Không biết tự bao giờ, khi gia đình tui dọn về căn nhà mới xây là đã thấy cây gòn to sừng sững bên mé nhà rồi. Chắc nó là cây to cao nhứt con đường xóm tui. Thân nó chi chít sẹo, lại có hốc rất rộng, ai đó đặt thêm bộ lư hương, thỉnh thoảng đốt cắm vài nén nhang đầu tháng làm lũ trẻ tụi tui thêm phần kính sợ. Cây cao lắm, hình như bằng cả chiều cao của nhà hai, ba tầng thời đó. Nghe đồn là có ma nữa chớ, làm mỗi lần đi chơi về khuya, tui chỉ biết nhắm mắt chạy ù qua sân nhà, nghe tim đập thình thịch. Một dạo, trong xóm có người mắc bệnh tâm thần, ngày lang thang khắp xóm khắp đường, đêm về lại trèo lên chạc ba cây gòn làm nơi ngủ, báo hại bọn nhóc tụi tui thêm phần sợ hãi.
Hồi đó, vào những đêm hè nóng như chảy mỡ, anh em tui hay lên sân thượng ngủ. Khi ánh trăng vừa đổ xuống những tàu dừa là tui có thể nghe được tụi cú mèo đi ăn đêm. Nhìn phía ngoài đường cái, thấy màu trắng của bông trái gòn bay rơi theo gió, tui vừa ngủ vừa run… Không biết cảnh liêu trai chí dị như thế nào, chớ hình ảnh mê hoặc đó ám ảnh tui suốt đời.
Cây gòn cạnh mé nhà cao to sừng sững nhưng phải tội là mọc giữa lề đường và bậc ruộng rau muống. Cứ đến mùa mưa bão, cả nhà tui thấp thỏm sợ nó đổ kềnh ra, đè sập nhà. Nó cứ ngả ngả nghiêng nghiêng như người say rượu, mấy cái lá giống như bàn tay, níu chặt về phía chân trời. Rồi việc gì đến cũng đến, con nước từ đầu dốc chảy về phía ruộng rau muống, kéo nó ngã lăn ra giữa đường. Cả xóm tui, người cầm dao, kẻ cầm rựa chặt gốc chặt cành làm củi. Nghĩ cũng lạ, khi gòn còn sống thì nhang khói, khi gòn ngã xuống chẳng thấy ai xót thương.
To vậy, nhưng gỗ cây gòn không được lựa chọn làm đồ gia dụng. Nó xốp rộp, làm củi đun cũng không xong. Nhưng với tụi tui thì khác. Tụi tui kéo về vườn sau nhà, chờ vài con nắng rồi lấy dao khoét dần, khoét dần tạo thành một chiếc thuyền độc mộc, tha hồ mà chèo chơi trong mùa lụt. Còn nữa, chọn lấy cành cây có chiều ngang cỡ cẳng tay, lấy làm trỏng mà chơi thì không có loại cây nào qua. Nó vừa nhẹ vừa êm, giảm độ nẩy, đánh lại bay xa, nên làm cây trỏng cái và trỏng con bằng cây gòn rất được ưa chuộng.
Thời đó còn nghèo lắm, tụi con gái nhỏ xóm tui chơi đồ hàng, tập tành buôn bán, toàn dùng đồ tự tạo, và không thể không có ổ bánh mì từ trái gòn; mà nghĩ lại giống thiệt luôn. Cũng dùng dao rạch từ đầu, rồi chan nước lèo làm từ lá dâm bụt, lá mồng tơi vào ổ bánh mì mà bán; người mua cũng giả đò ngấu nghiến ăn. Hình ảnh của tuổi thơ ngày đó, nay còn đâu!
Lại nhớ gốc cây gòn như là nhân chứng, trên mình nó chằng chịt những dấu khắc kỷ niệm của lũ nhỏ xóm tui, nào là hình mũi tên bắn vào trái tim và ghi ngày tháng năm, nào là I love you, nhớ mãi ngàn năm… Tui cũng len lén khắc vào đó tên của tui cùng với tên của cô bé mắt to, tóc cột đuôi gà ở đầu xóm mà tui nhớ trộm thương thầm…
Tui còn nhớ vì cây cao quá, lại là nơi đặt lư hương thờ cúng nên trong xóm không ai dám trèo hoặc dùng cây khoèo để hái trái. Cách duy nhất là dùng ná cao su bắn rụng từng trái, từng trái một. Ngày đó, đứa trẻ trong lứa tuổi lớp năm lớp sáu đều kè kè cái ná cao su bên mình. Bắn gòn là phải nhắm bắn vào cái cuống của trái gòn, bắn vậy trái mới chịu rụng. Còn bắn trúng vào trái, chỉ nghe tiếng bịch, và trái gòn đung đưa như quả lắc đồng hồ, như thể trêu ngươi lũ nhỏ. Chịu khó, bắn ná cho giỏi, tụi tui cả buổi cũng bắn rụng vài chục trái gòn khô. Mấy bà cô trong xóm rất thích lấy bông gòn làm đệm, làm gối. Gối gòn có cái hay là rất êm, rất hút mùi, hút cả mồ hôi, có thể dùng nhiều năm. Thời trẻ trâu hay đánh nhau, sứt đầu mẻ trán là chuyện như cơm bữa, việc chậm máu từ những vết thương đó không thể không có bông trắng của trái gòn.
Giờ thì còn mấy ai nhớ cây gòn, nhớ trái gòn, nhớ gối gòn êm giấc ngủ tuổi thơ. Tui không biết cây gạo hoa rực đỏ đầu làng gắn với tuổi thơ nơi vùng miền khác như thế nào; tuổi thơ tui gắn với cây gòn ở mé ngõ nhà tui, gắn vào từng chiếc lá, thân cây và từng trái gòn căng mọng đến nứt nẻ, phơi chùm chùm bông trắng ngần bay khắp xóm.
Chiều nay, trời vào cuối thu, không còn những đám mây trắng đùa với gió; nghĩ cho cùng rồi mây cũng tan theo gió mà thôi. Chỉ còn những trái gòn khô đét, lủng lẳng đong đưa theo từng cơn gió, những chùm bông trắng ngần rơi rơi vào chiều nhẹ gió, đọng lại trong hồi ức khó phai một thời tuổi thơ. Lòng hỏi lòng, người mình thương mình nhớ có còn hay, bông gòn có còn bay… cho ta ngây, cho ta say một thời!
LÂM PHÚ LINH