Thứ Hai, 14/10/2024 13:16 CH
Nga kêu gọi châu Âu cùng hỗ trợ nền kinh tế Ukraine
Thứ Sáu, 11/04/2014 11:08 SA

* Tổng thống Mỹ chuẩn bị áp đặt trừng phạt mới với Nga

* Cuộc gặp 4 bên về Ukraine sẽ diễn ra vào ngày 17/4

 

Ngày 10/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi thư tới lãnh đạo 18 nước châu Âu mua khí đốt của Nga, trong đó bày tỏ đặc biệt quan ngại về tình hình kinh tế hiện nay tại Ukraine và hậu quả có thể có đối với việc trung chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu. 

 

Nga-140411.jpg

Công nhân vận hành đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc tại Nga. - Nguồn: THX/TTXVN

Theo người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov, nội dung thư nêu rõ trong những tháng gần đây, kinh tế Ukraine suy thoái nhanh chóng, sản xuất công nghiệp và xây dựng giảm mạnh, thâm hụt ngân sách tăng, lĩnh vực tiền tệ xấu đi nghiêm trọng, thâm hụt thương mại, giảm vốn đầu tư, nền kinh tế có nguy cơ phá sản, ngừng sản xuất và bùng nổ lạm phát. Theo Tổng thống Nga, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay của Ukraine phần lớn do chính cán cân thâm hụt này với EU, và điều đó đã tác động tiêu cực đến việc thực hiện các cam kết trong hợp đồng cung cấp khí đốt giữa Nga và Ukraine. Trong thư, Tổng thống Putin tuyên bố Nga không cần thiết và cũng không thể tiếp tục một mình gánh vác nhiệm vụ hỗ trợ kinh tế Ukraine thông qua việc ưu đãi giá khí đốt hay hoãn nợ, mà thực chất là "trợ cấp" cho thâm hụt thương mại của Ukraine với EU. Tổng thống Nga nêu rõ tình hình hiện nay chỉ có một lối thoát là tiến hành ngay các cuộc tham vấn cấp bộ trưởng kinh tế, tài chính và năng lượng để đề ra những biện pháp ổn định nền kinh tế Ukraine và đảm bảo cung cấp cũng như trung chuyển khí đốt của Nga theo đúng hợp đồng. Nga kêu gọi các đối tác châu Âu tiến hành ngay các cuộc tham vấn này. Nga sẵn sàng tham gia bình ổn và khôi phục kinh tế Ukraine nhưng không phải một mình, mà trong các điều kiện bình đẳng với các đối tác châu Âu.

 

Trước đó, Tổng thống Putin đã chủ trì cuộc họp với Chính phủ Nga, trong đó các bộ trưởng báo cáo về tình hình hợp tác với Ukraine, bao gồm cả hợp tác năng lượng. Tại cuộc họp, Thủ tướng Dmitry Medvedev thông báo tổng số tiền mua khí đốt Ukraine nợ Nga là 16,6 tỉ USD. Ông Medvedev cho biết theo một thỏa thuận ký với Kiev năm 2009, Nga sẽ yêu cầu thanh toán tiền khí đốt trước nếu Ukraine không trả hết nợ. Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã yêu cầu Chính phủ và tập đoàn năng lượng Gazprom tạm thời chưa chuyển sang chế độ thanh toán trước đối với Ukraine, đồng thời ông cũng không loại trừ khả năng nếu Kiev từ chối đàm phán về vấn đề nợ, Nga sẽ yêu cầu thanh toán trước.

 

Trong một động thái được cho là trả đũa việc Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga, Ủy ban Nghị viện Hội đồng châu Âu ngày 10/4 đã chính thức bỏ phiếu tước quyền bỏ phiếu và loại trừ khỏi vị trí lãnh đạo của các nghị sĩ Nga tại Ủy ban này. Cuộc bỏ phiếu diễn ra tại một cuộc họp kéo dài 3 giờ đồng hồ ở TP Strasbourg (Pháp), trụ sở của Ủy ban Nghị viện Hội đồng châu Âu (PACE) mà không có sự hiện diện của bất cứ đại diện nào của Nga. Theo đó, 18 nghị sĩ Nga có tên trong danh sách tại Ủy ban Nghị viện Hội đồng châu Âu, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát nhân quyền châu Âu sẽ không được phép bỏ phiếu ở Hội đồng châu Âu cho tới cuối năm 2014. Các đại diện của Nga ở hội đồng này cũng sẽ không được nắm giữ các chức vụ lãnh đạo ở các ủy ban của hội đồng. Ngay cả quyền tham dự với tư cách quan sát viên của Nga cũng sẽ bị tạm ngưng. Trong một tuyên bố, ông Michael Aastrup Jensen, đại diện của Đan Mạch tại Ủy ban Nghị viện Hội đồng châu Âu cho biết: “Đây mới chỉ là bước đầu tiên. Nếu Nga không nhận thức về những tín hiệu mà chúng tôi gửi đi, trong đó yêu cầu Nga giảm căng thẳng tình hình và chấm dứt việc sáp nhập Crimea vào Nga, chúng tôi sẵn sàng sử dụng đến bước hai loại bỏ quốc thư của Nga”.

