Tháng 4, khi cái nắng đổ lửa bắt đầu giòn đanh cũng là lúc nông sản vào mùa thu hoạch. Hạt lúa trĩu bông ươm vàng cả một cánh đồng. Trên ruộng màu, từng trái dưa nằm xen lẫn những bó đậu phộng lúc lỉu củ. Xa xa dưới bàu, thuyền nhỏ rảo một vòng đã chất đầy sen tươi. Trong vườn nhà, đậu đen, khoai hạ… cũng chuyển sắc nâu dồn dinh dưỡng cho củ, cho hạt.
Cánh đồng dưới chân cầu Bến Lớn được bồi đắp phù sa từ sông Bàn Thạch quanh năm đủ nước. Mùa nước rút trơ ra những bãi bồi màu mỡ ven sông. Người dân ra đây trồng dưa hấu, đậu phộng, khổ qua, bí… Những chỗ trũng thấp, bà con quây lại thành bàu trồng sen. Khi những bông sen nở hồng cả một khoảng không cũng là lúc lúa bắt đầu làm đòng.
Khác với không khí nhộn nhịp đô hội nơi trung tâm thị xã phía bên kia cầu, bên này cầu làng bình lặng nép mình vào bóng núi. Mỗi sớm bình minh, nắng non tỏa sắc hồng vàng xuống mênh mông cánh đồng xanh lúa và soi mình trong những đầm sen còn hoa chen lá. Đường vào làng cũng vì thế mà thoang thoảng hương hoa.
Người làng bao đời làm nông nghiệp, ở ngoài vườn, ngoài ruộng nhiều hơn trong nhà. Nhà không cần khóa trái. Đi đâu xa chỉ cần khép cánh cửa lại là hàng xóm biết không có người ở nhà. Nhà này cách nhà kia chỉ bằng hàng rào thưa, thấp; kiễng chân là nhìn thấy nhau.
Theo cái nắng chang đồng, những bông sen lụi dần dồn hết tinh hoa nuôi đài sen ngày một lớn. Đài sen như tổ kén chứa trong mình từng hạt sen nhỏ thò đầu ra đón nắng đón gió mà lớn lên. Khi những hạt sen căng tròn như những chú nhộng mũm mĩm cũng là lúc người dân hái về trảy vỏ. Lúa cũng bắt đầu ngả dần từ xanh sang vàng nhạt, những bông lúa cúi mình trĩu xuống cho lá lúa vươn ra nhuộm vàng theo nắng.
Tháng 4 nắng bắt đầu gắt cháy da, cả cánh đồng vàng ươm hạt lúa. Người trong làng phải bươn mình ra nắng để kịp phơi khô, đóng bao, bỏ thùng chờ thương lái. Phơi hết lúa lại tranh thủ khoảng sân trống phơi đậu phộng... cho đanh lại mới dễ tách vỏ. Ai cũng muốn nhanh chân, lẹ tay cho đủ nắng, ngại nhất là gặp trời mưa không kịp chạy, nông sản thấm nước.
Ở quê, mùa nông sản vui như ngày tết. Những chiếc xe tải nối đuôi nhau đậu ngay dưới chân cầu trên đường dẫn vào làng; chờ chất đầy rau củ quả là lăn bánh. Xe bục bịch, xe kéo len lỏi vào từng ngõ nhỏ thu mua. Xóm làng ngày thường vắng lặng, đến mùa nông sản lại rộn ràng kẻ khuân người vác, người nói cười, trả giá, thu tiền…
Nông sản bán ngay sau thu hoạch, nhà ít cũng được 5-10 triệu đồng, nhà nhiều vài chục đến cả trăm triệu. Nụ cười xua đi những giọt mồ hôi lăn dài trên má. Ước mơ con trẻ về chiếc xe đạp tập đi, chiếc xe máy hay bộ máy tính đi học đại học... cũng theo đó mà thành hiện thực. Còn lại, năm năm, tháng tháng, hết vụ lúa tới vụ màu, cái nắng từng lớp từng lớp ngấm vào da thịt cha đen giòn, săn chắc; ngấm vào bàn tay mẹ gân guốc, dẻo dai.
Ngoại bốn rẽ hàng rào đi tắt lối vườn mang cho bịch đậu phộng. Không thấy có người, ngoại gọi lớn: “Ba má thằng Chuột có nhà không, có ít đậu phộng vừa dỡ mang cho sấp nhỏ”. Một năm hai vụ, vụ nào dỡ đậu phộng ngoại cũng bắc một nồi lớn luộc chín bỏ vào từng bịch mang chia cho cả xóm. Đậu phộng vừa dỡ rửa qua bỏ luộc ăn ngay vừa mềm vừa bùi bùi ngọt ngọt, giống như vị thơm dẻo của lúa mới. Chỉ có nhà nông mới thấm hết được cái hương vị lộc trời này.
Người làng tấm lòng thơm thảo, được mùa lỗ lãi tính sau, cứ chia lộc cho hàng xóm trước đã. Vì vậy mà vào mùa nông sản, mỗi lần đi làm về, hôm thì bịch đậu phộng ngoài hiên, hôm lại trái dưa, trái bí trong bếp của chú Sáu, anh Hai cho; rồi bịch đậu đen xanh lòng của chị Ba từ xóm trên gửi xuống. Sống giữa làng quê, nông sản lúc nào cũng có đủ...
BẠCH VÂN