Ở Việt Nam, gần đây có không ít phương tiện truyền thông mở diễn đàn với những chủ đề kiểu như: Giới trẻ và điện thoại di động, Học sinh - sinh viên có nên xài di động... để bàn về những tiện ích cũng như bất lợi mà “chú dế” đem lại cho giới trẻ. Vậy những người trẻ tuổi ở nước ngoài sử dụng điện thoại di động như thế nào? Hãy nhìn ví dụ từ nước Anh.
Hơn bao giờ hết, các vị phụ huynh ở Anh đang cảm thấy điện thoại di động (ĐTDĐ) như một công cụ hữu ích trong việc quản lý hành vi con trẻ. Mặc dù còn chút ít lo ngại về những tác động không hay của điện thoại di động, nhưng đa số các bậc phụ huynh cho rằng khi con cái họ có ĐTDĐ thì an toàn hơn là không có.
PHƯƠNG TIỆN KIỂM SOÁT CON TRẺ CỦA PHỤ HUYNH
Một cuộc nghiên cứu có tên The Trust for Study of Adolescence (TSA) đã cho thấy rằng các vị phụ huynh đã mua điện thoại di động cho con cái của họ ngay khi các em bước vào trường cấp 2 nhằm hai mục đích: kiểm soát được chúng và cần thiết cho những trường hợp khẩn cấp. Song, điều trái ngược là trong khi các vị phụ huynh nói rằng họ thích gọi điện vì cảm thấy an tâm hơn nhiều khi họ được nghe chính giọng nói của con trẻ, thì những đứa trẻ lại chỉ thích nhắn tin cho cha mẹ mà thôi.
Cuộc nghiên cứu trên cũng cho thấy là lũ trẻ cảm thấy được độc lập khi có ĐTDĐ. Kerry Devitte, nhà nghiên cứu của tổ chức TSA, phân tích: “ĐTDĐ không khuyến khích lũ trẻ làm nên những chuyện rủi ro và các em tỏ ra rất linh động khi sử dụng điện thoại”. Điều mà các nhà nghiên cứu lưu tâm là lũ trẻ thường dùng điện thoại để... “điều đình” với cha mẹ mỗi khi chúng về muộn, chẳng hạn nhắn cho bố một lý do nào đó cho việc về nhà chậm hơn so với giờ quy định sau khi tan trường. Nhờ đó, các vị phụ huynh an lòng hơn khi biết rằng con mình vẫn bình an vô sự dù... về trễ.
Một sự khác biệt khác mà kết quả của cuộc nghiên cứu trên mang lại, đó là trẻ gái thường chỉ dùng tin nhắn với nội dung về báo tin cho gia đình thì trẻ trai lại quan tâm nhiều hơn đến những thông tin xã hội.
ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH TRỊ CHO TRẺ BẰNG... ĐTDĐ!
Theo các phương tiện truyền thông đại chúng ở Vương quốc Anh, hiện tại nước này có đến 82% thiếu niên ở độ tuổi từ 12-15 và 49% cháu nhỏ từ 8-11 tuổi xài ĐTDĐ. Tính trung bình, một đứa trẻ ở các lứa tuổi này mỗi tuần thực hiện 8 cuộc gọi và gởi 25 tin nhắn.
Không chỉ có các vị phụ huynh “nối mạng” với con cái thông qua công nghệ di động mà việc ngày càng có nhiều người trẻ tuổi sử dụng ĐTDĐ đã dẫn đường chỉ lối cho các nhà chính trị, các tổ chức về dân quyền và những nhóm vận động khác tìm cách gởi các tin nhắn như một kênh tương tác.
Vào cuối năm 2004, Chính phủ Anh thực hiện một kế hoạch có tên là “Nhắn tin cho Tony (Blair)”. Mọi người được mời nhắn những câu hỏi cho thủ tướng để được nhận được những câu trả lời giống như “chat bằng mobile”. Kể từ đó ngày càng có nhiều cuộc đề xướng để những người trẻ tuổi tham gia vào các hoạt động mang hơi hướng chính trị thông qua nhiều kênh di động khác nhau. Một tổ chức gọi là Hansard Society gần đây đã tung ra một dự án gọi là Citizen Calling và yêu cầu những người trẻ tuổi hãy gởi tin nhắn hoặc video clip đến Nghị viện Anh thông qua ĐTDĐ.
Một nội dung phổ biến trong các tin nhắn của những người trẻ tuổi xuất phát từ thực tế họ nhìn nhận chiếc ĐTDĐ như là một phần của cá tính họ. Chúng mang những đặc điểm cá nhân, riêng tư, tạo cho những người trẻ tuổi cảm giác tự lập trong hoạt động cũng như phát ngôn. Tin nhắn cũng được sử dụng khi người ta cảm thấy khó giãi bày bằng lời nói hoặc các thiếu niên không muốn ràng buộc bởi những cuộc đàm thoại.
KHƯƠNG NGUYÊN (Lược dịch theo BBC)