Thứ Bảy, 23/11/2024 11:41 SA
Cầu nối giúp người khuyết tật tự tin làm chủ cuộc sống
Thứ Ba, 25/07/2023 10:11 SA

Thể thao người khuyết tật đã đóng góp không nhỏ vào bảng vàng thành tích của thể thao Việt Nam. Nhiều gương mặt VĐV người khuyết tật được vinh danh tại các giải đấu thể thao khu vực và quốc tế. Việc luyện tập thể thao không chỉ giúp họ rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe mà còn để họ cống hiến tài năng, có thêm tự tin, nghị lực để hòa nhập, vươn lên trong cuộc sống.

 

Đoàn thể thao Việt Nam tại một kỳ Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á

 

Nỗ lực phát triển phong trào thể thao người khuyết tật

 

Hiệp hội Paralympic Việt Nam hiện có trên 2.500 hội viên. Các hoạt động của hiệp hội đã trực tiếp tác động đến sức khỏe của người khuyết tật, giúp họ khắc phục thương tật, hồi phục sức khỏe, hòa nhập chung với cộng đồng, đem lại những lợi ích to lớn về tinh thần cũng như lợi ích về vật chất cho xã hội. Bên cạnh đó, hoạt động của hội đã góp phần phát triển phong trào thể thao người khuyết tật; nâng cao thành tích thi đấu thể thao của người khuyết tật nói riêng, thể thao Việt Nam nói chung trên đấu trường quốc tế; tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế.

 

Tham dự ASEAN Para Games 12 tại Campuchia, với 125 VĐV tranh tài ở 8/14 môn thể thao, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đã trải qua một kỳ đại hội thành công. Thành tích giành được là 201 huy chương (66 HCV, 58 HCB và 77 HCĐ), xếp vị trí thứ 3 toàn đoàn, đồng thời thiết lập 19 kỷ lục đại hội.

 

Hiệp hội Paralympic Việt Nam duy trì 38 VĐV thường xuyên được tập luyện tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia và sẵn sàng tham gia các giải, hướng tới Đại hội Thể thao Người khuyết tật tại Hàng Châu (Trung Quốc) và các giải lấy chuẩn tham dự Paralympic 2024 tại Paris (Pháp).

 

Công tác phát triển phong trào được duy trì ổn định ở một số địa phương trọng điểm, thu hút trên 8.000 người tham gia tập luyện và phục hồi chức năng, trong đó có 2.000 người chấn thương cột sống. Hiệp hội luôn phối hợp tạo điều kiện để phát triển phong trào thể thao của người khuyết tật, nhất là các môn thể thao mới như: Bóng lăn người khiếm thị, bắn cung, Boccia, Judo khiếm thị, Taekwondo, Yoga, khiêu vũ thể thao người khiếm thị và quần vợt xe lăn.

 

Ông Trần Đức Thọ, Tổng Thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam cho biết, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục mở rộng, phổ biến, phát triển các môn thể thao cơ bản cho người khuyết tật tập luyện, hiệp hội sẽ kiện toàn, ổn định hệ thống CLB hiện có, mở thêm các CLB thể thao người khuyết tật tại một số tỉnh.

 

Tìm cơ chế hỗ trợ HLV, VĐV

 

Nghị định 152/2018/NĐ-CP, ngày 7/11/2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu có quy định về chế độ cho HLV, VĐV thể thao, các VĐV khuyết tật. Tuy nhiên, các HVL, VĐV lập thành tích tại các đại hội, giải thi đấu thể thao quốc tế dành cho người khuyết tật dù có được hưởng mức thưởng bằng tiền nhưng thấp hơn nhiều (chỉ bằng hơn 50%) so với các VĐV bình thường.

 

Cả nước hiện chỉ có 38 VĐV khuyết tật đang được hưởng chế độ dinh dưỡng, tập luyện tại các trung tâm huấn luyện thể thao theo tiêu chuẩn Para-lympic (tương đương với VĐV Olympic ở cấp châu lục và thế giới). Theo ông Trần Đức Thọ, đây là một tỉ lệ rất thấp nếu tính trên tổng số hơn 1.200 VĐV tham gia các giải đấu cấp quốc gia hàng năm.

 

Công tác tuyển chọn huấn luyện VĐV khuyết tật vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Các địa phương có phong trào thể dục thể thao phát triển đang gặp không ít bất cập trong khâu tuyển lựa, đề xuất các vận động viên hưởng chế độ tập huấn, rèn luyện tại các trung tâm huấn luyện thể thao.

 

Khác với thể thao thành tích cao, các VĐV khuyết tật không được hưởng chế độ đủ để giúp họ yên tâm gắn bó, cống hiến cho thể thao. Điển hình như các vận động viên tham gia Para Games 12 vừa qua, đa phần đều thuộc diện gọi tập trung tuyển chọn đi thi đấu và không có chế độ tập huấn, ảnh hưởng rất lớn đến thành tích chung của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam. Dù đã đạt thành tích vượt xa kỳ vọng và phá nhiều kỷ lục nhưng thực tế cho thấy, các VĐV khuyết tật của chúng ta có thể làm tốt hơn nữa.

 

Để thể thao người khuyết tật thực sự được quan tâm, đánh giá một cách đúng đắn, việc nâng cao hiệu quả công tác truyền thông trong cộng đồng xã hội về tác dụng, lợi ích của luyện tập thể dục thể thao là việc làm cần thiết. Thông qua truyền thông sẽ góp phần tạo sự chung tay ủng hộ từ các cấp, ngành, liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia và cộng đồng xã hội với việc nâng cao thể lực, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe người khuyết tật. Khi đó, thể thao sẽ thực sự trở thành cầu nối giúp người khuyết tật chủ động hòa nhập cộng đồng và tạo điều kiện cho họ có bản lĩnh vươn lên làm chủ cuộc sống. 

 

Bộ VH-TT&DL cần có chế độ tập luyện năng khiếu đối với các VĐV khuyết tật; chế độ ưu tiên tiếp cận để tập luyện tại công trình thể dục thể thao cũng như chế độ ưu tiên đào tạo nghề khi giải nghệ thể thao đối với người khuyết tật.

 

Tổng Thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam Trần Đức Thọ

 

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek