Nhiều năm rồi tôi mới có thời gian ở lại lâu trong... nhà mình! Không cần vội vã đóng mở va li, bây giờ tôi có đủ thì giờ ngắm nhìn từng đoạn rui mè, chạm vào những đường ron gạch men đã đổi màu theo năm tháng. Hơn cả, tôi thường dừng rất lâu trước cái tủ sắt cũ của gia đình. Tôi sờ vào đó, cảm nhận từng đoạn thời gian đã mờ mịt xa. Những vết gỉ, biểu hiện của quá trình oxy hóa xuất hiện mọi chỗ trên bề mặt món đồ cũ.
Chiếu cói gáo dừa như quê tôi, người ta thường mang tuổi của người để chứng minh độ bền của vật. Nếu tính cách đó thì cái tủ có thể bằng hoặc nhỏ hơn tôi chút đỉnh. Nó là kiểu tủ đứng hai cánh dọc, cánh trái có lắp một miếng gương. Dĩ nhiên chiếc tủ già này chẳng còn gương gì nữa, dấu hiệu để lại là phần lõm vào, bây giờ cũng đã đổi màu.
Mẹ tôi để đủ thứ trong chiếc tủ đó. Mà không chỉ mẹ, tôi nghĩ nhiều gia đình từng sử dụng loại tủ này như một cái két sắt cất giữ những món vật quan trọng. Một lần tìm giấy tờ, mẹ và tôi đã bật cười khanh khách khi thấy một xấp giấy vở học sinh được xé tươm. Trên ấy, tờ thì ghi số lượng mía mỗi ngày mẹ tôi chặt được trong một vụ thu hoạch thuê nào đó, tờ thì ghi danh sách tên người tới mừng gia đình tôi về nhà mới cách đây tận... hai mươi mấy năm. Tôi đọc lên, thắc mắc với mẹ những tên riêng vừa quen vừa lạ. Mẹ tôi nhắc lại, nhiều người có trong danh sách ấy đã về bên kia núi từ lâu.
Trong ngăn két sắt chiếc tủ, tôi còn tìm thấy mấy tờ hóa đơn. Khoản tiền vay gì đó đã giải quyết xong nhưng tờ giấy đóng lãi vẫn còn! Tiếp theo là tờ bảo hành chiếc ti vi mà nhà tôi đã bán từ lâu, thẻ hội viên hội nông dân của ba tôi, hình thẻ ngày em gái tôi vào tiểu học, cái huy hiệu đoàn đã gỉ đầu kim băng... Cầm lên từng món, tôi thấy tim mình xốn xang. Vết mực này, gương mặt nhỏ kia, thông tin cũ mà mới, mọi thứ từng rất quen nhưng lại hóa ra lạ lẫm. Kho báu này quý như rượu, càng lâu năm thì càng thú vị, càng hay.
Tất cả chúng đều có những vết gỉ. Số điện thoại trên một mẩu giấy, hẳn từng rất quan trọng, đã hoen ra. Tấm hình thẻ cũng đã ngả vàng. Sẵn dịp, tôi và mẹ soạn bỏ những thứ đã lâu không còn giá trị sử dụng. Giống như mẹ, tôi không nỡ bán nhôm nhựa cái tủ sắt, tôi cũng không nỡ bỏ những vết gỉ mang giá trị tinh thần.
Không có món đồ nào mang tính cột mốc mà gia đình tôi cố ý lưu lại, như cách người ta đóng gói gương mặt từng thành viên rồi kẹp vào tờ giấy kiếng trong quyển album gia đình. Mọi thứ được giữ lại đều ngẫu nhiên, nhưng chúng đều cho thấy ba mẹ tôi từng xoay xở những gì để vun đắp gia đình. Từng món đồ được thay mới, sự trưởng thành của chị em tôi, những người từng chung vui chia buồn với gia đình... đều có thể nhìn rõ ràng thông qua những kỷ vật tưởng chừng không chút đáng tiền đó.
Tôi đã giữ tất cả chúng lại, cất vào một ngăn trong chiếc tủ mới của tôi. Rồi đây, sẽ có những vết gỉ mới, xen với kỷ niệm cũ, nhắc tôi đừng quên quá khứ của mình.
HẢI DƯƠNG