 

Nga đã ngay lập tức lên tiếng chỉ trích quyết định của Ủy ban Nghị viện Hội đồng châu Âu. Trong một tuyên bố, ông Alexey Pushkov, Chủ tịch phái đoàn Nga Ủy ban Nghị viện Hội đồng châu Âu nói: “Chúng tôi xem đây là một sự vi phạm quyền của Nga phái đoàn Nga và chúng tôi cho rằng đã đến lúc chúng tôi phải cân nhắc về việc có thể tiếp tục tham gia thực hiện sứ mệnh của Nga tại Ủy ban này trong tương lai hay không”.

 

Cùng ngày 10/4, Hãng thông tấn Interfax đưa tin Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo rằng việc NATO triển khai lực lượng tại các quốc gia Đông Âu, giáp với Nga sẽ vi phạm các thỏa thuận với Moscow. Ông Lavrov nói việc NATO đang thảo luận về khả năng triển khai quân hay những cơ sở trên lãnh thổ các nước “liền kề” với Nga là vi phạm Hiệp ước Nga-NATO ký năm 1997.

 

Trong diễn biến khác liên quan, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 10/4 đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong đó nhấn mạnh rằng Mỹ và đồng minh cần chuẩn bị vòng trừng phạt mới đối với Nga nếu nước này gia tăng căng thẳng trong cuộc khủng hoảng Ukraine. "Tống thống nhấn mạnh sự cần thiết để Mỹ, Liên minh châu Âu và các đối khác toàn cầu khác chuẩn bị các bước tiếp theo đáp trả việc Nga leo thang căng thẳng bằng các biện pháp trừng phạt bổ sung", tuyên bố của Nhà Trắng cho biết.

 

Cũng trong ngày 10/4, trong cuộc họp giữa Ngân hàng thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Washington, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew cũng đã phát đi cảnh cáo tương tự đối với người đồng cấp Nga Anton Siluanov, gia tăng sức ép với Moscow.

 

Trong khi đó, hãng tin Itar-Tass của Nga dẫn một nguồn tin ngoại giao phương Tây ngày 10/4 cho biết, cuộc gặp bốn bên giữa Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine đang được chuẩn bị tại Geneva (Thụy Sĩ) và có thể sẽ diễn ra vào ngày 17/4 tới. Nguồn tin ngoại giao được Itar-Tass trích lời nói: “Nếu tất cả các bên khẳng định tham gia thì cuộc gặp 4 bên sẽ diễn ra tại Geneva. Thời điểm dự kiến là ngày 17/4. Địa điểm cụ thể diễn ra cuộc gặp sẽ là khách sạn Intercontinental, nơi từng diễn ra rất nhiều cuộc gặp lịch sử về các vấn đề SyriaIran”.

 

Trước đó, giới chức EU thông báo cuộc gặp 4 bên về Ukraine có thể diễn ra vào cuối tuần sau ở cấp ngoại trưởng với thành phần dự kiến gồm Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh-đối ngoại Catherine Ashton, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng trong chính phủ tạm quyền Ukraine Andriy Deshchytsia. Phía Nga tuyên bố sẽ tham dự cuộc gặp với điều kiện trong nội dung bàn thảo có yêu cầu chính phủ tạm quyền tại Ukraine đối thoại với các địa phương.

 

Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết Moscow đang chờ đợi những giải thích về mục đích của cuộc gặp này, đồng thời nhắc lại đề xuất của Nga về đối thoại rộng mở với sự tham gia của tất cả các lực lượng chính trị và khu vực ở Ukraine nhằm đạt được một thỏa thuận về cải cách hiến pháp. Theo Ngoại trưởng Lavrov, tình hình biểu tình hiện nay tại Ukraine là vấn đề xung đột nội bộ, đòi hỏi chính quyền lâm thời Kiev phải mời đại diện các vùng, các lực lượng chính trị đến đối thoại về tất cả các vấn đề xung đột.

 

Tại Ukraine, theo Tân Hoa xã, ngày 10/4, Thứ trưởng Nội vụ Ukraine Sergey Yarovyj cho biết nhà chức trách nước này đã bắt đầu thương lượng với những nhà hoạt động ủng hộ Nga tại 3 thành phố miền đông là Donetsk, Lugansk và Kharkov. Trả lời báo giới, ông Yarovyj nói: "Cuộc đàm phán đang được tiến hành và chúng tôi đã cử một số nghị sĩ tham gia thương lượng". Miêu tả các đòi hỏi của những người biểu tình ủng hộ Nga là "không thể chấp nhận được", ông Yarovyj bày tỏ hy vọng tìm ra một thỏa hiệp đôi bên cùng có lợi nhằm giải quyết tình trạng bất ổn hiện nay một cách hòa bình. Thứ trưởng Yarovyj cũng nhấn mạnh chính quyền Ukraine sẽ tìm cách tránh đối đầu quân sự.

 

Cũng trong ngày 10/4, Quốc hội Ukraine đã thông qua một đạo luật nhằm chấm dứt tình trạng tham nhũng trong hoạt động mua bán của chính phủ và tăng cường tính minh bạch trong hoạt động bỏ thầu. Động thái trên nhằm giúp Ukraine có được khoản cứu trợ trị giá 14-18 tỉ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatseniuk, người đệ trình đạo luật lên Quốc hội, cho biết chính phủ Ukraine dành ra khoảng 300 tỉ Hryvnia (25 tỉ USD) mỗi năm để mua sắm.

 

H.TRỌNG (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+, VOV)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek