Đội tuyển Việt Nam đã thất bại trong việc bảo vệ ngôi “vương” tại đấu trường khu vực. Theo lẽ thường, ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam và các cầu thủ sẽ tập trung mổ xẻ để tìm ra nguyên nhân thất bại cũng như đưa ra những phương hướng cụ thể giúp bóng đá Việt Nam trở lại với quỹ đạo thành công.
|
Đội tuyển Việt Nam cần nhanh chóng định hướng sự phát triển sau thất bại tại AFF Cup 2010, |
ĐI TÌM NHỮNG NHÂN TỐ MỚI
Những ngày qua, người hâm mộ bóng đá Việt Nam và bản thân mỗi cầu thủ vẫn chưa thể quên đi thất bại trước đội tuyển Malaysia tại bán kết AFF Cup 2010. Dù biết trước thầy trò HLV Calisto sẽ gặp rất nhiều khó khăn trước Malaysia, nhưng không ai có thể nghĩ đội đương kim vô địch lại dễ dàng bị đánh bại như vậy. Đó có thể xem là sự thất vọng lớn nhất của bóng đá Việt Nam trong năm 2010. Một trong những nỗi lo mà giới chuyên môn và truyền thông thường nhắc đến trước hành trình bảo vệ ngôi “vương” của thầy trò HLV Calisto đã trở thành sự thật. Chúng ta đã không có những con người tốt nhất cho mục tiêu lớn nhất trong năm của bóng đá Việt Nam. Lần lượt Công Vinh, Văn Quyến, Việt Thắng, Quang Thanh, Việt Cường, Tài Em đều không thể cống hiến trọn vẹn cho bóng đá Việt Nam. Trong khi đó, những người thay thế như Đình Đồng, Đình Luật, Anh Đức, Sĩ Mạnh, Thanh Hưng vẫn chưa đủ tầm trước những cuộc chinh phục lớn. Khách quan mà nói, phần lớn bộ khung của nhà vô địch AFF Cup 2008 vẫn còn đó, nhưng chỉ với quyết tâm và khát khao chiến thắng không thôi thì vẫn chưa đủ để giúp bóng đá Việt Nam lên ngôi “vương” một lần nữa tại đấu trường khu vực. Hình ảnh đội tuyển Việt Nam thất bại trong trận lượt đi và bất lực trong trận lượt về tại Mỹ Đình ở vòng bán kết trước Malaysia đã nói lên rằng lực của chúng ta chỉ có vậy, không thể đi xa hơn được nữa.
Với những con người hiện tại, sẽ là không sai khi cho rằng sức mạnh của đội tuyển Việt Nam đã chạm đỉnh. Nếu không nhanh chóng tìm ra những nhân tố mới trong thời gian tới, bóng đá Việt Nam sẽ không thể trở về quỹ đạo thành công và đó là trách nhiệm lớn nhất của các quan chức bóng đá Việt Nam và HLV Calisto.
THAY ĐỔI HỆ THUẬT?
HLV Calisto là người góp công lớn cho bóng đá Việt Nam thành công rực rỡ trong năm 2008, với lối chơi giàu kỹ thuật và đẹp mắt. Điều đó không ai có thể bàn cãi. Tuy nhiên đó là quá khứ, còn hiện tại chúng ta không có những “đòn độc” như người Indonesia và Malaysia đã thể hiện và giúp cho họ có mặt thuyết phục trong trận chung kết sắp tới. Có cảm giác các đối thủ của Việt Nam trong khu vực đã quá “lờn thuốc” trước những miếng đánh của đội tuyển Việt Nam. Hai trận đấu với Malaysia là câu trả lời chính xác cho những lo ngại của người hâm mộ, trước khi đội tuyển Việt Nam tranh tài tại AFF Cup 2010. Vẫn ra sân với đội hình 4-2-3-1 và vẫn với cách di chuyển kết hợp với những đường chuyền đoạn ngắn nhằm kéo dãn hàng phòng ngự đối phương trước khi tung ra những cú sút quyết định, tuy nhiên tại AFF Cup 2010, đội tuyển Việt Nam chỉ thể hiện được điều đó với một Myanmar non kém về tài năng và một Singapore đã quá cũ kỹ từ con người đến lối chơi. Giới chuyên môn đã từng nói rất nhiều lần rằng, HLV Rajagobal là “khắc tinh” của HLV Calisto tại đấu trường khu vực. Tuy nhiên, nếu xâu chuỗi từ trận thua của U23 Việt Nam tại chung kết SEA Games 25 đến thất bại của đội tuyển Việt Nam tại bán kết AFF Cup 2010, có thể kết luận rằng bóng đá Việt Nam thất bại vì không thể hiện được điều gì mới mẻ. Khi gặp phải những chiến thuật thi đấu hợp lý, các cầu thủ và bản thân HLV Calisto đều không trở tay kịp và thất bại là điều tất nhiên.
Chúng ta tôn vinh HLV Calisto về những gì ông đã làm được cho bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên trong thời gian tới, nếu ông thầy người Bồ Đào Nha vẫn không mang đến điều gì mới mẻ cho bóng đá Việt Nam, có lẽ những người đứng đầu liên đoàn cũng nên mạnh dạn nghĩ đến mối lương duyên giữa bóng đá Việt Nam và HLV Calisto. Điều đó âu cũng là quy luật tất yếu trong chu kỳ thành công của một thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam.
NGÔ NHẬT