Học bơi đã trở thành nhu cầu thực sự ở hầu hết thanh thiếu nhi Phú Yên. Tuy nhiên, nơi dạy bơi duy nhất là CLB Thể dục thể thao Phù Đổng (TP Tuy Hòa) đang trong tình trạng quá tải vào những giờ cao điểm. Đầu tư xây thêm hồ bơi là dự định chưa biết bao giờ được thực hiện.
Các chiến sĩ ở đảo Trường Sa chơi bóng đá - Ảnh: A.BANG
HỌC BƠI ĐỂ “PHÒNG THÂN “
Anh Nguyễn Hữu Hòa ở phường 3 (TP Tuy Hòa) nói: “Bọn trẻ nhà tôi không biết bơi, khi về quê thăm ông bà ở xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) có mương, bàu nước gần nhà, quả tình người lớn rất khó giám sát khi chúng chơi đùa ở đó. Người lớn dù có biết bơi cũng không phải lúc nào cũng có thể cứu được con mình”. Ngoài phòng thân, việc cho học bơi sớm còn giúp trẻ có thêm những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Dịp hè là thời gian lý tưởng nhất để trẻ học bơi, vui chơi thỏa thích trong làn nước và thư giãn sau một năm học hành vất vả. Bé Phạm Đình Thụy (9 tuổi, ở quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho hay: “Đây là hè thứ hai cháu về quê vừa thăm, chơi với ông bà nội, vừa học bơi. Hè năm tới, cháu cũng sẽ tiếp tục về đây học bơi”.
Học phí mỗi tháng 370.000 đồng đối với học sinh cấp 2 trở lên, 350.000 đồng cho học sinh tiểu học được nhiều phụ huynh cho là vừa phải. Chị Nguyễn Diệu Hương ở phường 8 (TP Tuy Hòa) thổ lộ: “Qua tìm hiểu, tôi được biết bơi là môn thể thao rèn luyện sức khỏe toàn diện, cơ thể dẻo dai, chắc đẹp nên cả ba mẹ con tôi cùng học bơi. Học phí cho môn học này cũng phải chăng”. Theo nhiều phụ huynh, trong thời gian học bơi, trẻ ăn ngon miệng và ngủ nhiều hơn nên cứ đến hè là cho con đến hồ bơi. Chị Hoàng Thị Mai ở phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) cho hay: “Kỹ năng bơi của trẻ tốt giúp chúng tôi yên tâm hơn khi đưa cháu đi du lịch, tắm biển. Vì thế, tuy nhà ở xa, bé mới 6 tuổi nhưng tôi vẫn chịu khó đưa cháu đi học bơi”.
Bà Phan Nguyệt Nga, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, giáo viên dạy bơi ở CLB Phù Đổng cho biết: “Học bơi rất tốt nhưng việc đua nhau cho con đi học vào dịp hè, sau đó không duy trì bơi để rèn luyện sức khỏe, rèn luyện kỹ năng thì việc học bơi sẽ không đạt kết quả. Khi trẻ về quê hay du lịch, tính hiếu động, cứ nghĩ là biết bơi, nhảy ào xuống nước, khi sức yếu, đuối nước sẽ rất nguy hiểm”. Theo bà Nga, chỉ cần 30 giây vận động ở dưới nước là đã có cơ hội sống nhiều hơn người không biết bơi. Thầy giáo Lê Võ Đông
XÃ HỘI HÓA BƠI LỘI, BAO GIỜ?
Theo giới chuyên môn, bơi có rất nhiều lợi ích với sự sinh trưởng phát triển của trẻ, mà lợi ích tốt nhất đó là thúc đẩy sự phát triển của hệ thống hô hấp và chức năng của hệ thống tim mạch. Bơi còn giúp trẻ tăng khả năng đề kháng với bệnh tật, hơn nữa lượng bạch cầu miễn dịch trong máu của trẻ thường xuyên bơi rất cao nên không dễ bị bệnh.
