Thứ Sáu, 17/01/2025 13:00 CH
"Việt Nam sẽ là điểm sáng trong việc đẩy lùi nạn vi phạm bản quyền"
Thứ Sáu, 09/02/2007 14:43 CH

Đó là khẳng định của bà Rebecca Ho - Luật sư Cao cấp của Microsoft, về tình hình thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam trong thời gian tới.

070209-ban-quyen-phan-mem.jpg

Việc vi phạm về bản quyền phần mềm đã làm thất thu hàng triệu USD mỗi năm. Ảnh minh họa từ VNN

Theo bà Rebecca Ho, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực cũng như các hoạt động thiết thực để đẩy lùi nạn vi phạm bản quyền. Trước đây tình trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam trong lĩnh vực CNTT rất nghiêm trọng và được xếp vào một trong những quốc gia có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất trên thế giới (97% vào năm 2000). Đến nay tình trạng trên đã có rất nhiều chuyển biến.

Các hình thức vi phạm bản quyền trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam chủ yếu là sao chép các phần mềm qua các đĩa bất hợp pháp, tải phần mềm lậu qua internet, ý thức của người sử dụng đầu cuối chưa cao... Tuy nhiên ở hình thức vi phạm nào đi chăng nữa thì cũng gây ra những thiệt hại rất lớn đối với nhà sản xuất và nền kinh tế của đất nước.

Mới đây vào tháng 10/2006, tại Hà Nội, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra công ty Daewoo Hanel phát hiện có 42 máy tính tại đây không chỉ cài đặt các phần mềm bất hợp pháp của Microsoft mà cả các phần mềm "Made in Vietnam" như Lạc Việt từ điển, Vietkey... với giá trị ước tính lên tới 1 tỷ đồng.

Sau đó không lâu, sáng 5/12/2006, Bộ VHTT kết hợp với phòng Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Bộ công an (C15) kiểm tra đột xuất tòa nhà văn phòng của công ty gạch men Mỹ Đức (35B đường 3/2, P.11, Q.10, TP.HCM) và phát hiện tại đây vi phạm nghiêm trọng những quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Qua kiểm tra, Đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm và thu giữ 30 thùng máy tính có cài đặt rất nhiều phần mềm bất hợp pháp như: Từ điển Lạc Việt, Vietkey, WinZip, WinRar…; các sản phẩm chống virus như: Symantec Antivirus, Mcafee; các sản phẩm của Microsoft như: Microsoft Windows, Microsoft Office…, với tổng giá trị vi phạm lên đến 1,5 tỷ đồng.

Trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều vụ vi phạm sử dụng bản quyền phần mềm bất hợp pháp bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Vẫn còn rất nhiều đơn vị, cá nhân sử dụng các phần mềm bất hợp pháp mà cơ quan chức năng chưa kiểm tra.

Theo ông Robert Holleyman, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Liên minh phần mềm doanh nghiệp (tên viết tắt là BSA): "Vi phạm phần mềm đã lấy đi hàng nghìn cơ hội việc làm, hàng tỷ doanh thu, thu thuế và các khoản chi phí đáng kể vào việc phát triển các công nghệ mới".

Một nghiên cứu của tổ chức IDC (chuyên nghiên cứu và tư vấn về thị trường CNTT-VT) được tiến hành năm 2005 cho thấy nếu tỉ lệ vi phạm bản quyền ở Việt Nam giảm xuống còn 82% vào năm 2009 thì mức tăng trưởng của ngành CNTT ở Việt Nam sẽ là 170% đồng thời tạo thêm 4.000 việc làm mới, doanh thu từ ngành CNTT tăng lên khoảng 727 triệu USD, đóng góp vào doanh thu thuế cho nhà nước khoảng 43 triệu USD và được xếp vào một trong 3 nước có mức tăng trưởng CNTT tiềm năng nhanh nhất trên thế giới.

