Thứ Năm, 28/11/2024 11:47 SA
Quà của biển - Truyện ngắn TRẦN QUỐC CƯỠNG
Thứ Bảy, 21/01/2023 17:47 CH

1 Cốc nhai kẹo đỗ, đưa tay áo quẹt đại hai bên mép: “Ngài mua cá bi đông là biết thưởng thức món ngon của biển rồi đó. Nói thiệt, tui mê món này dữ lắm nhưng mua hổng nổi!”. Dân vạn chài thường dùng chữ “ngài” để gọi cả đàn ông lẫn đàn bà chứ không đơn thuần là đại từ ngôi thứ hai dùng để nói với người mà mình coi trọng. Cốc không phải ngư dân. Anh ta là dân “lưới mười”, “lưới bốc” lâu năm, sinh sống ở vùng nông nghiệp nhưng nói chuyện giống hệt ngư dân.

 

“Lưới mười” không cước, không phao, không chì nhưng “đánh bắt” vô cùng hiệu quả. Người hành nghề có sức khỏe một chút là OK! Hễ thuyền cập bến là lực lượng “lưới mười” dùng hai bàn tay đẩy mạn thuyền hoặc ghé vai vào đòn khiêng theo tiếng hô: một! hai! ba!... khiêng thuyền lên bãi biển để rồi chủ thuyền cho vài con cá về nấu ngọt khỏi tốn tiền đi chợ. Có một lực lượng “lưới mười” đông đảo lanh như tép, đó là trẻ em làng chài.

 

Chúng hành nghề “lưới mười” ngay cả khi thuyền chưa cập bến. Chúng bơi ra, nhảy phóc lên thuyền, bốc vài con cá rồi ào xuống nước như cá heo nhào lộn. Chủ thuyền không tài nào giữ trọn vẹn thành quả mà mình có được sau một đêm lênh đênh trên biển cả. Thôi thì ngày mùa thất thoát một ít chớ biết làm sao!

 

Tôi và các bạn nhậu khoái cá bi đông thịt trắng tinh, dẻo dai, thơm tho, béo ngọt được tách đôi ra từ lớp vỏ cứng cáp không tiêu tan trên những đốm than hồng. Mỗi lần Cốc thấy tôi ra ứng trực tại bãi biển lúc thuyền cập bến để tìm mua cá bi đông là dẫn tôi đến đúng chỗ cần tìm.

 

Sau đó tôi thường kéo Cốc tạt vô quán bia hơi ven đường ra biển làm nhanh vài ly với đậu phộng rang rồi anh em vui vẻ chia tay. Cốc thật dễ mến. Anh ta nhìn tôi lưu luyến dẫu cách vài ba ngày là anh ta làm hướng dẫn viên cho tôi mua cá bi đông một lần.

 

2 Nghe Cốc nhắc đến “lưới mười” là tôi cười no bụng. Giờ Cốc còn rủ rê tôi đi xem lưới quát. Trời còn chưa tỏ mặt người, chủ lưới quát đã âm thầm cho thuyền dong ra biển. Trước khi ra xa, chủ thuyền thả một đầu lưới cho vài người đứng trên bãi biển nắm giữ rồi buông lưới cho đến khi thuyền cách bờ khoảng năm trăm mét theo đường vòng cung, đầu dây lưới còn lại được đưa vào bờ. Những người đứng trên bãi biển chia làm hai phe, ngả người về phía sau kéo lưới từng li từng tí chầm chậm khoảng hơn một giờ mới kết thúc mẻ lưới. Ai là người có tánh nôn nóng thì không thể nào hành nghề lưới quát kiên trì.

