G7 tìm giải pháp an ninh năng lượng, giảm lệ thuộc vào Nga
Giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng, trong đó hạn chế sự phụ thuộc năng lượng của các nước Liên minh châu Âu (EU) vào Nga là chủ đề chính của hội nghị cấp bộ trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), được tổ chức trong 2 ngày từ 5-6/5 tại thủ đô Rome của Ý với sự chủ trì của Bộ trưởng Phát triển Kinh tế nước chủ nhà Federica Guidi.
Tại hội nghị, bộ trưởng các nước thành viên G-7 gồm Anh, Đức, Ý, Canada, Mỹ, Pháp và Nhật Bản sẽ xem xét khả năng tăng cường an ninh năng lượng, cũng như việc sử dụng rộng rãi hơn các nguồn năng lượng thay thế.
Mục đích chính của hội nghị là tìm kiếm các nguồn cung thay thế nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho các nước châu Âu, vốn phụ thuộc vào nguồn khí đốt và dầu mỏ vào Nga, trong bối cảnh EU đang xem xét áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với Moscow.
Theo đó, lệnh trừng phạt "cấp độ 3", bao gồm cả việc hạn chế hoặc tạm ngừng mua năng lượng của Nga, sẽ được áp đặt nếu Moscow không thực hiện các cam kết nhằm hạ nhiệt khủng hoảng tại Ukraine. Trong khi, Ý và Đức cho rằng cuộc khủng hoảng tại Ukraine có thể giải quyết bằng con đường đối thoại, và trừng phạt kinh tế chỉ là "giải pháp cuối cùng" thì Mỹ lại đang gây áp lực lên các đối tác châu Âu nhằm áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Mặc dù Chính phủ Ý cho rằng an ninh năng lượng của nước này vẫn được đảm bảo ngay cả khi cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga, tuy nhiên, trên thực tế, nếu EU xảy ra tình trạng thiếu hụt khí đốt thì không có nguồn nào bù đắp được. Do tình hình bất ổn chính trị tại Libya, việc cung cấp khí đốt từ quốc gia này cũng như hoạt động khai thác dầu mỏ tại đây có thể bị đe dọa.
Từ năm 2009 đến nay, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của G7, bộ trưởng các nước thành viên sẽ tiến hành các hội nghị theo chủ đề, và chủ đề của hội nghị lần này liên quan đến tình hình tại Ukraine trong mối quan hệ giữa EU và Nga, quốc gia cung cấp khí đốt chính cho khối.
Theo TTXVN, Vietnam+