Bắt đầu tháng 5 âm lịch thì gió nam cũng thổi về xao xác. Trong tiết trời buổi sáng mát trong, càng gợi nhớ bao ngày tết Đoan ngọ của ngày thơ bé. Khi ấy, cứ đến tết Đoan ngọ nhà ai cũng đổ bánh xèo. Mới sáng ra đã rộn ràng xay gạo, loại gạo cơm khô để khi vớt bánh không bị nhão. Má rửa sạch cái cối đá, nêm lại phần tay quay cho thật chặt, sao cho sau mỗi vòng quay tay, gạo đã mịn đều thành bột. Má cắt thêm mớ hẹ tẻ, xắt nhỏ trộn vào phần bột nước rồi cắt thêm một đoạn bẹ chuối tươi để tráng dầu vào khuôn. Chỉ non nửa buổi là cả đầu trên xóm dưới đều thơm lừng mùi khói bánh.
Và như một chu kỳ, cứ tết Đoan ngọ năm nào cũng đúng vào kỳ bừa xới cho mía. Sau vụ thu hoạch, đám mía nào đã lưu gốc qua nhiều năm, gối vụ phải đốt gốc và đám lá khô mục năm cũ, dọn lại đất rồi trồng mía mới. Lúc bấy giờ người dân toàn trồng mía cau, loại mía thân nhỏ, mềm và ngọt thanh. Khi những mầm mía đầu tiên nhú lên khỏi mặt đất, gặp cơn mưa ngoi nam thất thường về sáng, mặt ruộng bị nén trở xuống nên phải dùng loại bừa răng thưa, sao cho đi qua hàng nào sẽ xới đất hai bên gốc vun lên giữ ẩm và loại bớt cỏ dại. Để bừa ăn sâu vừa độ, phải có một đứa trẻ ngồi lên trên, vừa đủ trọng lượng. Cha điều khiển hai con bò qua phải, qua trái, đi qua hàng nào đất dưới chân bở tơi và có mùi rất đặc biệt. Đó là mùi của cỏ, mùi của những mầm xanh vừa cựa mình trong đất, mùi của nắng gió quê nhà. Dưới tiết trời tháng 5 xanh mát, tôi cơ hồ đếm từng đường bừa một, mong lũ bò đi nhanh để về, kịp lúc bếp nhà ai cũng bay lên đầy mùi mỡ bánh.
Tết Đoan ngọ ở làng vẫn như bao ngày bình thường khác, mọi người vẫn ra đồng, tụi trẻ chúng tôi vẫn cùng cha thong thả từng đường bừa buổi sớm, hoặc lùa bò rong ruổi trên những soi cỏ dại. Chỉ là cứ vào thời điểm ấy, tiết trời dịu mát và những âm thanh, mùi hương quen thuộc của tiếng cối xay đá, của tiếng xì xèo trong những căn bếp quê yên ả khói đã ăn sâu vào ký ức. Và ai cũng muốn hoàn tất công việc để về nhà, quây quần bên nhau. Và thể nào, khi cha đã bày hoa quả vườn nhà lên ban thờ, thành kính trước tổ tiên, khi cả nhà đã ngồi bên chái hiên, ăn bánh xèo mùng năm, nghe gió nam lùa qua mảnh vườn xao xác, cha cũng bảo, “đã giữa năm nữa rồi!”.
Những năm tháng về sau, hết học hành đến áo cơm nặng nợ, tôi ít khi về nhà để ngồi cùng cha và má bên mái hiên, nghe gió nam thơm mùi khói bánh. Ngôi nhà xưa vẫn thế, mái ngói rêu phủ lớp thời gian nhưng giờ vắng người hơn. Thi thoảng má vẫn đem cái khuôn bánh ra kỳ cọ lớp muội khói bám đen, bôi chút dầu phộng đều lên khuôn rồi lại mang vào cất lên chạn bếp. Cha vẫn cẩn thận gác chiếc bừa răng thưa lên trên thềm đất nổi, che chắn nắng mưa dù đã không còn dùng đến nữa vì cơ giới toàn phần. Nơi phương Nam nắng gió ôn hòa, tết Đoan ngọ cũng rộn ràng với nhiều đặc trưng riêng biệt. Khắp các chợ đều bày bán bánh trôi nước và những chùm lá với nhiều loại khác nhau để treo trước cửa nhà. Tôi về qua những phố xá ngược xuôi, vời vợi nhớ mảnh vườn quê xao xác gió!
Bao năm tôi xa làng là bao nhiêu đổi thay dâu bể. Chỉ có nơi hiên nhà, những cây bông huệ cam vẫn cứ bền bỉ bám vào lòng đất, đợi tết Đoan ngọ về chiu chắt những hoa. Chỉ có gió nam vẫn đúng hẹn về ngang qua ngõ, để cha vẫn cứ lặp lại câu nói muôn thuở, “đã giữa năm rồi!”.
NGUYÊN HẬU