Chuyện CLB nửa xanh của TP Manchester tiếp tục làm mưa làm gió trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ không làm bất kỳ người hâm mộ bóng đá nào ngạc nhiên, nhưng cùng với sự lớn mạnh của đồng tiền mà các ông chủ Ả rập đang đầu tư vào đội bóng Man City là sự hoài nghi không hề nhỏ về chính sách chi tiêu và cuộc “đại cách mạng” của đội bóng được mệnh danh là “thiếu gia” của giải Ngoại hạng.
![mcty100728.jpg](/Portals/0/2010/07/28/mcty100728.jpg) |
Những gì mà Man City đang thể hiện chưa xứng đáng với sự đầu tư của các ông chủ. |
BA MÙA BÓNG CHO TẤM VÉ CHAMPIONS LEAGUE?
Ngày tỉ phú Abramovich đặt chân đến Chelsea, thế giới bóng đá xứ sở sương mù bắt đầu xôn xao với cách làm bóng đá theo kiểu “cái gì không mua được bằng tiền, thì được mua bằng nhiều tiền”. Lần lượt những ngôi sao lớn, nhỏ nối gót nhau đến với sân Stamford Bridge với tiêu chí đầu tiên là những bản hợp đồng và những khoản tiền lương kếch xù. Trong mùa hè đầu tiên ở Stamford Bridge, Abramovich đã đầu tư 106 triệu bảng Anh để bổ sung lực lượng, với các chữ ký như Makelele, Joe Cole, Veron hay Mutu. Vẫn còn một số hạn chế nhất định trong việc thẩm định những “món hàng” đắt giá lúc bấy giờ, nhưng tựu chung lại sự góp mặt của những cầu thủ hàng đầu thế giới đã giúp cho tiếng nói của Chelsea trở nên có trọng lượng hơn trong cuộc chạy đua đến chức vô địch giải Ngoại hạng. Và chỉ sau 18 tháng dưới triều đại của HLV Mourinho, Chelsea đã chấm dứt cơn khát danh hiệu vô địch quốc gia kéo dài suốt nửa thập kỷ.
Cách làm của Man City bây giờ cũng tương tự như Chelsea trong những ngày bắt đầu cuộc cách mạng thay đổi lịch sử. Tuy nhiên, có một chi tiết khá quan trọng mà người hâm mộ cần phải lưu ý, đó là điểm xuất phát của hai CLB khá chênh lệch nhau. Abramovich chỉ mua Chelsea khi đội bóng này đã có mặt tại sân chơi Champions Legues. Trong khi tỉ phú Sheikh Mansour mua Man City khi đội bóng vừa kết thúc mùa giải 2007 - 2008 với vị trí thứ 8 trên bảng xếp hạng giải Ngoại hạng Anh. Vì thế khác với Chelsea (không gặp quá nhiều khó khăn cho chiến dịch thu hút ngôi sao) Man City cần một khoảng thời gian lâu hơn để thực hiện kế hoạch trở thành “đại gia”. Họ mất mùa đầu tiên chỉ để thông báo với thế giới rằng họ có rất nhiều tiền. Họ mất tiếp thêm một mùa nữa để thể hiện tham vọng và kế hoạch của họ là nghiêm túc. Mùa tới, mùa thứ 3 dưới triều đại các tỉ phú Ả rập, có lẽ mục tiêu giành vé Champions League là mục tiêu hàng đầu của Man City, trước khi nghĩ đến chức vô địch giải Ngoại hạng, rồi đỉnh cao châu Âu.
KHI TIỀN VẪN CHƯA LÊN TIẾNG
Không ai nghi ngờ độ “sâu” túi tiền của tỉ phú Sheikh Mansour. Tuy nhiên, không một ai biết rõ mục đích mà vị tỉ phú đến từ vùng đất dầu mỏ đầu tư vào Man City. Sự đam mê ư? Sẽ có rất nhiều hoài nghi cho nhận định ấy, đơn giản vì mặc dù đã đầu tư vào Man City một “núi” tiền, nhưng Sheikh Mansour vẫn chưa một lần đặt chân đến sân City of Manchester để theo dõi đội bóng thân yêu của mình thi đấu vào những ngày cuối tuần. Nó khác hẳn với cách tiếp cận bóng đá của tỉ phú Abramovich, khi người đàn ông đến từ xứ sở bạch dương hầu như không bỏ sót một trận nào mỗi khi Chelsea có những trận đấu quan trọng tại các giải đấu.
Sau khi chiêu mộ thành công hậu vệ trái người Serbia, Alexander Kolarov từ Lazio với giá 19 triệu bảng, Man City đã có tân binh thứ 4 trong mùa hè này với tổng số tiền đầu tư lên tới 75 triệu bảng Anh. Trước Kolarov, những Jerome Boateng, David Silva và Yaya Toure cũng đã đến với đội bóng tiêu tiền không chùn tay này. Tuy vậy, Man City vẫn chưa chịu dừng tay trên thị trường chuyển nhượng khi họ còn đang hướng tới bộ ba Edin Dzeko, James Milner và Mario Balotelli. |
Công cuộc tái thiết của Man City cũng khác với cách làm của Chelsea. Ngày Abramovich bắt đầu làm bóng đá, ông đã không tiếc tiền và dùng những lời ngon ngọt để có được sự phục vụ của người góp công lớn xây dựng chu kỳ thành công của M.U trong thập niên 90, Giám đốc điều hành Peter Kenyon. Với con mắt tinh tường của Peter Kenyon, Chelsea đã có một chu kì thành công với HLV Mourinho và khi vị HLV tài năng người Bồ Đào Nha ra đi, đội bóng cũng không bị hụt hẫng bởi một bộ khung đã được định hình. Trong khi đó, nói về Man City người ta thường nói về cách làm bóng đá “cả thèm, chóng chán”. Sau mùa giải đầu tư rầm rộ, với hai đời HLV, Man City vẫn chưa có được tấm vé tham dự sân chơi Champions League và mới đây là một danh sách “hàng thải” dài đằng đẳng đang được những ông chủ của Man City tìm cách “bán đổ bán tháo” như Wright-Phillips, Lescott, Wayne Bridge, Bellamy, Ireland, Santa Cruz, Jo và Felipe Caicedo. Để chuẩn bị cho mùa bóng mới Giám đốc điều hành của Man City Garry Cook lại đăng đàn với những lời lẽ thị uy quen thuộc “Tương lai của giải Ngoại hạng là của Man City. Mục tiêu của chúng tôi trong mùa bóng tới là có mặt tại sân chơi Champions League, khi ấy hiếm ngôi sao nào có thể cưỡng lại sức hút đồng tiền của ManCity. Fernando Torres có lẽ không cần đắn đo như hiện nay. Thay vì ký hợp đồng mới và hưởng lương 90.000 bảng/tuần, Vidic có thể đầu quân cho Man City để sống trên biển tiền như Yaya Toure”.
Công bằng mà nói, két tiền của các ông chủ CLB Man City khiến cho giải Ngoại hạng thêm phần sinh động và cuộc cạnh tranh đến chức vô địch ngày càng quyết liệt. Thực tế thì Roman Abramovich cũng đã chứng minh tiền có thể mua được thành công, nhưng đó là khi người ta làm bóng đá với tất cả sự đam mê, nghiêm túc và đi theo lộ trình hợp lý chứ không phải như những gì đang diễn ra ở ManCity hiện nay.
NGÔ NHẬT