Ngày 6/11, Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF khóa IX, nhiệm kỳ 2022-2026 sẽ diễn ra. Ngoài việc đánh giá những mặt tích cực, hạn chế của khóa VIII, những người làm bóng đá Việt Nam sẽ chọn ra thành phần ưu tú nhất để xây dựng kế hoạch giúp các đội tuyển quốc gia gặt hái những thành công mới.
Thành tích ấn tượng của khóa VIII
Nhiệm kỳ 2018-2022 có thể xem là giai đoạn thành công nhất của bóng đá Việt Nam. Thành tích ấn tượng nhất của đội tuyển nam Việt Nam là lần đầu tiên tham dự vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Những trận đấu ấy thể hiện tinh thần thi đấu ngoan cường, ý chí không bỏ cuộc khi gặp những đội bóng hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Saudi Arabia, Australia… Đặc biệt, chiến thắng 3-1 trước đội tuyển Trung Quốc trên sân Mỹ Đình, trận hòa 1-1 trên sân khách trước Nhật Bản đã tạo được tiếng vang rất lớn với bóng đá châu Á. Những dấu ấn ấy giúp thương hiệu của bóng đá Việt Nam vượt qua tầm khu vực và nhận được sự tôn trọng rất lớn từ các đội bóng đẳng cấp châu lục.
Ở cấp độ trẻ, một trong những thành tích khiến người hâm mộ vui mừng nhất là việc thầy trò HLV Park Hang Seo giành được HCV bóng đá nam tại SEA Games 2019 ở Philippines sau 60 năm chờ đợi. Kỳ SEA Games tiếp theo, đội bóng áo đỏ tiếp tục giữ được danh hiệu ấy tại Việt Nam vào tháng 5/2022 vừa qua. Trong năm 2022, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có 3 đội trẻ lọt vào Vòng chung kết châu Á. Những thành tích ấn tượng ấy cho thấy nền tảng của hệ thống đào tạo trẻ, đặc biệt là các đội tuyển trẻ quốc gia, đang phát triển đúng quỹ đạo và tạo được lực lượng kế thừa nhằm đáp ứng các nhiệm vụ quốc tế trong thời gian tới.
Ngoài ra, thành tích của đội tuyển Futsal khi tiếp tục có mặt ở Vòng chung kết World Cup diễn ra tại Litva; đội tuyển nữ Việt Nam sau quá trình đầu tư dài hạn, bài bản đã có mặt ở Vòng chung kết World Cup 2023... cho thấy sự phát triển toàn diện của bóng đá Việt Nam trong giai đoạn 2018-2022.
Với những thành tích nói trên, các đội trẻ Việt Nam sẽ có cơ hội thi đấu với những đội trẻ hàng đầu châu lục từ các cấp độ trẻ và sẽ tạo nên nền tảng vững chắc trong vài năm tới đây.
Điều này sẽ giúp bóng đá Việt Nam có thêm cơ hội để hiện thực hóa những mục tiêu cao hơn, cụ thể là hướng đến một vé tham dự World Cup trong thời gian sớm nhất, khi số lượng đội bóng ở World Cup được gia tăng từ 32 lên 48 đội.
Tiếp tục đà phát triển, nâng cao mục tiêu World Cup
Trong chiến lược phát triển, bóng đá Việt Nam định hướng đến năm 2030 nằm trong tốp 10 châu Á và phấn đấu dự World Cup. Như đã phân tích, bóng đá Việt Nam đang có điều kiện quan trọng nhất là con người, khi các thế hệ cầu thủ phát triển đúng lộ trình và tạo nguồn cho đội tuyển quốc gia rất tốt.
Nhiệm kỳ 2022-2026 sẽ có nhiều khó khăn và thách thức. Bóng đá Việt Nam đã lên được tốp 100 của bảng xếp hạng FIFA và lọt vào tốp 15 của châu lục. Nhiệm vụ của những người làm bóng đá Việt Nam là duy trì thành tích này, sau đó tìm những giải pháp đột phá để bật lên.
Để hiện thực hóa được mục tiêu này, những người làm bóng đá Việt Nam tiếp tục kiên định trong việc đầu tư vào các lứa kế cận của đội tuyển quốc gia, đặc biệt là lứa tuổi từ 19-22.
Bóng đá Việt Nam cũng cần có những giải pháp đột phá hơn nữa trong công tác tập huấn, thông qua các mối quan hệ quốc tế. Trước đây, các đội tuyển chỉ tập trung ở Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, còn hiện nay, VFF đã có định hướng đưa các đội trẻ quốc gia đến tập huấn ở các quốc gia có nền bóng đá phát triển cao hơn để có cơ hội tiệm cận với trình độ đỉnh cao của thế giới và châu lục.
VFF đã mở rộng quan hệ với các nước như Saudi Arabia, Qatar, UAE… và vừa qua tiếp tục mở rộng quan hệ với Đức, Pháp. VFF cũng đã có kế hoạch để các đội tuyển quốc gia có điều kiện được tập huấn ở mức độ cao hơn so với trước đây.
Ngoài ra, để bóng đá có thể phát triển thì phải tiếp tục đầu tư và tăng cường nguồn lực tài chính. Bóng đá Việt Nam muốn tiệm cận trình độ thế giới thì phải liên tục cọ xát với những đối thủ ở trình độ thế giới. Có như vậy mới thu dần khoảng cách và cải thiện được năng lực chuyên môn của mình, cũng như thực hiện được các kế hoạch đặt ra trong nhiệm kỳ 2022-2026.
NGÔ NHẬT