 

Cốc vừa kéo lưới quát, vừa thì thầm vào tai tôi: “Ông chủ lưới quát có cô con gái đẹp lắm! Lát nữa cổ ra lấy cá về đi bán. Anh nán lại coi người đẹp!”. Thì ra anh chàng kéo lưới quát không chỉ vì được chia phần cá, mực mà còn để chiêm ngưỡng con gái ông chủ. Tôi ghẹo Cốc: “Hồi xưa, Đức Khổng Tử ra đường ít có người chú ý. Vậy mà công nương xinh đẹp ra đường thì có rất nhiều người đứng hai bên đường ngắm nghía, trầm trồ.

 

Khổng Tử thấy vậy than dài: “Thiên hạ nếu mê đạo đức như mê nữ sắc thì hay biết mấy!”. Cốc khựng lại: “Thiệt hả ngài?”. Tôi cười khà khà: “Chớ sao không thiệt! Em kéo lưới quát mệt thấy mồ mà còn tơ tưởng đến con ông chủ lưới xinh đẹp nữa là!”. Cốc buông một tay dây cước, đấm vào lưng tôi: “Ngài là bậc thầy tiếu lâm!”. Tôi cố chờ xem mẻ lưới có con cá bi đông nào không, sẵn dịp xem con gái của ông chủ lưới có đẹp như Cốc kể.

 

Cuối cùng rồi mẻ lưới cũng được hơn chục người kéo vô bãi biển. Tiếng cá giãy rần rật. Mọi người cười cười, nói nói ồn ã. Tôi ghé mắt nhìn vào đãy lưới. Một đãy cá, cua, mực… tổng hợp. Vài chục con cá chù chen chúc gây xáo động đãy lưới. Dăm con cá mối, cá thẩn sọc vàng. Cá cơm thì nhiều vô kể. Ghẹ bò lổm ngổm. Mực nang tươi roi rói. Nổi bật là hai con sam, mỗi con to bằng bàn tay xòe, màu xanh nhà binh. Hai con sam như hai chiếc xe tăng có những chiếc râu dài giống cần ăng ten xe jeep.

 

Sam thuộc họ cua nhưng thường đi một cặp. Chúng rèo nhau như sắt gặp nam châm. Cốc đập vào vai tôi: “Người đẹp tới rồi kìa!”. Tôi lách đám đông đi ra ngoài, dáo dác: “Đâu? Đâu? Anh không thấy?”. Cốc cười sằng sặc: “Ngài cũng máu gái gớm!”. Gã nhại giọng tôi: “Nếu thiên hạ mê đạo đức như mê nữ sắc…”.

 

Tôi gắt: “Chỉ lẹ coi thử nè! Còn ở đó mà giỡn!”. Cốc chỉ: “Đấy! Đấy! Ngài!”. Nhìn theo ngón tay trỏ của Cốc, thấy một cô gái mặc bộ đồ bà ba màu đen đang đi về phía tôi, trên vai cô là đôi quang gánh với hai chiếc rổ to tướng. Khi cô lại gần, tôi ngỡ ngàng trước một gương mặt trái xoan, mắt to tròn với hàng mi cong vút, nước da trắng như trứng gà bóc. Tôi không ngờ ở xứ biển nắng gió xao xác quanh năm lại có một cô gái với làn da nuột nà như vậy. Tôi nhìn không chớp mắt. Cốc véo vào bắp tay tôi: “Ngài nhìn như nuốt chửng con người ta không bằng. Mộng mắc cỡ kìa!”.

 

3 Đây là lần đầu tôi nghe Cốc hát. Anh ta hát nắn nót, tròn vành rõ chữ, giọng như ca sĩ chuyên nghiệp: “Xin cho yêu trong mộng thường, nhưng mộng thường cũng tan, xin cho đi chung một đường, sao định mệnh chắn ngang…”. Giọng hát của anh ta buồn da diết. Từ phía sau, tôi đấm vào lưng Cốc: “Vậy là anh bắt quả tang chú nhớ em Mộng rồi nhé! Cứ mạnh dạn tỏ tình đi ngài!” (tôi đáp trả chữ ngài cho Cốc).

