Một lần nữa, Microsoft lại bị muối mặt khi các hacker vừa tung ra một chương trình mới, cho phép người dùng máy tính bình thường nhất cũng bẻ khóa được các file nhạc hoặc phim chống-sao-chép.
Nguồn: SevensHeaven |
Phiên bản mới nhất của FairUse4M có thể bẻ khóa được dễ dàng hệ thống quản lý bản quyền số (DRM) dành cho các file nghe-nhìn của Windows Media.
Nó giống như một sự thách thức đầy mai mỉa dành cho Microsoft, nhất là khi gã khổng lồ phần mềm đã dành trọn năm qua để bịt lại các lỗ hổng bên trong DRM từng bị hai phiên bản FairUse4M trước đây khai thác.
Thậm chí, Microsoft cũng đệ đơn kiện chống lại những tác giả vô danh của FairUse4M. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, Microsoft đã phải từ bỏ vụ kiện này vì không... xác định được danh tính người bị kiện.
Phiên bản thứ ba của FairUse4M sử dụng một giao diện kéo-thả rất đơn giản. Người dùng có thể biến tất cả những file nhạc số trả tiền trong máy thành ra những giai điệu "tự do", có thể dễ dàng sao chép và chia sẻ với người khác tùy thích. Họ cũng có thể biến chúng thành file MP3 để thưởng thức trên bất cứ chiếc máy nghe nhạc nào.
"Ngay từ đầu chúng tôi đã biết là không có công nghệ quản lý bản quyền số nào là không thể bị qua mặt", ông Jonathan Usher, Giám đốc bộ phận công nghệ media người dùng của Microsoft cho biết.
Thay đổi thái độ
Microsoft đã tuyển hẳn một đội kỹ sư phần mềm chuyên bịt lại những lỗ hổng kiểu này, và hệ thống DRM Windows Media được quảng cáo là "rất dễ chỉnh sửa để ngăn chặn các loại hình bẻ khóa".
Tuy nhiên, Usher không cho biết đã có tổng cộng bao nhiêu ca khúc bị hacker "lột vỏ" bảo vệ, cũng như hãng phải mất bao nhiêu thời gian để chống lại phiên bản FairUse4M thứ ba này.
Tuy Microsoft vẫn tỏ ra trung thành với ý tưởng bảo vệ bản quyền số, có vẻ như thái độ và quan điểm của cả ngành công nghệ đang thay đổi. Đầu năm nay, Giám đốc điều hành Steve Jobs của Apple từng kêu gọi "chấm dứt kỷ nguyên âm nhạc bị trói chặt".
"Trên thế giới hiện có rất nhiều người thông minh, dư dả về thời gian, thích khám phá bí mật và công bố chúng cho tất cả mọi người để ai cũng được nghe nhạc miễn phí.
Thường thì họ luôn thành công, vì thế bất cứ công ty nào muốn bảo vệ nội dung bằng DRM cũng buộc phải thường xuyên cập nhật hệ thống. Nó giống như một trò mèo đuổi chuột vậy", Jobs nói.
Quầy nhạc số iTunes của Apple bắt đầu bán nhạc không chống sao chép từ tháng 5 vừa qua. Cũng trong tháng ấy, trang web Amazon.com cho biết quầy nhạc số của họ sẽ "bán các ca khúc bằng định dạng MP3".
Theo AP