Nỗ lực tập luyện để mang về chiến thắng cho thể thao tỉnh nhà, nhưng với 5 VÐV khuyết tật người Phú Yên, việc có mặt trong ngày hội thể thao dành cho người khuyết tật cả nước đã là một niềm vui.
Anh Phan Đình Thái chuẩn bị tập luyện ở nội dung chạy điền kinh - Ảnh: N.HUY |
Hơn một tuần nay, căn nhà nhỏ của anh Phan Đình Thái ở thôn Đa Phước (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) vào mỗi buổi chiều luôn rộn tiếng cười. Sau những nhọc nhằn thường ngày, chị Đoàn Thị Trúc Ly, vợ anh Thái, lại động viên anh xỏ giày để tập luyện thể lực, chuẩn bị Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2011 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh (1-5/7). Trong gia đình có 6 anh chị em, Thái là người kém may mắn nhất, bởi ngay từ khi sinh ra Thái đã không có cánh tay trái bình thường như mọi người. Vượt qua những mặc cảm từ thuở hàn vi, khó khăn trong sinh hoạt đời thường, Thái tìm niềm vui cho mình bằng cách tập thể thao. Không có đôi bàn tay lành lặn, nhưng bù lại Thái có đôi chân khá khỏe khoắn và nhanh nhẹn. Những yếu tố ấy đã giúp cho Thái có được tấm HCV tại Hội thao người khuyết tật tỉnh Phú Yên năm 2010 ở nội dung chạy 100m. Tuy nhiên, điều làm cho người cha của bé gái xinh xắn hơn 10 tháng tuổi này cảm thấy mãn nguyện nhất là được Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên tạo điều kiện tham gia sân chơi bổ ích và ý nghĩa dành cho hàng trăm người có hoàn cảnh như mình tại TP Hồ Chí Minh sắp tới. Tại đây, Thái có cơ hội giao lưu, học hỏi được nhiều điều trong cuộc sống. Và theo Thái, đó sẽ là chiến thắng ý nghĩa nhất của anh tại sân chơi này.
Thái tâm sự: “Đi thi đấu, tôi cũng mong có chiến thắng lắm chứ. Nhưng điều đó không phải là áp lực quá lớn, bởi tôi nghĩ những người có mặt tại giải đã giành được tấm HCV về tinh thần vượt khó và niềm đam mê thể thao”.
Trong số 5 VĐV đại diện tỉnh Phú Yên tham dự Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2011, anh Lê Văn Đoàn ở phường Xuân Yên (TX Sông Cầu) là người có nhiều thành tích nhất. Không may bị thương trong một lần đi biển đánh cá năm 1994, anh Đoàn bị bị đứt cánh tay trái. Sinh hoạt gặp nhiều khó khăn nhưng vốn đam mê bơi lội từ nhỏ nên anh Đoàn vẫn tiếp tục gắn bó với môn thể thao này. “Từ ngày bị đứt hẳn cánh tay trái, tôi bỏ nghề đi biển, mở quán ăn tại nhà. Sáng nào tôi cũng đi tắm biển vì yêu thích bơi lội”.
Ðam mê bơi, tập luyện và thi đấu phong trào từ năm 1997 nhưng mãi đến năm 2007, Lê Văn Đoàn mới đoạt 3 huy chương, trong đó 2 HCĐ bơi lội 100m và 200m tự do, 1 HCB bơi lội 400m tự do tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc tổ chức ở Huế. Vì bị khuyết một cánh tay nên trong các cuộc thi bơi, anh Đoàn thường chọn cách bơi ngửa. Anh chia sẻ: “Lần thi bơi 400m tự do, tôi… suýt chết. Bơi đến đích, hai chân tôi cứng đơ, không đi được nên mọi người phải dìu vào bờ. May mà thể lực của tôi tốt, nên chỉ chừng 10 phút sau là khỏe lại ngay”.
Không chỉ giỏi bơi lội, Lê Văn Đoàn còn đánh bóng bàn rất cừ. Năm 2010, anh đoạt HCV môn bóng bàn đơn nam tại Hội thao người khuyết tật tỉnh Phú Yên. Năm nay, nếu lịch thi đấu môn bơi lội và bóng bàn của giải toàn quốc không trùng giờ, anh Đoàn sẽ đăng ký thi cả hai môn. Anh chia sẻ: “Tôi đã chuẩn bị khá kỹ cho giải năm nay. Tôi sẽ cố gắng thi đấu với tinh thần tốt nhất để mang huy chương cao nhất cho tỉnh nhà. Tuy đã 50 tuổi nhưng tôi sẽ thi đấu đến khi nào không còn sức”.
Tương tự như Phan Đình Thái, Lê Văn Đoàn, các VĐV Nguyễn Hữu Hùng (khuyết chân, thi bơi lội), Nguyễn Thanh Vũ (khuyết chân, thi điền kinh), Nguyễn Văn Thắng (khuyết chân, thi bóng bàn) đều đang tích cực tập luyện để có kết quả khả quan tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2011.
NHẬT HUY - HÀ MY