Thứ Tư, 16/10/2024 01:28 SA
Các đảng Syria tạm gác bất đồng để chống xâm lược
Chủ Nhật, 08/09/2013 11:00 SA

* EU khẳng định chính phủ Syria đã tấn công hóa học

 

Các chính đảng Syria ngày 7/9 đã nhất trí tạm gác mọi bất đồng và cùng chung sức để bảo vệ đất nước trong bối cảnh Mỹ và các nước đồng minh đang đe dọa tấn công quân sự vào nước này.

 

My-130908.jpg

Người biểu tình giơ băng rôn khẩu hiệu trước Nhà Trắng phản đối tấn công Syria. - Nguồn: AFP

Hãng thông tấn chính thức SANA cho biết tại một cuộc họp để thảo luận về hành động can thiệp quân sự từ bên ngoài có thể xảy ra, ban lãnh đạo Đảng Baath Xã hội chủ nghĩa Ả-rập cầm quyền và lãnh đạo các chính đảng khác của Syria khẳng định hành động xâm lược của Mỹ và phương Tây sẽ khiến tất cả các lực lượng đoàn kết lại, bất chấp khác biệt về quan điểm chính trị và tư tưởng. Về phần mình, Trợ lý Tổng bí thư đảng Baath Hilal Hilal Amin nhấn mạnh các chính đảng ở Syria sẽ gác lại bất đồng để chung sức bảo vệ đất nước.

 

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Syria Saad al-Nayef  đã yêu cầu tất cả các bệnh viện công và trung tâm y tế chuẩn bị thuốc men và thiết bị y tế để đối phó với mọi "tình huống khẩn cấp". Ông al-Nayef cũng cho biết ngành y tế nước này vẫn hoạt động ổn định, bất chấp các nhóm "khủng bố" liên tục tấn công nhằm vào các cơ sở y tế và phương Tây áp đặt các biện pháp phong tỏa kinh tế.

 

Trong khi đó, các đại biểu tham dự "Hội nghị phản đối cuộc xâm lược của Mỹ nhằm vào thế giới Ả-rập" tổ chức tại thủ đô Cairo của Ai Cập đã bác bỏ các tuyên bố gần đây của Washington về bảo vệ người dân Syria bằng cách phát động chiến dịch quân sự nhằm vào quốc gia này, đồng thời khẳng quyết tâm bảo vệ Syria chống lại âm mưu chia rẽ các nước Ả-rập. Chủ tịch Đảng Trào lưu Nhân dân Ai Cập Hamdeen Sabbahi cảnh báo chiến dịch quân sự nhằm vào Syria sẽ biến nước này thành "cứ địa của các nhóm khủng bố có tổ chức" và gây tác động tới an ninh quốc gia của tất cả các nước Ả-rập. 

 

Trong khi đó, ông Abdul-Rahim Murad, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Libăng và hiện là lãnh đạo của Đảng Liên minh Libăng, cho rằng hành động xâm lược Syria không phải bắt đầu từ lời đe dọa tấn công của Mỹ mà là từ khi chính quyền một số nước Ả-rập hỗ trợ cho các nhóm phiến quân nước ngoài nhằm phá hoại quốc gia Trung Đông này. Về phần minh, phát biểu khi đang ở thăm Turkmenistan, Chủ tịch Quốc hội Iran (Majlis) Ali Larijani khẳng định chiến dịch tấn công quân sự của Mỹ vào Syria có thể dễ dàng vào lúc đầu, nhưng sẽ kết thúc ở "địa ngục". Ông Larijani cũng kêu gọi các nước trong khu vực nỗ lực ngăn chặn một cuộc chiến mới. 

 

Trong khi đó, cùng ngày, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC, gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả-rập Xê-út và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất) lên tiếng hối thúc cộng đồng quốc tế can thiệp ngay lập tức vào Syria để bảo vệ người dân nước này trước cái gọi là sự "đàn áp" của chính quyền. Trong một tuyên bố, Tổng thư ký GCC Abdullatif al-Zayani cho rằng Damascus phải chịu "hoàn toàn chịu trách nhiệm" về những gì đang xảy ra ở Syria.

 

EU-130908.jpg

Bà Catherine Ashton và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. - Nguồn: Reuters

Trong diên biến khác, hãng Reuters dẫn lời đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton, ngày 7/9 cho biết 28 quốc gia thuộc EU đã nhất trí rằng những thông tin hiện có dường như thể hiện bằng chứng rõ rằng Chính phủ Syria đứng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở nước này hồi tháng 8  vừa qua. Tuyên bố trên được bà Ashton đưa ra trong bài phát biểu kết thúc hội nghị các ngoại trưởng EU ở thủ đô Vilnius của Litva.

 

Ngay sau đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hoan nghênh tuyên bố trên của EU. Phát biểu sau khi gặp các ngoại trưởng EU tại thủ đô Vilnius của Litva, Ngoại trưởng Kerry cho biết: "Chúng tôi rất cảm ơn tuyên bố được đưa ra trong cuộc họp ngày hôm nay về vấn đề Syria, một tuyên bố rõ ràng về trách nhiệm cần giải trình".

 

Cùng ngày 7/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng không hành động không phải là lựa chọn của nước ông đối với trường hợp Syria sau khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria hôm 21/8 vừa qua. Ông đồng thời kêu gọi các nghị sĩ ủng hộ một cuộc tấn công quân sự và khẳng định đây sẽ không phải là một Iraq hay Afghanistan thứ hai. Trong bài phát biểu hàng tuần, ông Obama nói: "Chúng tôi không thể nhắm mắt bỏ qua những hình ảnh giống như những gì chúng tôi từng thấy bên ngoài Syria. Đó là lý do tôi kêu gọi các thành viên trong Quốc hội, thuộc cả hai đảng, hãy hợp tác và giữ gìn thế giới mà chúng ta muốn sống, thế giới mà chúng ta muốn để lại cho con cháu cũng như thế hệ tương lai".

 

Tổng thống Obama khẳng định ông muốn tấn công Syria và trừng phạt chính phủ của Tổng thống nước này Bashar al-Assad. Ông thuyết phục: "Đó (vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria) không chỉ là vụ tấn công trực tiếp nhằm vào nhân phẩm mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia của chúng ta. Đó là lý do vì sao vào ngày cuối tuần hôm nay, tôi tuyên bố rằng với tư cách là Tổng tư lệnh quân đội Mỹ, tôi quyết định Mỹ nên hành động quân sự chống chính quyền Syria".

 

Tuy nhiên, theo cuộc thăm dò do tờ Bưu điện Washington tiến hành, tính đến ngày 6/9, 224 trong tổng số 433 hạ nghị sĩ Mỹ hiện nay nói không hoặc "không ngả" sang phương án hành động quân sự trong khi 184 hạ nghị sĩ khác vẫn chưa quyết định và chỉ có 25 người ủng hộ tấn công.  Trong khi đó, theo cuộc thăm dò do hãng Gallup tiến hành, 51% số người Mỹ được hỏi phản đối cuộc tấn công Syria trong khi chỉ có 36% số người ủng hộ tấn công.

 

Trong ngày 7/9, khoảng 200 người biểu tình với băng rôn khẩu hiệu đã tập trung trước cửa Nhà Trắng và tuần hành tới trụ sở Quốc hội Mỹ để phản đối việc nước này có thể tấn công Syria. Đây là một trong nhiều cuộc tuần hành được lên kế hoạch trên khắp cả nước và diễn ra trước thềm một cuộc biểu tình quy mô lớn dự kiến tại Washington vào ngày 9/9. Bà Sarah Sloan của Liên minh ANSWER - tổ chức lên kế hoạch biểu tình - cho hay: "Các văn phòng quốc hội 'ngập đầu' bởi các cuộc gọi, fax và thư điện tử. Các văn phòng quốc hội báo cáo rằng với tỉ lệ 100 người trên một người, nhân dân sẽ yêu cầu các đại diện do họ bầu biểu quyết chống lại dự thảo nghị quyết chiến tranh. Do sự chia rẽ sâu sắc trong chính giới, người dân có thể tạo ra khác biệt lớn".

 

Cũng trong ngày 7/9, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cho biết nước này đã ký vào tuyên bố toàn cầu kêu gọi "phản ứng mạnh" với vụ tấn công bằng vũ khí hóa học gây thương vong được cho là do chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiến hành. Như vậy, Đức là thành viên thứ năm trong Liên minh châu Âu ký vào tuyên bố nói trên được đưa ra tại Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) ở St. Petersburg. 

 

H.TRỌNG (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek