Đường về nhà tôi ngày trước xa vời vợi.
Từ thành phố trên cao nguyên về xóm Lẫm - một làng quê thuộc huyện Tuy Hòa - gần 300 cây số, lượn qua 3 con đèo xuyên rừng xuôi dốc vượt núi. Trên những cung đường ngoằn ngoèo xe bò chầm chậm bên vách núi, nhìn xuống vực sâu thấy nhiều xác xe nằm phơi mưa nắng, bác tài yếu tay mặt mày xanh tàu lá khi lái xe vượt đèo.
Minh họa: HƯNG DŨNG |
Ngày ấy, tôi từ Tuy Hòa lên thành phố ngàn hoa ghi tên vào Viện Đại học Đà Lạt. Bác tài xế xe đò vui tính đã nói đùa với tôi rằng: “Cậu là người ở hạ giới, tôi là sứ giả đưa cậu lên xứ bồng lai tiên cảnh, ở đó có tiếng thông reo quanh năm, có hoa nở bốn mùa và có những nàng tiên má đỏ hồng hồng, tôi chắc là cậu sẽ không muốn về”. Đúng là một vùng đất trời đẹp đến nao lòng người. Xe vừa lên đến đỉnh đèo, không khí mát lạnh đã tràn vào xe, hành khách nhận ra ngay mình vừa từ miền nhiệt đới lên miền ôn đới.
Hoa dã quỳ vàng rực rỡ hai bên đường vào thành phố; hoa anh đào hồng thắm trên những lưng đồi cùng muôn loài hoa khoe sắc, ngay trên vách đá cũng có những cành hoa dại vươn ra trước gió. Sống và học tập tại một thành phố đẹp và nên thơ đến thế nhưng đêm đêm trong giấc mơ tôi vẫn hiện lên hình ảnh quê mình - nơi có cánh đồng lúa mênh mông mà tụi nhỏ chúng tôi thường bảo cánh đồng chạy đến tận chân trời. Một miền quê có lũy tre làng bền chặt bao quanh với tiếng xạc xào trong gió vào những trưa hè.
Nơi đó có mẹ tôi - người phụ nữ tôi yêu thương nhất trên đời; có phố nhỏ Tuy Hòa rực rỡ hoa phượng đỏ khi học trò chia tay vào hạ; có người con gái với tà áo tím làm trái tim tôi xao xuyến.
Vì đường sá xa xôi cách trở, phương tiện đi lại khó khăn nên thường thì cả năm tôi mới về nhà với mẹ một lần vào dịp tết đến. Những ngày hè, tôi lo đi làm thêm kiếm tiền đỡ phần vất vả cho mẹ và cũng để tìm những trải nghiệm vào đời. Những đêm hè, tôi mơ thấy mình về nhà nhưng sao đường xa vắng quá, đi mãi vẫn không tới. Rồi mẹ hiện ra trong giấc mơ. Mẹ bảo: “Má nhớ mày nhưng đường xa quá, đi không tới đâu con”. Còn người con gái áo tím thì trách nhẹ: “Anh không còn nhớ quê mình nữa rồi!”.
Giờ đây, thành phố ngàn hoa và Tuy Hòa vẫn cách nhau chừng ấy không gian, nhưng ăn sáng ở Đà Lạt xong, ta có thể cho xe đổ đèo Khánh Lê, đi một mạch thì sẽ kịp ăn trưa ở Tuy Hòa! Sáng nay tôi về nhà, đường mới đã rộng thênh thang; xe xuyên hầm Đèo Cả chưa hết 10 phút đã thấy cánh đồng Hảo Sơn mở ra bao la trước mắt. Không khí tết đã rộn ràng trên quốc lộ 1; những chuyến xe khách Nam - Bắc hối hả đưa người đi làm ăn xa về quê đón tết.
Càng về gần đến TP Tuy Hòa, càng cảm nhận không khí tết. Hoa lay ơn, hoa cúc, vạn thọ và nhiều loại hoa tết được bày bán bên đường; người đi mua sắm nhộn nhịp đông vui. Đã hơn nửa thế kỷ tôi đón tết, đã hơn nửa thế kỷ lăn lóc trên đường đời, cứ tưởng mình không còn mong tết đến vì sợ tháng năm lại khắc thêm một vết hằn trên khuôn mặt đã nhiều vết thời gian. Nhưng lòng tôi vẫn khấp khởi vui, vẫn ấm áp trên đường về quê đón tết.
Thời đại ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, kéo theo sự thay đổi nhiều mặt trong đời sống xã hội. Người ta bảo nền văn minh nông nghiệp kéo dài khoảng 10.000 năm, nền văn minh công nghiệp kéo dài 300 năm và nền văn minh thông tin chỉ trong 30 năm.
Điều đó nói lên rằng ngày nay, khoa học công nghệ thay đổi nhanh chóng và đã kéo theo sự thay đổi về lối sống, thay đổi về phong tục tập quán và thay đổi cả cách đón tết của dân mình. Ngày trước, cứ đến đầu tháng Chạp là đã có không khí tết rồi; người ta phải chuẩn bị cả tháng để đón tết, từ may quần áo cho đến mua sắm, nhà nhà làm rim làm bánh, nấu bánh chưng bánh tét...
Chỉ riêng việc may quần áo mới thôi, các thợ may phải làm việc miệt mài, tất bật suốt 2 tháng trước tết mà còn lo không kịp nên ai cũng hối thúc. Ngày nay, không khí rộn ràng đó đã mất đi nhiều. Gần cuối tháng Chạp, các bà các chị ra chợ hoặc tới siêu thị thì gì cũng có, từ hoa quả, bánh trái rim mứt, thịt cá quần áo cho đến các vật dụng cho gia đình, cho tiếp khách trong những ngày tết đều có sẵn.
Thời buổi hiện đại, mọi nhu cầu đều được đáp ứng nhanh chóng làm cho không khí tết ngày trước chỉ còn trong ký ức của những người lớn tuổi. Ngày nay, cũng không cần phải mua sắm hay nấu nướng đủ dùng cho 3 hay 7 ngày tết nữa, bỡi các hoạt động thương mại chỉ tạm ngưng trong ngày mùng một. Sang mùng 2 tết, hoạt động mua bán đã trở lại bình thường.
Đó là cuộc sống ở thành phố. Ở những miền quê xa cũng đã có nhiều thay đổi, nhà cửa bằng bê tông cốt thép thay cho mái tranh, mái ngói; hàng rào sắt nhọn đã thay những bờ tre xanh; những hàng cau vườn trầu đẹp như tranh đã mất đi nhiều... Những thứ cần dùng cho tết cũng đã có sẵn ở chợ quê, các bà nội trợ đỡ vất vả...
Chiều 30 tết, làng quê tôi thanh bình yên ả; một số gia đình vẫn còn giữ nếp xưa. Mẹ tôi vẫn gói bánh nấu bánh, vẫn làm rim. Hình như bà vẫn thích con cháu thưởng thức món tết do chính tay bà làm ra, khách khứa đến chơi vẫn thưởng thức món tết được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống của quê mình.
Chỉ chừng ấy thôi cùng với đôi mắt trìu mến, yêu thương của mẹ nhìn đứa con, cháu từ xa trở về nhà trong những ngày tết cũng đủ để cho lòng tôi cảm thấy bình yên, ấm áp. Chỉ chừng ấy thôi đã đủ cho tôi cảm nhận sự thiêng liêng của mùi khói hương tỏa ngát đêm giao thừa. Chỉ chừng ấy đã cho tôi đầy đủ ý nghĩa của ba ngày tết để tôi không phải lo sợ tết đến sẽ chất thêm tuổi mới trên cuộc đời đã cũ.
HOÀNG NGUYÊN