Nhà nghèo, thường mùng năm tháng năm (tết Đoan ngọ), mẹ chỉ nấu vài ba chén chè cúng có lễ. Vì vậy năm nào đến ngày này, anh Ba, chị Tư và Út tôi cũng xin mẹ đạp xe đến nhà chị Hai chơi.
Nhà chị Hai không khá giả, nhưng biết mấy đứa em háo hức lên chơi, nên năm nào anh chị cũng cúng mùng năm tương đối kỹ, có chè xôi, thịt, rượu nếp, trái cây. Cỗ thịnh soạn khiến mấy đứa em ở nhà cơm thường chỉ rau dưa đương nhiên khoái chí, thả sức chén bụng đầy căng, vừa ăn vừa cười nói râm ran. Ngồi lấy thức ăn cho các em ngó bộ chị Hai cũng rất vui. Hình như chuyện tốn kém cỗ bàn hay nhọc nhằn nấu nướng đều không là vấn đề đối với chị! Chưa hết, đợi lũ em ăn uống no nê, chị còn hồ hởi bưng thêm món tráng miệng. Món bánh đặc biệt, chỉ cỗ cúng mùng năm nhà chị Hai mới có: bánh tro!
Bánh tro Phú Yên gói bằng gạo nếp ngâm nước tro bếp hoặc vôi. Hình bánh tròn dài, lột ra bên trong da bánh có màu đỏ, đem chấm đường ăn vị rất đặc biệt, thơm dẻo, cay hăng, nhưng lại kích thích vị giác tới mức ăn chưa xong miếng này đã muốn… cắn ngay miếng nữa dù bụng đã no cành! Tôi mê món bánh tro nhà chị Hai tới mức năm nào không lên được, chị cũng đều biết ý, dành phần gửi về cho con Út. Có lần tôi thắc mắc sao lễ cúng mùng năm nào chị Hai cũng gói bánh tro? Chị Hai cười, kể.
Ngày xưa, người nông dân chuyên nghề trồng trọt vô cùng khổ sở vì nạn sâu bọ lộng hành. Cứ vào tiết nắng nóng giữa năm, đàn sâu bọ lại sinh sôi, tràn ra đồng ăn sạch lúa, hoa màu, diệt không xuể. Dân khốn đốn mới lập đàn cầu trời cứu giúp. Đàn lập xong, hương khói thành tâm khấn vái mấy ngày đêm, vị tiên ông mới xuất hiện bày cho dân cách mang vôi bột, tro bếp vãi ra đồng để đuổi sâu bọ. Nhờ vậy, nạn sâu phá hoa màu giảm dần. Trước lúc rời đi, tiên ông còn dạy người dân thường xuyên vệ sinh đồng ruộng bằng cách cuối mùa dọn dẹp gom đốt cỏ dại rạ rơm; vào mùa tích cực bón vôi, tro trước lúc canh tác để khử trùng. Làm theo lời thì sâu bọ sẽ lui, lúa nếp sẽ đầy bồ. Từ đó, cuộc sống dân làng bắt đầu bình yên, sung túc. Nhớ ơn tiên ông, hàng năm trong lễ cúng tết Đoan ngọ, người ta chế ra loại bánh mô phỏng hình dáng con sâu, gói bằng gạo nếp ngâm nước vôi/tro đem dâng cúng - là món bánh tro bây giờ.
Chuyện chị Hai kể thật hay không tôi không dám chắc, chỉ biết nghe xong ăn cái bánh tro chị gói thấy… ngon hơn! Biết ơn những ngày mùng năm lên nhà chị được ăn ngon, chơi vui, còn được chị cho thưởng thức món bánh tro. Có lần sau tết Đoan ngọ chị về chơi, còn mang theo chè xôi, bánh trái. Mẹ cau mặt, làm ăn đã khó còn cúng kiếng chi con, hơi đâu mà chiều mấy đứa em. Chị Hai cười hiền, dù gì cũng cái tết giữa năm, em út quen lệ nó ngó chừng…
Y NGUYÊN