Liên đoàn Bóng đá Lào vừa cho biết, FIFA ra quyết định cấm thi đấu vĩnh viễn 45 cầu thủ của họ, trong đó có 4 tuyển thủ quốc gia Lào liên quan đến việc bán độ trong các trận đấu đã qua. Tính trong 5 năm qua, Lào có đến 60 trường hợp bị FIFA ra quyết định này.
Cách đây 2 tháng, Indonesia có 5 cầu thủ bị cấm tương tự. Đội tuyển Malaysia cũng đang thuộc diện nghi vấn trong các trận đấu tại AFF Cup 2020 và đang chờ kết luận của các cơ quan chức năng. Những thông tin này gây chấn động với bóng đá thế giới, nhưng nó không xa lạ với người hâm mộ bóng đá Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, quốc gia cũng từng bị nạn bán độ phá hủy nền bóng đá trong thời gian dài.
Câu hỏi đặt ra là tại sao các án phạt nặng được FIFA đưa ra liên tục và thế giới bóng đá cũng lên án mạnh mẽ về tình trạng bán độ, nhưng tại Đông Nam Á vẫn chưa hề có dấu hiệu suy giảm.
Trước hết cần nhìn nhận thực tế, trong thời gian gần đây, các nền bóng đá Đông Nam Á có những bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng nhìn chung đây vẫn là vùng trũng của bóng đá thế giới về chuyên môn trên sân bóng và công tác tổ chức các giải đấu và đội tuyển. Đây được xem là môi trường tốt để nạn gian lận và dàn xếp tỉ số chen chân. Cách đây không lâu, các liên đoàn bóng đá trong khu vực phối hợp với Sportradar, đơn vị phân tích và theo dõi tình trạng cá độ bóng đá, nhằm hạn chế tốt nhất “bóng ma tiêu cực” trong nền bóng đá Đông Nam Á. Nhưng như đã nói, tình trạng này không có chiều hướng suy giảm, đặc biệt là ở các nền bóng đá kém phát triển như đội tuyển Lào.
Theo giới chuyên môn nhận định, ngoài án phạt mang tính răn đe, ý thức của các cầu thủ mang tính quyết định. Họ phải hiểu được việc chơi bóng là một nghề nghiệp và tuổi thọ của nghề thường không kéo dài. Nếu dính tiêu cực, sự nghiệp của họ sẽ chấm dứt. Và để nhận thức này được xuyên suốt thì môi trường bóng đá mang tính quyết định. Chỉ đến khi nào các nền bóng đá Đông Nam Á phát triển cao, tình trạng gian lận trong thi đấu mới bị triệt tiêu như các nền bóng đá phát triển.
Vấn nạn mua bán độ của bóng đá khu vực luôn quẩn quanh và bóng đá Việt Nam cũng không ngoại lệ. Từ những bài học trong quá khứ đến hiện tại, những người làm bóng đá Việt Nam cần luôn tự nhắc nhở mình để không phải nhận trái đắng.
TRẦN NGÔ