Hồng H. - Giám đốc một Cty TNHH trong lĩnh vực CNTT cho biết: "CNTT ngày càng phát triển và các ứng dụng CNTT ngày càng đi vào cuộc sống. Tuy nhiên giá bản quyền phần mềm để sử dụng quá đắt, nhiều doanh nghiệp, cá nhân không kham nổi. Chính công ty tôi làm về phần mềm nhưng vẫn sử dụng một số phần mềm không có bản quyền. Biết vậy là sai, nhưng chúng tôi chưa có cách nào khác để khắc phục".

Đây không phải là vấn đề trăn trở của H., mà là của rất nhiều người sử dụng máy tính ở Việt Nam và một số nước đang phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể dựa vào đó để biện minh cho việc sử dụng các phần mềm không có bản quyền, vì Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì vấn đề bản quyền càng được thực thi gắt gao và chặt chẽ hơn. Đúng với những gì mà Việt Nam đã cam kết trước khi gia nhập vào tổ chức này.

"Vi phạm bản quyền ở VN đã được cải thiện rất nhiều"

Hiện nay ở Việt Nam, tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm chiếm tới 90%, tuy nhiên bà Rebecca vẫn tin tưởng lạc quan rằng tỷ lệ đó sẽ giảm trong thời gian tới. Bởi theo bà Rebecca, Microsoft rất tự tin với 3 chiến lược (cải tiến công nghệ, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dùng và được sự hỗ trợ của Chính phủ) mà Microsoft đang tiến hành. Cùng với, kinh nghiệm từ các nước khác (như Trung Quốc, Thái Lan…) cũng có tỉ lệ vi phạm cao, nhưng hiện nay đã giảm đáng kể. "Vậy thì không có lý do gì ở Việt Nam - một đất nước rất năng động, con người Việt Nam vốn thông minh và hội nhập nhanh - lại không làm được điều đó", bà Rebecca nhấn mạnh.

Trong thời gian vừa qua, ngoài các biện pháp như tăng cường thanh tra xử lý những vi phạm ở các công ty máy tính lớn tại Hà Nội và TP.HCM, các cơ quan chức năng liên quan cũng đã tổ chức hàng loạt buổi tọa đàm, hội thảo nhằm giáo dục và nâng cao ý thức cho các cá nhân doanh nghiệp trong việc sử dụng các phần mềm có bản quyền.

Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VHTT cho biết: "Chính phủ và các Bộ ngành liên quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có phần mềm, đối với các doanh nghiệp kinh doanh máy tính và những doanh nghiệp sử dụng phần mềm nhằm tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh đồng thời thúc đẩy sự phát triển của chính ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam, cũng như tái thể hiện những cam kết quốc tế của Việt Nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và phục vụ cho công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam".

Theo bà Rebecca, tuy Việt Nam vẫn còn là một trong những nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền cao trên thế giới, nhưng trong những tháng vừa qua bức tranh thực thi luật sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã có những điểm sáng rõ rệt. "Sau hàng loạt các chiến dịch thanh tra các doanh nghiệp và các doanh nghiệp kinh doanh máy tính sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền vào cuối năm 2006 cũng như việc Việt Nam chính thức gia nhập WTO, các doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức hơn về quyền sở hữu trí tuệ", bà Rebecca cho biết.

Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO, cũng đồng nghĩa là chúng ta bước vào một sân chơi lớn và phải luôn tuân thủ theo các luật lệ. Vì vậy chúng ta không thể sử dụng mãi những phần mềm không có bản quyền để gây ra những thất thu cho đất nước cũng như tiếp tay cho những người làm ăn bất chính. Việc tôn trọng bản quyền phần mềm cũng là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước, một việc như thế tại sao chúng ta không làm?

Ngày 6/2/2007, tại TP.HCM, Microsoft Việt Nam đã tổ chức buổi đào tạo về quyền sở hữu trí tuệ cho các nhà báo. Tại khóa đào tạo, bà Rebecca đã chia sẻ và giải thích kiến thức thiết thực về luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, góp phần mang tới các cơ quan thông tin đại chúng cái nhìn toàn diện và đúng đắn nhất về Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam... Liên quan đến vấn này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với bà Rebecca:

* Khi một cá nhân sử dụng phần mềm không có bản quyền, Microsoft sẽ khởi kiện cá nhân đó hay công ty mà người đó đang làm việc?

- Chúng tôi sẽ khởi kiện các công ty và các tổ chức. Bên cạnh đó chúng tôi có thể sẽ khởi kiện cả các cá nhân và công ty đã bán phần mềm sao chép này.

* Hiện nay Microsoft đã có có thể biết được các công ty, các tổ chức đang sử dụng các phần mềm không có bản quyền. Vậy bà có thể cho biết Microsoft sẽ khởi kiện công ty nào trong danh sách các công ty vi phạm?

- Đây là một thông tin rất nhạy cảm mà chúng tôi xin được phép không tiết lộ. Tuy nhiên, chúng tôi có thể khẳng định rằng việc trước tiên chúng tôi đang làm trong giai đoạn này là mở rộng công tác quảng bá, tuyên truyền trong các cơ quan chức năng, các tổ chức luật pháp để họ hiểu rõ hơn về vi phạm bản quyền. Chúng tôi trao đổi với các tổ chức thanh tra, công an những kinh nghiệm đã làm ở các nước khác.

* Microsoft có chiến lược giá hợp lý cho thị trường Việt Nam không?

- Về các chính sách giảm giá, chúng tôi không có chính sách giảm giá đặc biệt cho thị trường nào cả. Sản phẩm Microsoft được làm từ Mỹ, chúng tôi phải tuân thủ các luật về giá cả của Mỹ, nếu không sẽ là vi phạm luật. Ngoài ra, chúng tôi đã đầu tư rất nhiều để nghiên cứu cho ra sản phẩm, vì vậy các sản phẩm được định giá dựa trên tất cả những tiêu chí này.

* Chúng tôi được nghe nói các đại diện cấp cao của Microsoft có những chương trình đàm phán với chính phủ Việt Nam để áp dụng giảm giá các phần mềm.

- Chúng tôi đã và đang bán phần mềm cho rất nhiều các cơ quan chính phủ. Tháng 4/2006, Microsoft đã đưa ra một phiên bản tiếng Việt, đây chính là kết quả của rất nhiều lần làm việc với các tổ chức chính phủ. Sản phẩm này đã được đón nhận nồng nhiệt tại các tỉnh, và nó nằm trong chương trình phổ cập CNTT, thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị của chúng tôi.

Sản phẩm này dành cho người bắt đầu sử dụng máy tính, vì vậy nó chứa các giao diện hướng dẫn sử dụng rất tiện ích, đây là tính năng rất nổi trội của Starter Edition.

* Theo bà, các doanh nghiệp VN đang gặp phải những khó khăn (về kinh tế, nhận thức, kế hoạch) gì trong việc thực thi luật sở hữu trí tuệ. Bà có thể đưa ra một số giải pháp cho các doanh nghiệp?

- Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là hiểu biết về sở hữu trí tuệ.  Chỉ khi nào các doanh nghiệp hiểu và nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ thì khi đó họ mới có được các nguồn lực về người, về tài sản, về tiền và lên kế hoạch để mua các phần mềm có bản quyền. BSA và Microsoft cũng có các chương trình để quản lý tài sản phần mềm. Các doanh nghiệp cần phải kiểm tra thường xuyên các phần mềm cài đặt trên máy tính của họ là gì thì mới biết các phần mềm đó có hữu ích cho doanh nghiệp họ hay không, bởi vì nhiều khi doanh nghiệp lại mua nhiều phần mềm không cần thiết trong khi có những phần mềm thực sự cần thiết cho doanh nghiệp thì họ lại chưa mua. Đấy là một biện pháp để tiết kiệm tiền bạc cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về mặt tài chính.

Ngoài ra, bản thân Microsoft cũng có nhiều các chính sách giá khác nhau áp dụng cho các tổ chức có quy mô khác nhau. Ví dụ như đối với các doanh nghiệp có 5-10 máy thì chính sách giá sẽ khác so với các doanh nghiệp có tới hàng trăm máy. Đấy cũng là một điều giúp các tổ chức tiết kiệm tiền bạc.

Đ.Huân - TNO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek