Cùng với ĐTDĐ có sẵn camera, sự bùng phát của nhiều dịch vụ cung cấp công cụ biên tập video miễn phí trên mạng đã trở thành động lực sản sinh nhiều “nhà quay phim nghiệp dư” thời công nghệ số.
Quay phim bằng di động - dễ như bóc kẹo
Mỗi tuần có hàng triệu chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) có tích hợp tính năng quay camera được tiêu thụ. Có thể nói, ĐTDĐ có gắn máy quay phim đang đe doạ doanh số bán ra của nhiều loại máy quay phim chất lượng cao có tiếng trên thị trường. Theo hãng nghiên cứu Strategy Analytics, năm 2006 có trên 348 triệu “con dế” loại này được tiêu thụ, đồng thời hứa hẹn trong năm 2007 mức tiêu thụ sẽ đạt khoảng 490 triệu chiếc.
Cùng với xu thế đó, các nhà sản xuất điện thoại di động đang “trao máy quay phim tới tận tay” những công dân thuộc nhóm tuổi trước đây chưa bao giờ có nhu cầu mua loại thiết bị này.
Hiệu quả của hiện tượng này có thể thấy rõ trên YouTube. Mỗi ngày có khoảng 65.000 đoạn phim được tải lên website chia sẻ video trực tuyến số một, đa số đều của các tác giả chỉ xấp xỉ trên dưới 20, lứa tuổi còn rất “non nớt” với nghề cầm máy quay.
Có thể thấy, phần nhiều các đoạn phim đó còn rất thô mộc, nhiều lỗi kỹ thuật, ánh sáng, có rất nhiều lỗi thô sạn, nhưng với hơn 100 triệu lượt người xem mỗi ngày, đó lại chính là những thứ mà người dùng web muốn xem nhất.
Anh Nicolas Charbonnier, một video-blogger 24 tuổi người Đan Mạch nhận xét: “Những đoạn phim đó chỉ hướng tới việc kể một câu chuyện nào đó theo lối hài hước chứ không quá sâu sắc”.
Có rất nhiều những “nhà làm phim mới” theo kiểu này đã gia nhập thế giới nghệ thuật thứ bảy mà chẳng tốn một xu đầu tư. Đơn giản vì họ đã có điện thoại di động tích hợp sẵn máy quay phim và các công cụ chỉnh sửa miễn phí được cung cấp trên mạng. Hai trong số những website phổ biến được những nhà làm phim “bán nghiệp dư” kiểu này thường ghé thăm là Jumpcut.com và Eyespot.com.
Việc phát sinh các phần mềm biên tập video miễn phí trên mạng là do những phần mềm đóng gói đắt đỏ không đáp ứng được nhu cầu người dùng.
Ông David Dudas, đồng sáng lập Eyespot lý giải: “Chúng tôi nảy ra ý tưởng đó vì bản thân chúng tôi cũng dùng ĐTDĐ tích hợp máy quay, camera số và phải biên tập video, song điều này thật khó khăn. Các phần mềm đóng gói giống như một chiếc tàu con thoi đặc biệt, dùng được chúng quả rất chật vật”.
Tất nhiên chất lượng các đoạn phim quay bằng di động hiện vẫn còn rất “tạp nhạp” và các tính năng biên tập miễn phí trên mạng mới dừng ở mức cơ bản nhất. Song trong vài năm tới, những hạn chế đó sẽ được khắc phục và nâng cấp đáng kể. Bằng chứng là trong năm nay, phần mềm biên tập video miễn phí trên website “9 tháng tuổi” Eyespot sẽ được nâng cấp thêm nhiều lần nữa.
Từ đam mê thành nghề nghiệp
Muốn nói gì thì nói, những quy tắc ngày xưa giờ đã không thể áp dụng trong thời đại Internet được nữa. Blogger Charbonnier bình luận: “Việc biên tập đã giảm bớt dần tính quan trọng. Khi phát hiện đoạn phim nào quá chậm, người xem có thể chỉnh cho nhanh hơn”. Bản thân Charbonnier cũng đã từng quay hàng giờ hoạt động của các triển lãm thương mại công nghệ rồi tải lên mạng Google Video mà không cần biên tập gì cả.
Theo ông Dudas, tới cuối tháng 3 tới, chỉ tính riêng Eyespot dự kiến mỗi tháng đã có khoảng 5 triệu người dùng các phần mềm biên tập video miễn phí. Tính phổ biến của các phần mềm này đã tạo điều kiện cho một số người “âm mưu” biến niềm đam mê cá nhân thành một nghề nghiệp chính thức.
Ông Hans van Haagen, biên tập viên tin tức và phim tài liệu của Đài truyền hình Hà Lan NOS nhận định: “Số lượng các biên tập viên video tự học ngày càng tăng. Chúng tôi đang có nhu cầu tuyển rất nhiều nhân lực cho những vị trí còn bỏ khuyết”.
Kỹ năng biên tập, chỉnh sửa video ngày càng trở thành nhu cầu thiết yếu. Tất cả các phóng viên của NOS đều buộc phải tự nắm bắt thành thạo những kỹ năng đó, điều này cũng đương nhiên như việc nhà văn tự viết truyện còn các giám đốc phải tự gửi email của mình vậy. Ông Van Haagen khẳng định: “Cắt sửa một đoạn tin tức video là việc ai cũng có thể học được. Không có gì quá khó khăn cả”.
Nguồn việc làm vô tận
Điều này dường như chẳng phải tin vui đối với giới quay phim chuyên nghiệp, song rõ ràng trong thực tiễn, ngày càng nhiều người có thể kiếm sống được nhờ vào việc dựng phim và video amateur từ các thiết bị số di động.
Ngày nay, rất nhiều hãng cung cấp dịch vụ truyền hình trên toàn thế giới đang có nhu cầu về nội dung video cho hàng trăm kênh thông tin. Do đó, nhất thiết họ cần phải kết hợp với các trang video trực tuyến. Điều này rõ ràng sẽ tạo ra một “nguồn công việc” vô tận.
Ông Dudas dự đoán: “Năm 2006 là năm bùng nổ phong trào hát nhép (lip-syncing) của lũ trẻ, nhưng năm 2007 sẽ là năm của rất nhiều người bắt đầu kiếm tiền bằng video trên Internet”. Hiện tại, trang Revver.com đã bắt đầu chia sẻ lợi nhuận quảng cáo gắn trên các cảnh quay video.
Đạo diễn Joel M. đã viết như thế này trong blog DVGuru: “Tôi chưa một ngày học ở trường dạy làm phim. Nhưng tôi đã thực hành, tôi làm hàng trăm bộ phim nhỏ và xem hàng nghìn phim khác. Hiện tôi đang là đạo diễn. Tôi cho rằng những trường hợp như tôi sẽ là rất phổ biến trong tương lai chứ chẳng có gì là ngoại lệ cả”.
Đỗ Dương (VNN)