* Giới chức Nhà Trắng điều trần về chính sách với Ukraine
Ngày 7/5, AFP dẫn nguồn tin từ Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov cho biết cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều tháng qua tại Ukraine có thể kết thúc nếu Kiev ngừng hoạt động quân sự nhằm vào lực lượng ly khai để đổi lấy việc lực lượng này hoãn trưng cầu dân ý về độc lập.
Trả lời trang tin tức Slon.ru của Nga, phát ngôn viên Peskov nói rằng nếu lời kêu gọi trước đó của Tổng thống Putin về hoãn cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 11/5 tại miền đông Ukraine được tôn trọng, đồng thời Kiev "ngừng chiến dịch quân sự và thực hiện các những bước đi để tiến hành đối thoại, thì điều này có thể đưa Ukraine ra khỏi tình hình đang ngày càng tồi tệ hơn này”.
Trong diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 7/5, 3 quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Barack Obama đã điều trần trước quốc hội về chính sách của Nhà Trắng đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Phát biểu tại Ủy ban đối ngoại thượng viện, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề châu Âu, bà Victoria Nuland, cho biết chính sách của chính quyền Obama đối với cuộc khủng hoảng Ukraine trước hết là hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và các viện trợ “không gây chết người” giúp chính phủ tạm quyền ở Kiev chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào ngày 25/5 tới. Chủ trương của Mỹ là tăng cường nỗ lực bảo đảm an ninh cho các quốc gia thành viên khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga bên cạnh các nỗ lực ngoại giao nghiêm túc để giải quyết cuộc khủng hoảng theo thỏa thuận Geneva ngày 17/4.
Bà Nuland cùng các quan chức Lầu Năm Góc và Bộ Tài chính Mỹ cho rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ và các đồng minh châu Âu áp đặt với Nga cho tới nay “đã mang lại hiệu quả”. Tuy nhiên, Mỹ vẫn sẵn sàng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn nhằm vào toàn bộ nền kinh tế Nga.
Phát biểu tại buổi điều trần, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Bob Corker cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào đội ngũ quan chức gần gũi với Tổng thống Vladimir Putin không hề có tác dụng, thể hiện ở việc thị trường chứng khoán Nga vẫn tăng gần 4% trong phiên giao dịch ngày 6/5. Ông Corker hối thúc Nhà Trắng áp dụng các biện pháp chế tài mạnh mẽ hơn nhằm vào hệ thống ngân hàng và các khu vực kinh tế trọng yếu của Nga, điều đã được chính quyền Barack Obama tuyên bố vẫn để ngỏ nếu như cuộc khủng hoảng Ukraine trở nên trầm trọng hơn.
Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện, thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Robert Menendez hối thúc Nhà Trắng tăng cường quan hệ quân sự với các quốc gia thành viên NATO ở Trung và Đông Âu. Theo ông, Mỹ cần sẵn sàng áp đặt thêm các biện pháp chế tài gắt gao hơn đối với Nga và nhanh chóng viện trợ cho Ukraine, kể cả việc cung cấp cho Kiev các thiết bị quân sự như áo giáp.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã có cuộc gặp với người đồng cấp Gruzia Irakli Alasania về tình hình Ukraine. Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp tại Washington, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết 2 nhà lãnh đạo đã thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời đánh giá lại những nỗ lực của các đồng minh và đối tác trong việc duy trì các cam kết quốc tế và gia tăng áp lực ngoại giao, kinh tế đối với Moscow.
L. HỘI (tổng hợp từ TTXVN,Vietnam+)