Không chỉ có học viên ở TP Tuy Hòa, nhiều gia đình ở các huyện cũng muốn con mình được học bơi nhưng điều kiện không cho phép. Anh Lê Văn Nhân ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) nói: “Đến giờ này, tôi vẫn rùng mình khi nghĩ về trận lũ cuối năm 2009. Tôi rất muốn con mình biết bơi để có thể đối phó với những tình huống tương tự. Do tôi không biết bơi nên không thể đưa con ra sông tập bơi được, địa phương cũng chẳng có điểm dạy về môn này, đành chịu”.
CLB Phù Đổng vào những giờ cao điểm trở nên quá tải. Một số phụ huynh đến ghi danh cho con mình tham gia học bơi cũng đâm ra ái ngại. Anh Bùi Văn Thành ở phường 9 (TP Tuy Hòa) băn khoăn: “Tôi thấy học viên học đông như vậy, không biết nước trong hồ có đảm bảo vệ sinh hay không nên còn lưỡng lự, chưa đăng ký cho con học”. Nhiều phụ huynh bảo rằng, nếu CLB Phù Đổng có thêm hồ bơi nữa hoặc đơn vị khác hay nhà nước đầu tư hồ bơi thì sẽ thu hút được nhiều học viên hơn, kể cả người lớn. Anh Nguyễn Hữu Huân ở xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) nói: “Nếu bơi lội được đưa vào các trường học thì rất tiện. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản cho học viên về bơi lội hay hơn việc phát phao cứu hộ vào mùa lụt”.
Gần 150 học viên chia thành bốn ca đang học bơi ở CLB Phù Đổng hầu hết là con em gia đình có điều kiện đóng học phí, nhà cũng không quá xa nơi học. Trong khi đó, trẻ em ở các vùng thường xuyên xảy ra lũ lụt vẫn còn rất xa lạ với việc học bơi. Đồng chí Nguyễn Đình Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phú Yên, nói: “Để tập bơi, trước hết phải có hồ. Trong khi đó, lực lượng giảng dạy, kinh phí đầu tư hồ bơi ở Phú Yên chưa đủ. Ở các huyện miền núi, việc này càng khó khăn hơn. Giả sử tỉnh xây được hồ bơi thì việc giữ hồ bơi hoạt động không hề đơn giản. Phải có hệ thống lọc nước, hóa chất..., nhà nước không thể bao cấp nổi. Tỉnh có chỉ đạo khuyến khích phong trào bằng cách tổ chức các giải bơi hàng năm, tuy nhiên, thiếu hồ bơi đang là chuyện rất khó tháo gỡ”.
Theo đồng chí Nguyễn Đình Thu, xã hội hóa phong trào bơi ở Phú Yên bằng cách nhà nước tạo điều kiện về đất đai, tư nhân đầu tư. Trong khi đó, bà Võ Thị Hiệc, Giám đốc CLB Phù Đổng, nói: “Xây dựng một hồ bơi đúng tiêu chuẩn quốc gia có tổng kinh phí gần 2 tỉ đồng. Hồ bơi ở CLB Phù Đổng hoạt động đã 6 năm nhưng vẫn chưa thu hồi vốn được. Việc đầu tư một hồ để dạy bơi, thi đấu không hề đơn giản như hồ tắm thông thường. Niềm vui của tôi là góp phần giúp cho trẻ chống đuối nước nên hồ vẫn cứ duy trì, hoạt động chủ yếu vào những tháng hè nhằm bù lại mùa mưa”. Theo bà Hiệc, hồ ở CLB này có 2 đáy để nước luân chuyển, rút sóng nhằm dễ tập bơi, được trang bị 4 máy lọc nước của Úc. Mỗi ngày, hồ được hút đáy 2 lần, châm và rút nước thường xuyên, xử lý clorua do Nhật sản xuất... Hễ điện cúp, nước không tuần hoàn được, buộc phải xả cả hồ để tránh bị ô nhiễm.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nguyễn Đình Thu cho biết, tỉnh đã có quy hoạch xây hồ bơi ở khu liên hợp 32ha tại xã An Phú (Tuy Hòa). Tuy nhiên, việc triển khai quy hoạch này vẫn chưa biết đến bao giờ mới thực hiện. Còn theo bà Hiệc: “Nếu được tỉnh “trợ sức”, CLB Phù Đổng sẽ tiếp tục xây thêm hồ bơi”.
MINH NGUYỆT