 

Anh ta ỉu xìu như bún thiu: “Em nó đã có người yêu”. Tôi động viên: “Mộng thường cũng tan. Cơn cớ chi chùn bước? Đừng tự ti! Khi nào Mộng lấy chồng, em mới hết hy vọng, nhớ chưa? Cũng như kéo lưới quát vậy, cần phải kiên trì thì mới thành công!”. Cốc xốc lại tinh thần. Và đêm ấy, tôi - người đã có vợ con đề huề - giúp cho Cốc tán gái. Tôi lái xe. Cốc ngồi sau vác cây guitare gỗ chạy một mạch tới nhà ông chủ lưới quát. Đó là đêm văn nghệ đột xuất ở một gia đình làng chài, mọi người ngồi trên chiếu trải ngoài sân, dưới ánh trăng rằm vằng vặc, nghe Cốc hát.

 

Tôi cứ buông hợp âm Am, Em (la thứ, mi thứ) chủ đạo. Cốc hát như gởi hết niềm thương, nỗi nhớ về Mộng. Giọng hát mê đắm lòng người. Ông chủ lưới quát vốn yêu nhạc bolero, giờ đây được nghe tiếng đàn bá cháy của tôi, giọng ca hớp hồn của Cốc. Vậy là ông bật đèn xanh: “Cốc nhớ thường xuyên tới chơi, hát cho chú thím nghe nghen! Cháu hát hay lắm!”.

 

Cốc vui như nở hoa trong lòng: “Dạ! Cháu xin nghe lời chú!”. Mộng bắt đầu có cái nhìn khác hẳn về Cốc. Khi hiểu ra Thẩm là chàng trai mà người ta mai mối cho Mộng nhưng chưa được người đẹp “phê duyệt”, Cốc càng tự tin mà tiến tới. Tôi tận tâm vun vén cho Cốc và Mộng nên ra sức truyền dạy ngón đàn guitare cho Cốc. Cốc có năng khiếu sẵn nên tôi chỉ truyền dạy trong ba tháng là Cốc tự đàn hát một cách ngon lành.

 

4 Từ lâu tôi không còn tìm cá bi đông, không lảng vảng ở làng chài như trước. Gia đình tôi theo con trai chuyển vô thành phố sinh sống. Cốc thì đã xây dựng gia đình với Mộng, con của họ nghe nói đã vào đại học. Một hôm vợ chồng Cốc đến thăm tôi, tay xách nách mang lỉnh kỉnh quà làm tôi ngỡ ngàng: “Kìa! Cốc! Mộng! Sao hai đứa biết anh ở đây mà vô thăm?”.

 

Cặp đôi hoàn hảo (tôi gọi như vậy trong ngày dự đám cưới của đôi bạn trẻ) vui mừng khôn xiết: “Thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, tìm một người như anh có khó gì chớ? Anh rời quê mà không nói với vợ chồng em một tiếng. Bạc bẽo ghê!”. Nhìn gương mặt hoan hỉ của vợ chồng họ, tôi đủ thấy ấm lòng. Cốc trách móc đôi chút có sao đâu. Tôi giải thích: “Cháu làm nhà xong là hối thúc anh chị vô ngay nên không kịp từ giã ai hết. Hai đứa vào thăm anh chị là quý lắm rồi, còn quà cáp làm chi?”. Mộng lúi húi mở túi nhựa, cười tươi như hoa: “Tụi em dành cho anh sự bất ngờ. Đố anh cái gì đây?”. Tôi kinh ngạc, reo lên: “Trời ơi! Cá bi đông!”.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nghinh Phong chiều xuân – thơ HẢI SƠN
Chủ Nhật, 22/01/2023 10:00 SA
Mùa xuân gọi – thơ NGUYỄN TƯỜNG VĂN
Chủ Nhật, 22/01/2023 08:00 SA
Tết nhớ mẹ - thơ HOÀNG XUÂN THƯỞNG
Thứ Bảy, 21/01/2023 16:22 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek