Chủ Nhật, 24/11/2024 17:51 CH
Giày hoa – truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Thứ Sáu, 09/02/2024 15:00 CH

Thuận bị đánh thức bởi tiếng gà gáy sáng vọng ra từ trong bản. Sương núi tràn cả vào cabin đặc quánh. Không! Có lẽ sương đã đi qua đường thở, lấp đầy phổi Thuận tự lúc nào. Anh ho sặc sụa, mỗi hơi thở như có khói bốc lên. Bà cụ chui ra từ gian bếp nhỏ, quanh người bà không rõ là sương hay khói. Xứ này là vậy, mờ mờ ảo ảo, có khi không rõ mặt người.

 

- Ðã bảo vào trong nhà mà ngủ, bà trông xe cho thì không nghe. Lạnh thế này mà phơi gió phơi sương thì ốm mất.

 

- Con người đâu dễ ốm thế bà ơi. Lăn ra ốm đúng mùa tết có mà chết đói.

 

- Từ bao giờ anh lo chuyện đói no vậy Thuận? Sao trước kia anh bảo không nhà cửa, quê quán, vợ con. Anh đi làm nuôi mỗi cái mồm, dễ ẹc.

 

- Ừ thì… Ai rồi cũng phải khác thôi Sim.

 

Sim đổ chõ xôi nếp cẩm ra chiếc mẹt nhỏ, cắt ít lạp xưởng vừa rán còn nóng hổi giục Thuận ăn đi cho ấm bụng. Thời tiết se lạnh, bụng đói cồn cào mà được nắm xôi là nhất. Sim bận quét dọn quán, đêm qua chắc là đông khách, Thuận ngủ mê mệt chẳng biết gì. Ðông khách cũng phải, cả chặng đường dài chẳng có quán xá gì. Buồn tiểu thì xuống dọc đường, nhưng đói bụng thì chẳng thể cứ gặm mãi cái bánh mì dai nhách mua mãi tận dưới xuôi. Thật ra nhiều khi mong có một cái quán hiện ra không phải vì đói, rét hay cần một chỗ nghỉ chân chợp mắt cho lại sức mà đơn giản chỉ là chờ một ánh đèn vàng vọt để thấy ấm cúng, thấy mình bớt cô đơn hiu quạnh suốt chặng đường hun hút gió sương.

 

Quán của bà cụ nằm giữa lưng chừng con đèo dài ngoằn ngoèo, hun hút, có một bãi đất trống ngay bên cạnh để đỗ xe. Quán lần đầu hiện ra trong ký ức Thuận nghèo nàn đến hoang mang. Thuận không biết trong quán liệu có thứ gì đó mà mình cần: một cốc trà nóng, bát mì tôm, bao thuốc lá hay một cái võng để nằm. Khi ấy có thể là cuối đông cũng có thể là đã lập xuân. Bà cụ ngồi trên chiếc ghế bành mây cũ kỹ choàng tỉnh giấc. Một tay giữ chiếc chăn thổ cẩm choàng người, một tay bà kéo chiếc ghế mời khách.

 

- Lạnh quá. Bà ơi cho con xin ít lửa.

 

Ðống than suýt tắt ngấm giờ được bà khơi lại bằng mấy cái thổi phù phù. Lớp tàn than bay lên gặp sương quánh lại đâu đó trong không trung. Thuận đưa mắt ngó quanh, trên sạp hàng thấy có vài gói bánh kẹo, mì tôm phủ bụi. Mà thật ra cũng không rõ là bụi hay sương. Lật đật nhóm lại lửa, bà cụ hỏi:

 

- Ðói lắm rồi đúng không? Chờ chút!

 

- Sao bà biết con đói ạ?

 

- Tôi ở đây bao năm, thứ nghe thấy nhiều nhất ngoài gió đèo, tiếng lửa reo thì chính là tiếng bụng sôi của khách đi đường.

 

Chẳng mấy chốc đã thấy tiếng nước sôi. Mùi mì tôm dậy lên đến cồn cào ruột gan. “Ðợi chút”, bà cụ đeo chiếc đèn pin lên đầu luồn ra sau quán. Vài phút sau mang vào nắm rau thơm, rửa sạch, bỏ vào bát mì rồi đẩy về phía Thuận. Ðó là bát mì tôm ngon nhất mà Thuận từng ăn, chắc bởi chiếc dạ dày đã bị bỏ đói quá lâu. Lần đó Sim xuất hiện lúc Thuận đang định leo lên xe ngủ. Ngáp một cái thật dài, Sim nói với ra:

 

- Anh gì ơi vào trong này mà nằm ngủ tạm. Ði xe đường dài cũng phải để cái lưng nghỉ ngơi tử tế chứ.

 

Ngó thấy vẻ tần ngần của Thuận, Sim cười bảo:

 

- Không ai ăn thịt anh đâu mà sợ. Bà cháu em cũng không tính tiền giường. Nhưng giường hơi ọp ẹp, anh thông cảm. Cứ để xe hàng đấy em trông giúp, không mất mát gì đâu mà lo.

 

Nói rồi Sim quay ra cằn nhằn bà không chịu vào nhà ngủ cứ thích phơi sương. “Thì bà cứ nằm trong kia khuất gió, ấm áp mà chợp mắt. Nếu có xe dừng lại, người ta khắc bấm còi inh ỏi”. Bà cụ hơ bàn tay già nua trên đống lửa khẽ thở dài. Trước lúc chìm vào giấc ngủ, Thuận còn nghe thấy tiếng bà thong thả bảo: “Bà không muốn tiếng còi làm lũ chim hoảng hốt”. Thuận đã có một giấc ngủ ngon lành, không mộng mị. Khi ấy có thể đã lập xuân, lúc tỉnh dậy Thuận ngửi thấy mùi của những nụ mận rừng chúm chím. Nhón tay xin một lát mứt gừng trong lọ thủy tinh bà cụ chìa ra, chút ấm áp theo Thuận trên chặng đường phía trước. Lúc lái xe rời đi nhìn qua gương chiếu hậu, anh thấy một bóng người đơn độc, hình như đang dõi theo mình.

 

Sau lần đó Thuận nhiều lần quay lại quán lưng đèo. Có khi để xin cốc nước trà. Có khi để ngủ. Có khi bà cụ chỉ về phía cái xoong cỡ lớn đang bốc hơi nghi ngút bảo “tắm đi”. Thuận mở nắp vung, hơi tỏa ra mùi sả, bưởi. Thứ xộc vào Thuận không chỉ là mùi hương mà còn là ký ức của những ngày xa xưa khi anh còn có mẹ. Cũng vào những ngày giáp tết, mẹ ra vườn hái lá đun nước tắm cho anh. Thằng con trai bảy tuổi lười tắm cởi truồng chạy quanh giếng, chân giẫm nát cả bó hoa mùi trắng. Ðám hoa trắng li ti vương vãi trên thềm giếng lún phún rêu xanh. Nắng chiều hắt vào một vạt xuân, tóc mẹ dài xõa thanh xuân trong thau nước ấm. Mới đấy mà mấy chục năm đã trôi qua, mẹ về trời bỏ Thuận lại bơ vơ. Hai mẹ con ở nhờ trên đất nhà ngoại, mẹ khuất núi, Thuận cũng không còn chốn đi về. Một mình thui thủi dọc ngang suốt bao năm, kể từ khi gặp bà cụ trong quán ven đường, Thuận mới được sống lại cảm giác gia đình.

 

Bà cụ lật đật dọn cơm cho Thuận ăn còn kịp đi lúc trời chiều nhập nhoạng. Món cá suối kho tiêu cay nồng ấm ran khoang bụng. Thêm món rau rừng đắng ngắt mà Thuận ăn vài lần cũng bắt đầu thương. Sao bà biết hôm nay con qua mà nấu cơm chờ? Thì thấy lòng dạ nóng ran, đoán là con tới. Sim xịu mặt trách bà dạo này chỉ thương nhớ người dưng. Bà cụ móm mém cười, không nói.

 

Cánh lái xe đường dài tụi Thuận bao giờ cũng có cho mình một chốn dừng chân quen thuộc. Họ coi đó là quán quen, người quen, những đến đi quen thuộc. Bởi sau đó họ có nhà để trở về, có cha mẹ già, vợ trẻ con thơ chờ đợi họ. Thuận thèm cảm giác được ai đó chờ mong nhưng chỉ có căn phòng trọ, bản nhạc buồn và những bữa cơm bụi ven đường. Lần nào tiễn Thuận bà cụ cũng dặn “Ði rồi về”, hệt như dặn đứa cháu trước khi đi mua chục trứng, mớ rau hay vác rổ ra đồng bắt tép. Gần gũi và thân thuộc khiến Thuận thấy mình được trở về nhà.

 

Tháng Chạp năm nào cũng như năm nào, vội vã lo toan, vừa mong hết năm mà cũng vừa sợ tết. Những chuyến hàng lên biên giới nhiều hơn, có hôm qua quán lưng đèo xe không kịp dừng. Thuận cũng không dám bấm còi như cách những gã tài chào nhau trên vạn dặm đường. Cảnh tượng bà cụ ngồi bên đống lửa lướt qua cửa kính xe. Thuận đoán chắc là Sim đang bận rộn với căn bếp nhỏ. Không biết hôm nay Sim nấu món gì?

 

Những ngày giáp tết, cửa khẩu nhộn nhịp xe hàng nối đuôi nhau chờ làm thủ tục thông quan. Hiếm hoi lắm chuyến về xe không chở theo hàng, Thuận lại ghé quán lúc mặt trời khuất dần sau dãy núi. Cơm nước xong xuôi, bà cụ ngồi xâu nấm và xếp măng khô thành từng bó nhỏ dành bán cho cánh lái xe hoặc khách du lịch mang về làm quà tết. Chú chó già quanh quẩn bên chân, thỉnh thoảng vểnh tai nghe tiếng chim non kêu chim chíp đâu đó trên những tán cây. Sim ngồi thêu giày hoa bên bếp lửa. Từng mũi thêu tỉ mỉ, cầu kỳ như gửi gắm vào đó câu chuyện của chính mình.

 

- Anh từng lên Ðiện Biên, cũng bắt gặp những cô gái Xạ Phang cần mẫn ngồi may thêu trang phục truyền thống, họ mặc nó mỗi ngày. Em không phải là người Xạ Phang, cũng không mang giày hoa. Anh không ngờ em cũng biết thêu giày.

 

- Năm bảy tuổi em đã được mẹ dạy thêu thùa. Mẹ từng là cô gái Xạ Phang đẹp nhất bản đấy, biết bao nhiêu chàng trai mơ tưởng. Nhưng mẹ gặp và thương yêu bố. Bố em là người Kinh, trước kia là bộ đội biên phòng. Sau này bố xuất ngũ đi theo nghề lái xe đường dài.

 

Sim dừng tay, khẽ nén tiếng thở dài ngửa cổ nhìn trời. Lúc này Thuận mới để ý thấy từ bao giờ rẽ đôi đám mây, trăng lộ ra lặng lẽ. Ánh trăng chiếu xuống đôi giày hoa trên tay Sim, lấp lánh. Thuận định hỏi gì đó lại thôi, chỉ còn kịp nhận ra trăng trong mắt Sim, ngân ngấn. Tựa hẳn người xuống ghế, lần đầu tiên Sim kể cuộc đời của chính mình.

 

- Bố chở thuê hàng trên cửa khẩu thỉnh thoảng mới về nhà. Năm em mười ba tuổi thì bố không về nữa. Chờ hết mùa trăng này đến mùa trăng khác cho đến một ngày mẹ nhét hết quần áo vào chiếc túi xách, vẫy một chuyến xe qua đường rồi đi. Trước khi đi mẹ dặn “Ở nhà ngoan, mẹ đi tìm bố về cho con”. Nhưng mẹ đi biền biệt hai năm, lúc trở về mang theo một người đàn ông khác, không phải bố của em. Mẹ cũng chỉ về duy nhất lần đó rồi đi, cho đến tận bây giờ chưa một lần trở lại. Căn nhà trên bản bị lũ cuốn trôi. Hai bà cháu ra đây mở quán. Anh biết đấy, buổi đêm bà thường không ngủ được mỗi khi có tiếng xe qua. Bà chờ đợi một bóng hình quen thuộc sẽ bước xuống từ một chuyến xe nào đó. Nhưng thứ mà bà thấy chỉ toàn là ký ức.

 

- Chắc là em đã nhớ họ rất nhiều.

 

- Có những ngày buồn quá, sương núi phủ mờ, chẳng phân biệt rõ được trưa hay chiều. Em với bà ngồi bất động trên ghế, không ai nói với ai câu nào, mắt nhìn vô định. Bỗng em thấy một chiếc xe khách dừng lại, thả hai con người với lỉnh kỉnh đồ đạc xuống vệ đường. Họ vẫy tay gọi với vào nhà “Ra cầm giúp đồ cho mẹ Sim ơi”. Em hỏi bố mẹ đồ đạc gì mà nhiều vậy? Họ nói dưới xuôi thứ gì cũng đẹp. Thứ gì cũng muốn tha về. Rôm rả, ồn ã thế mà tự nhiên tiếng còi xe inh ỏi khiến mọi thứ biến mất trong tầm mắt. Ngơ ngác nhìn bà. Bà hình như cũng vừa bừng tỉnh sau một giấc mơ. Giấc mơ của bà chắc là cũng đẹp.

 

- Em có giận bố mẹ mình không?

 

- Trước kia thì có nhưng giờ thì không. Chỉ cần họ ở đâu đó sống cuộc đời hạnh phúc. Em rồi cũng có hạnh phúc của riêng mình.

 

Phía bên kia góc sân, bà cụ đã xâu xong nấm hương, buộc xong măng khô. Thuận hít thật sâu cái mùi ngai ngái của đám khói hun những xâu thịt lợn, lạp xưởng gác trên bếp. Thỉnh thoảng một chiếc xe chạy qua còn kịp vọng ra bài hát xuân rộn ràng trong khoang lái. Thuận bất chợt quay sang hỏi Sim:

 

- Em thêu một đôi giày trong bao lâu?

 

- Em không vội. Ðây là đôi giày đặc biệt, em thêu bằng sợi thương sợi nhớ. Vào một dịp đặc biệt em sẽ hoàn thành.

 

Phía bên kia tiếng bà cụ hắng giọng, mời Thuận nếu không có nơi nào thiết tha để về thì năm nay ở đây ăn tết. Thuận ngó sang dò ý của Sim, chỉ nhìn thấy gáy người đỏ ửng. Làm sao để nói cho Sim biết rằng tâm hồn Thuận đã neo đậu nơi này. Chỉ còn một chuyến hàng nữa thôi là Thuận nghỉ tết. Tranh thủ ngày nghỉ, Thuận quanh quẩn giúp bà cháu Sim bổ củi nấu bánh, sửa lại vài món đồ gỗ trong nhà. Anh trèo lên lợp lại vài chỗ hổng trên mái nhà. Lúc ngó dáng Thuận cặm cụi sửa lại cái ghế thắp nhang, bà cụ thấy nhớ thằng con trai quá chừng. Hồi còn ở nhà, cứ tết đến con trai bà cũng lúi húi lau dọn bàn thờ, trồng thêm cây cối. Nếu còn sống, con bà cũng đã ngoài sáu mươi, tóc đã bạc, lưng đã đau, răng có khi đã rụng. Nó có khi đãng trí, chắc gì còn nhớ chốn quay về. Người ta nói nếu còn sống chẳng ai bỏ mẹ già con thơ, quê quán của mình. Nếu không thấy người về, bà thà mong con mình tệ bạc.

 

Thuận loay hoay không biết treo bức ảnh ở chỗ nào. Trong ảnh bà cháu Sim ngồi ngay cửa quán, hướng ánh nhìn ra màn sương mờ ảo. Thuận đã chụp nó trong một lần rời đi. Lúc mở ảnh ra ngắm, anh không biết là sương hay khói đang dần lấp dần cả quán lẫn người. Sim ngồi vò đi vò lại mấy chiếc áo ố màu của Thuận.

 

- Áo này mặc đã lâu vải mủn hết rồi. Ðể mai đi chợ huyện em mua áo mới cho anh. Chịu không?

 

- Chịu chứ sao không chịu. Anh ước gì được em mua áo mới cả đời.

 

- Cánh lái xe mười anh thì cả mười anh dẻo mỏ. Gặp ai cũng thả thính, bông đùa, hứa hẹn. Biết thế nào mà tin.

 

- Chắc là anh dễ dãi nên quen tin mọi thứ trên đời.

 

- Ðó là vì anh chưa từng bị ai lừa dối. Trước kia bố em cũng từng hứa “mấy hôm nữa bố về”.

 

Thuận muốn ôm Sim vào lòng, vỗ về những vết thương vẫn còn trong lồng ngực. Phải có ai đó đến để rút ruột yêu Sim. Yêu đến căng cứng và ngạt thở may chăng Sim mới thôi hoài nghi mọi thứ. Bà cụ cầm nắm lá chè xanh đi ngang qua mảnh sân buột miệng than cái giường cũ đã ọp ẹp quá rồi sắp tới chắc phải thay chiếc mới. Ngó hai đứa ngồi bịn rịn bên nhau bà cụ bảo: “Cuộc đời mỏng lắm, thương thì nói là thương”. Thuận nắm lấy tay Sim, siết chặt. Mây tràn xuống từ đỉnh đèo, phủ lên quán nhỏ. Bao bọc lấy hai mái đầu vừa ngả vào nhau.

 

Lúc tiễn Thuận đi chuyến hàng cuối cùng, rõ ràng Sim có hỏi “Hai mấy tết anh về để em còn biết đường thêu cho kịp giày hoa?”. Ấy vậy mà lúc xe đi xuyên vào sương mù, Thuận vẫn không rõ liệu có phải chỉ là một giấc mơ? Hạnh phúc này là thật hay cũng chỉ là cách Sim kể một câu chuyện được thêu dệt nhờ trí tưởng tượng phong phú của mình?

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chờn vờn khói tết thơm mùi cá kho
Thứ Tư, 07/02/2024 11:00 SA
Dọn mình đón tết
Thứ Tư, 07/02/2024 09:55 SA
Rim gừng của ngoại
Thứ Tư, 07/02/2024 09:34 SA
Hồn xuân
Thứ Hai, 05/02/2024 15:00 CH
Cuối Chạp – thơ THỤY BÌNH
Thứ Hai, 05/02/2024 11:00 SA
Ngày cuối năm
Thứ Hai, 05/02/2024 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek