

Nửa đầu năm 2007, xuất khẩu của Việt Nam tăng 22% so với con số 6,6% của Philippines.

Đáng chú ý là mặc dầu xuất khẩu của Việt Nam tăng, cộng với sự cải thiện trong cán cân thương mại và cán cân thanh toán, đồng tiền của Việt Nam tiếp tục giảm giá - chứng tỏ sự hỗ trợ của chính phủ dành cho các nhà xuất khẩu.

ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Kể từ sau "đổi mới", đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam (FDI) đã đạt mức 80 tỷ USD, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã phát biểu tại một Diễn đàn doanh nghiệp ở khách sạn Manila trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông tới đây.

Chỉ riêng năm 2006, FDI của Việt Nam đạt 10 tỷ USD so với 2 tỷ USD của chúng ta. Năm nay, các dự án của Việt Nam thu hút khoảng 25 tỷ USD so với mục tiêu 2,5 tỷ USD của Philippines.

Từ tháng 1 tới tháng 5, FDI của Philippines chỉ đạt 900 triệu USD, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2006.

FDI dự tính của Việt Nam trong năm 2007 tương đương gần 50% FDI dự tính của Trung Quốc, mặc dầu dân số Trung Quốc gấp Việt Nam khoảng 16 lần. Đây là một chỉ dấu rõ rệt về tiềm năng mà các nhà đầu tư nước ngoài thấy được cùng với lòng tin của họ dành cho con hổ mới ở châu Á.

"Dòng chảy vàng" của đầu tư vào Việt Nam nhờ cậy vào một số yếu tố.

Tại các cuộc gặp gỡ và phỏng vấn với các doanh nhân nước ngoài đang kinh doanh tại thành phố Hồ Chí Minh, Florence Mojica-Sevilla, nhà kinh tế học thuộc Đại học châu Á và Thái Bình Dương đồng thời là nhà tổ chức Diễn đàn DN Việt Nam - Philippines đầu tiên - dự kiến diễn ra ở thành phố HCM vào cuối tháng 8, nhận xét rằng các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao Chính phủ Việt Nam vì đã tạo ra được một môi trường thuận lợi cho đầu tư.

Đó là một bầu không khí được tạo ra nhờ ổn định chính trị, hoà bình và trật tự, rộng mở cho các cải cách theo định hướng thị trường, khuyến khích tài chính, đánh thuế hợp tác thấp, cơ cấu chi phí cạnh tranh cùng với lực lượng lao động trẻ, có tay nghề cao và có giáo dục.

Một nhà quan sát bình luận: "Một trong những khác biệt rõ ràng nhất giữa Philippines và Việt Nam là ở nước chúng ta, vẫn tiếp tục còn một sự ám ảnh về chính trị, về danh tiếng và giải trí trong khi ở Việt Nam, ai ai cũng đơn giản là lao động nhanh và hăng say".

PHÂN BỐ THU NHẬP

Hệ số GINI (dùng để biểu thị độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) của Việt Nam chỉ ở mức 0,40 - kỳ tích đối với một đất nước mới giành độc lập được 30 năm sau khi đánh thắng quân Mỹ.

Trái lại với Philippines - một trong những nền cộng hoà dân chủ và độc lập lâu đời nhất ở châu Á, chỉ số này lên tới 0,50, thậm chí còn cao hơn cả một vài quốc gia châu Phi. 

070821--lao-dong.jpg

Chi phí thấp cộng với lực lượng lao động có tay nghề là những yếu tố giúp Việt Nam hút được đầu tư nước ngoài - Ảnh VnAgency

Giáo sư Rolando Dy, người từng làm việc tại Ngân hàng Thế giới và giờ là Chủ nhiệm khoa Thương mại Nông nghiệp tại Đại học châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định rằng Việt Nam đã tự lo đủ sản lượng lương thực.

Ngày nay, Việt Nam sắp vượt qua Thái Lan trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Nước này còn xuất khẩu hàng loạt các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản khác như cà phê, trà xanh, tiêu đen, cao su, hạt điều, cá da trơn, tôm hùm...

Thu nhập bình quân đầu người 700USD của Việt Nam hiện nay dự kiến sẽ lên tới mức 1.200USD vào năm 2010, kết quả của tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 15%. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của Philippines vẫn hầu như không thay đổi trong 50 năm qua ở mức 1.200USD.

Việc Việt Nam đề ra kế hoạch tăng GDP bình quân đầu người ngay cả khi dân số tăng lên 100 triệu là điều đáng khâm phục trong khi một số nhà hoạch định chính sách của Chính phủ Philippines lại đổ lỗi sự nghèo đói cho dân số thay vì khai thác sức sản xuất của họ.

KHÔNG NẢN LÒNG TRƯỚC TRUNG QUỐC

Nhiều nước trong đó có Philippines dường như đã từ bỏ sự cạnh tranh trước Trung Quốc, xưởng sản xuất khổng lồ của thế giới. Nhưng Việt Nam vẫn ngẩng cao đầu.

Ngày nay, ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam không chỉ đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu mà còn bắt đầu cạnh tranh thành công với thực phẩm của Trung Quốc.

Và giờ đây, khi Mỹ và các thị trường khác bị choáng trước các thông tin về hàng giả của Trung Quốc, từ thực phẩm và kẹo đóng hộp, hải sản và thức ăn gia súc, đồ chơi và quần áo trẻ em đến xăm lốp và xe đạp, các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ đứng ra hưởng lợi như một nguồn cung thay thế, trong lúc Trung Quốc phải giải quyết hàng loạt vấn đề về kiểm soát chất lượng.

Trong lĩnh vực điện tử, Intel không chỉ xây một nhà máy một triệu USD ở Việt Nam mà hãng này còn mở cả trường học để đào tạo và tuyển dụng người Việt Nam để bổ sung vào nguồn lao động của hãng.

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Nhưng Philippines có thể hưởng lợi từ tốc độ phát triển của Việt Nam. Vì lý do này, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Philippines sẽ được tổ chức tại TP. HCM từ ngày 29 tháng 8 đến 1 tháng 9 tới.

Diễn đàn này được khởi xướng đầu tiên bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Philippines, Bộ Công nghiệp và Thương mại, Tập đoàn ZMG Signium Ward Howell Inc. và Đại học châu Á - Thái Bình Dương kết hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Văn phòng Thương mại Việt Nam tại Philippines.

Gigi Zulueta, Giám đốc quản lý của ZMG Signium Ward Howell Inc., cho biết các mục tiêu trước hết của diễn đàn là: (1) Khám phá cơ hội cho các công ty Philippines nhằm thành lập quan hệ thương mại trực tiếp với các đối tác Việt Nam trong xuất/nhập khẩu cũng như đầu tư tài chính và trực tiếp giữa hai nước; (2) Đạt được sự hiểu biết tốt hơn về sự thành công của chính sách "đổi mới" của Việt Nam để có thể ứng dụng ở Philippines; và (3) Tăng cường các quan hệ song phương giữa hai nước.

Rõ ràng, các chỉ dấu chứng minh Việt Nam đã ở vị thế tốt để trở thành con hổ tiếp theo của châu Á, và việc học hỏi, tham gia vào câu chuyện thành công của Việt Nam là điều cấp thiết đối với Philippines.

Theo VNN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek