Vào cuối những năm 30 của thế kỷ trước, một kỹ sư trẻ người Pháp sang Việt Nam đã yêu say đắm cô gái Cần Thơ “gạo trắng, nước trong” đẹp nổi tiếng. Mối tình giữa chàng kỹ sư người Pháp và cô gái Việt gặp không ít trở ngại, song họ vẫn quyết tâm đến với nhau. Kết quả của mối tình đẹp đó đã ra đời cậu con trai khôi ngô, tuấn tú, sau này là võ sư Rémi Huỳnh, một tên tuổi trong làng võ Việt và có nhiều duyên nợ với Phú Yên.
Võ sư Rémi Huỳnh cùng các học trò tại Phú Yên - Ảnh: X.LUẬT
MÊ VÕ VIỆT
Võ sư Rémi Huỳnh cho biết, ông học võ đơn giản là để tự vệ. Mặc dù dáng dấp Tây, học trường Tây nhưng thích chơi với trẻ em Việt nên qua giới thiệu của bạn bè, ông tìm đến một võ đường võ cổ truyền tại Sài Gòn. Người thầy đầu tiên của ông là võ sư Năm Diệm. Ông tỏ ra có năng khiếu võ thuật, tiếp thu nhanh các đòn thế nên được thầy rất khen ngợi. Càng học, ông càng yêu thích võ cổ truyền và quyết tâm học hỏi, đi sâu khám phá môn võ của quê mẹ. Vì thế, học với võ sư Năm Diệm được 4 năm, theo giới thiệu của thầy, ông chuyển sang học với võ sư Vũ Bá Oai, thuộc môn phái Hàn Bái Đường, một môn phái võ Việt nổi tiếng ở Sài Gòn lúc đó. Ông học tiến bộ nhanh đến nỗi, chỉ sau một thời gian ngắn, không chỉ được thầy cho thượng đài, mà còn được chọn đấu trận then chốt, với võ sĩ Minh Sang, một trong bộ ba lừng danh của võ Việt ở miền Nam trước 1975 gồm Huỳnh Tiền - Minh Cảnh - Minh Sang. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên sau 6 hiệp đấu, ông bị xử thua điểm, dù vậy, báo chí Sài Gòn lúc đó đã ca ngợi ông như một gương mặt mới đầy hứa hẹn trong làng võ.
Trận đấu phục thù giữa Rémi Huỳnh và võ sĩ Minh Sang 6 tháng sau đó cũng là một “sự kiện”. Nghiên cứu kỹ lối đánh của đối thủ, khắc phục những nhược điểm của mình, ở trận đấu này ông đã thắng điểm, chính thức khẳng định một tên tuổi mới trong làng võ Việt. Điều đáng nói là dù có thắng có thua, ông và võ sĩ Minh Sang vẫn là bạn. Cho đến bây giờ, ngồi với tôi bên bờ biển Tuy Hòa lộng gió, ông vẫn nhắc về võ sĩ lừng danh này với những kỷ niệm đẹp giữa hai người. Ông cho biết, sau đó ông thượng đài nhiều lần, thắng đối thủ dễ hơn, nhưng với cách cư xử luôn tôn trọng đối thủ, ông có thêm nhiều bạn mới.
Có một thời gian, Rémi Huỳnh được thọ giáo võ sư nổi tiếng Huỳnh Tiền. Những đòn thế rất hiệu quả mà thầy Huỳnh Tiền chỉ dạy đã giúp ông rất nhiều trong việc nâng cao hiệu quả chiến đấu của võ Việt mà sau này, khi đã trở thành võ sư, ông đã dày công nghiên cứu, phát triển.
Võ sư Rémi Huỳnh cùng học trò ôn lại các thế võ môn phái Huỳnh Huynh Đệ - Ảnh: X.LUẬT
LÀM THẦY VÕ VIỆT
Với uy tín và tiếng tăm thi đấu của mình, năm 1968, Rémi Huỳnh được Tổng cuộc Quyền thuật miền Nam Việt Nam chọn làm HLV đội tuyển võ thuật quốc gia thi đấu các giải quốc tế, đào tạo nên nhiều VĐV nổi tiếng. Năm 1974, tại Nha Trang, khi ra đây làm việc cho Nhà đèn, ông mở võ đường, mang tên họ mẹ, như một sự tri ân về người mẹ thân yêu Huỳnh Thị Còn mà ông mang họ. Võ đường Huỳnh Huynh Đệ nhanh chóng nổi tiếng, trở thành võ đường lớn ở Nha Trang. Bằng kinh nghiệm và vốn võ học tích luỹ được, ông phát triển thêm những đòn thế mới, lấy sự linh hoạt, hiệu quả làm căn bản. Tuy nhiên, điều ông tâm huyết nhất khi thành lập võ đường là qua việc học võ, khơi gợi cho tuổi trẻ niềm tự hào về tinh thần thượng võ của dân tộc. Học trò của ông phải thấm nhuần lễ nghĩa, đạo đức trước khi học võ và phải nằm lòng lời thầy: Thắng một địch thủ không bằng làm cho địch thủ thương mến mình. Ông vô cùng nghiêm khắc nếu học trò nào không thực hiện đúng điều tâm niệm đó.
Từ một võ đường ở Nha Trang, Huỳnh Huynh Đệ phát triển thành môn phái rộng khắp ở TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định… kể cả từ năm 1976, khi võ sư Rémi Huỳnh đã sang định cư ở Pháp, trong đó Phú Yên và TP Hồ Chí Minh là 2 địa phương có nhiều môn sinh nhất.
Sang Pháp, võ sư Rémi Huỳnh vẫn không ngừng tâm huyết giới thiệu, phát triển võ Việt ra nước ngoài. Môn phái Huỳnh Huynh Đệ hiện đang rất được mến mộ tại Pháp với hàng nghìn môn sinh, nhất là tại thành phố cảng Marseille, nơi ông mở võ đường đã gần bốn chục năm nay.
ÐAU ÐÁU NỖI NIỀM VIỆT
Năm nay đã 74 tuổi nhưng võ sư Rémi Huỳnh vẫn còn rất tráng kiện. Phong thái lịch lãm, giọng nói nhỏ nhẹ, ông tâm sự: Còn sức khỏe, tôi còn về Việt Nam. Mấy năm gần đây, một vài năm một lần tôi lại về quê mẹ. Nhớ Việt Nam quá, không thể không về. Về để được nghe tiếng Việt cho đã thèm, để sống lại những kỷ niệm ấu thơ, để gặp lại những vùng đất tôi đã đi qua thời tuổi trẻ… Đã đến nhiều nước, nhưng mỗi khi máy bay bay vào vùng trời Việt, trong ông lại trào dâng một cảm xúc khó tả. Ông cho biết, ông vẫn thuộc lòng những câu hát mẹ ru, quen ăn món ăn Việt và mặc dù nhập làng Tây, học trường Tây từ bé nhưng ông rất yêu văn học Việt Nam. Lần nào cũng vậy, trong số những món quà Việt ông mua về Pháp, không thể thiếu những cuốn sách Việt.
Ông kể một kỷ niệm vui: Một lần ông mời mấy người bạn Việt đến nhà ăn cơm. Nghe mọi người nói tiếng Pháp, ông bảo: “Tôi mời các bạn đến đây là để nghe các bạn nói tiếng Việt”. Ông có một nguyên tắc, ở nhà chỉ nói tiếng Việt. Vợ ông, một phụ nữ dịu dàng gốc Hải Phòng, các con ông, người sinh ở Việt Nam, người sinh ở Pháp đều rất ủng hộ nguyên tắc này trong gia đình.
Đã không ít lần ông đem theo học trò là người Pháp và các nước khác về Việt Nam giao lưu với các võ sư và môn sinh võ cổ truyền trong nước. Trong lần về Phú Yên mới đây để trao chức chưởng môn môn phái Huỳnh Huynh Đệ tại Việt Nam cho võ sư Huỳnh Kim Hồng (Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật Phú Yên), ông dặn học trò và các môn sinh: Võ Việt phải góp phần xây dựng nước Việt.
PHAN XUÂN LUẬT