Thứ Năm, 10/10/2024 18:17 CH
Mỹ cam kết tăng cường hỗ trợ các đồng minh tại Baltic
Thứ Tư, 30/04/2014 16:31 CH

* ''Dòng chảy phương Nam'' sẽ cung cấp khí đốt cho châu Âu

 

Trong động thái nhằm khẳng định cam kết bảo vệ các đồng minh châu Âu và gia tăng sức ép với Nga, Chính phủ Mỹ ngày 29/4 cho biết nước này đang cân nhắc các biện pháp hỗ trợ bổ sung cho các quốc gia Đông Âu trong thành phần Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi quyết định điều 600 binh sĩ đến một số nước khu vực Baltic.

 

tau-My-140430.jpg
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Truxton của hải quân Mỹ tại biển Đen. - Nguồn: AFP/TTXVN

Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, thiếu tướng hải quân John Kirby cho biết Washington lên kế hoạch tăng cường các đợt diễn tập dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới tại các nước Baltic. Các đợt diễn tập này, gồm trên mặt đất và trên biển, sẽ có quy mô lớn hơn với việc bổ sung máy bay chiến đấu và tàu chiến hiện đang đóng tại châu Âu. Vị tướng này khẳng định quyết định tăng cường độ diễn tập kèm theo việc điều động 600 binh sĩ tới các nước Baltic và Đông Âu như Litva, Lativia, Estonia và Ba Lan trước đó là nhằm duy trì sự hiện diện luân phiên của Washington tại khu vực này đến hết năm nay trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine chưa có dấu hiệu lắng dịu.

 

Các tuyên bố này đã được nêu bật trong các cuộc tiếp xúc riêng rẽ giữa giới chức cấp cao nước chủ nhà Mỹ và quan chức các nước vùng Baltic. Trong cuộc gặp Thủ tướng Latvia Laimdota Straujuma tại Nhà Trắng, Phó tổng thống Joe Baiden đã nhấn mạnh lời cam kết cứng rắn của Washington đối với các đồng minh NATO trước tình hình căng thẳng leo thang tại Ukraine. Hai bên nhất trí duy trì quan hệ song phương cũng như quan hệ đa phương giữa các thành viên NATO trước những diễn biến tại Ukraine, đồng thời thúc đẩy an ninh năng lượng giữa các nước châu Âu. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Chuck Hagel cũng đã có buổi tiếp người đồng cấp Estonia Sven Mikser, trong đó ông chủ Lầu Năm Góc đã đề xuất kế hoạch tăng cường diễn tập nói trên.

 

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của một cộng đồng xuyên Đại Tây Dương vững mạnh và gắn kết hơn trước những diễn biến căng thẳng của cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Phát biểu trong một sự kiện về mối quan hệ Mỹ - châu Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương, Ngoại trưởng Kerry cho rằng Nga đang tìm cách thay đổi cục diện an ninh tại Đông và Trung Âu và vì vậy các đồng minh NATO cần phối hợp hành động trong tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ này, lãnh thổ của các quốc gia NATO là không thể bị xâm phạm và liên minh này sẽ bằng mọi giá bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình.

 

Trước mắt, Washington và các đồng minh NATO có trách nhiệm giúp các nước châu Âu giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga, tiến tới độc lập trong lĩnh vực này. Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh cuộc khủng hoảng tại Ukraine là động lực thúc đẩy các nước xây dựng một cộng đồng xuyên Đại Tây Dương gắn kết hơn.

 

Trong diễn biến khác, cùng ngày 29/4, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Jack Lew nhận định các biện pháp trừng phạt của quốc tế nhằm vào Nga liên quan tới chính sách của Moscow đối với Ukraine đang gây áp lực lên nền kinh tế Nga và cảnh báo sẽ có thêm các hành động nếu lập trường của Nga không thay đổi. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên án các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào nước này, cho rằng chúng thiếu “nhận thức chung”. Còn theo đánh giá của Thủ tướng Slovakia Roberrt Fico, các biện pháp trừng phạt kinh tế mới chống Nga có thể sẽ gây hại cho nền kinh tế của Slovakia. Ông cho biết sau vòng trừng phạt thứ 3 chống lại Nga, Slovakia sẽ phải gánh chịu những thiệt hại to lớn.

 

Cũng trong ngày 29/4, Tập đoàn năng lượng độc quyền Gazprom của Nga đã ký với công ty OMV của Áo một biên bản ghi nhớ về xây dựng phần đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên có tên gọi ''Dòng chảy phương Nam'' đi qua Áo để cung cấp cho châu Âu, giảm sự phụ thuộc vào nước trung chuyển là Ukraine. Theo biên bản ghi nhớ trên, đoạn đường ống chạy trên đất liền đi qua Áo dài 50km dự kiến sẽ hoàn thành trước năm 2017.

 

Cùng ngày, Gazprom cũng ký kết thỏa thuận xây dựng nhánh thứ 2 chạy trên biển của ''Dòng chảy phương Nam'' với công ty Allseas Group của Thụy Sĩ. Dự kiến 900km đường ống xuyên biển Đen do Thụy Sĩ xây dựng sẽ đi vào hoạt động vào năm 2016. Trong báo cáo của Gazprom ngày 29/4 tập đoàn này cũng cảnh báo có thể sẽ xảy ra gián đoạn trong việc cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu. Báo cáo nêu rõ, khủng hoảng chính trị và kinh tế tại Ukraine có thể sẽ khiến các đối tác của Gazprom tại nước này không thể thực hiện các cam kết (trung chuyển) khí đốt và chiếm dụng số khí đốt dành cho khách hàng châu Âu được vận chuyển đi qua lãnh thổ Ukraine.

 

Để giảm thiểu các rủi ro này, Gazprom đang dần chuyển sang thực hiện nguyên tắc định giá theo thị trường trong xuất khẩu khí đốt sang các nước thuộc Liên Xô cũ cũng như trong dịch vụ vận chuyển khí đốt, đa dạng hóa các tuyến đường cung cấp như ''Dòng chảy phương Bắc'' và ''Dòng chảy phương Nam,'' mở rộng hệ thống hầm ngầm dự trữ khí đốt ở nước ngoài và phát triển thương mại khí hóa lỏng.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek