Thứ Ba, 08/10/2024 17:32 CH
ASEAN ra tuyên bố riêng về biển Đông lần đầu tiên sau 20 năm
Chủ Nhật, 11/05/2014 11:21 SA

Các ngoại trưởng ASEAN tại hội nghị. - Nguồn: AP

Trong khuôn khổ chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN-24, ngày 10/5/2014 tại Nay Pyi Taw (Myanmar), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) lần thứ 11 và Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 14 đã diễn ra. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị.

 

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), các bộ trưởng nhất trí trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, ASEAN cần tăng cường đoàn kết và phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo của mình trong việc xử lý các vấn đề quan trọng liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển ở khu vực, thúc đẩy xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN, cũng như tăng cường quan hệ với các đối tác. ASEAN cần tiếp tục nỗ lực tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, đề cao các chuẩn mực ứng xử chung cũng như phát huy vai trò của các công cụ và cơ chế đảm bảo hoà bình, an ninh ở khu vực, nâng cao năng lực ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có ứng phó, tìm kiếm và cứu nạn.

 

Về các vấn đề quốc tế và khu vực, các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã dành phần lớn thời gian thảo luận về tình hình hiện nay ở biển Đông. Tại cuộc họp, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã thông báo về tình hình phức tạp hiện nay ở biển Đông, nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Hiayang Shiyou 981) và đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có cả tàu quân sự vào sâu trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hơn 80 hải lý đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 và Tuyên bố DOC; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông cũng như các nỗ lực củng cố lòng tin trong khu vực.

 

Các bộ trưởng ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các sự việc phức tạp hiện nay ở biển Đông, các hành động xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế là trái với luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc và Tuyên bố DOC, đã làm gia tăng căng thẳng và phương hại hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực. Các bộ trưởng đều nhấn mạnh, trước tình hình nghiêm trọng hiện nay ở biển Đông, ASEAN cần phải kịp thời thể hiện lập trường chung của mình nhằm bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, ngăn ngừa gia tăng căng thẳng. 

 

Theo đó, kết thúc hội nghị, các bộ trưởng đã nhất trí thông qua một tuyên bố riêng của các Bộ trưởng Ngoại giao về tình hình phức tạp hiện nay ở biển Đông. Tuyên bố bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về các vụ việc hiện nay ở biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng ở khu vực; yêu cầu các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982, thực hiện kiềm chế và không được có các hành đông có thể ảnh hướng đến hòa bình và ổn định ở khu vực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực. Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông; việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về biển Đông và Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC nhấn mạnh việc cần phải sớm có Bộ quy tắc COC (toàn văn Tuyên bố kèm theo).

 

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN thông qua Tuyên bố riêng về tình hình hiện nay ở Biển Đông lần này đã thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao và vai trò chủ động, trách nhiệm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông nói riêng và của khu vực nói chung; khẳng định mạnh mẽ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và của ASEAN. Có thể thấy, đây là lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ (kể từ 1995), ASEAN ra một Tuyên bố riêng về một tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

 

Tại các hội nghị, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã nhấn mạnh ASEAN cần bảo đảm đoàn kết, phát huy vai trò và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực, nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trước những chuyển biến mới trong cục diện chiến lược ở khu vực và thế giới. Phó thủ tướng khẳng định Việt Nam đã và đang tích cực cùng các nước ASEAN nỗ lực hoàn thành các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN vào 2015, tích cực thực hiện các cam kết và thoả thuận chung; tăng cường tuyên truyền, quảng bá về ASEAN và thông qua một chương trình hành động tổng thể cả ở cấp khu vực và cấp quốc gia; đồng thời xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2015.

 

Trước việc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) ra Tuyên bố về về tình hình biển Đông, ngày 10/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra thông báo bày tỏ thái độ về vấn đề này. Trong một thông báo được đăng tải trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chiều qua (10/5), chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN thông qua Tuyên bố về tình hình biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh đã phát biểu bày tỏ quan ngại, cho rằng "Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN", đồng thời cho rằng “một số nước đã lợi dụng vấn đề Biển Đông để chia rẽ đại cục hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc với ASEAN".

 

* Nhiều học giả tại Úc đã đưa ra quan điểm phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan và tàu hộ tống vào khu vực biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trang ngôn luận The Interpreter của Viện chính sách quốc tế Lowy có trụ sở tại Sydney, Úc ngày 9/5 đăng ý kiến của học giả Julian Snelder, cho rằng các chính trị gia Mỹ lo ngại trước những mối đe dọa về kinh tế và chính trị do Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) gây ra. Việc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy CNOOC đang hành động với động cơ chính trị. Bài viết còn nêu rõ với việc vây quanh giàn khoan là lực lượng gồm khoảng 80 tàu Trung Quốc, CNOOC đã thể hiện cách cư xử “hung hăng, thiếu thận trọng” mà không một doanh nghiệp thương mại tư nhân nào thực hiện. Học giả Snelder nhận định vụ việc giàn khoan Hải Dương-981 có thể trở thành một phần quan trọng trong cuộc tranh luận về đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vào Úc, đặc biệt là sẽ đặt ra câu hỏi về động cơ của các doanh nghiệp thuộc Nhà nước của nước này.

 

Trước đó, ngày 8/5, trang The Interpreter cũng đã đăng bình luận của học giả Malcolm Cook, nguyên Giám đốc Chương trình Đông Á của Viện Lowy, khẳng định rằng hành động của Trung Quốc “rõ ràng đi ngược lại tinh thần và nội dung của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)” mà Trung Quốc đã ký kết với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002.  Theo học giả Cook, việc Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa cộng với vụ Trung Quốc ngăn cản Philippines tiếp hậu cần cho binh lính đóng tại bãi Cỏ Mây (tên tiếng Anh là Second Thomas Shoal) gần đây, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự đoàn kết và tập trung trong ASEAN cũng như làm mất đi sự tin tưởng vào DOC như một công cụ ngoại giao hiệu quả để giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, VOV, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek