Tháng chín (âm lịch), khi lúa mùa vụ Tám đã khô khan trong bao trong bồ, những cơn mưa đầu mùa đủ mềm đất cho bà con bắt đầu thu hoạch sắn. Mấy năm gần đây cây sắn đem lại nguồn thu nhập đáng kể nhờ giá cả ổn định và việc canh tác cũng khá dễ dàng. Đến mùa thu hoạch, đi về phía tây theo mấy tuyến bê tông liên xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa); bên những trạm thu mua nông sản, máy cày kéo rơ-moóc nối đuôi nhau, sắn đầy ắp thùng xe. Hương sắn lẫn mùi đất cứ như chạy theo mình…
Nhìn bà con đang vui mùa thu hoạch, nhìn những củ sắn lấm láp thân quen, kỷ niệm bên bếp lửa sắn lùi nhúm vội của thời niên thiếu (tuổi chăn bò) cứ răng rắc bên tai… như có tiếng bạn bè.
Lúc còn học phổ thông, bạn bè hay trêu nhóm học trò Hòa Mỹ chúng tôi là những củ sắn lùi; tôi lẩm nhẩm hát vu vơ: “Được mùa thóc lúa chớ phụ ngô khoai, ăn quả ngọt ngon nhớ người vun trồng”.
Hồi nhỏ, hôm nào mẹ nấu cơm có ghé sắn là anh chị tôi buồn rơm rớm, tôi là con út nên được ưu tiên thích chỗ cơm nào cũng được. Ngược lại, chén cơm của ba mẹ sẽ nhiều sắn hơn vì “người lớn ai cũng thích ăn sắn”(!)
Ở nhà, ăn cơm ghé sắn thì chán ngán nhưng đi chăn bò đồng xa, lang thang tận bìa rừng, rong chơi tùy hứng đến khi bụng đói cồn cào thì món gì cũng ngon. Trong các món ăn ngoài bãi bồi, ruộng rẫy thì sắn lùi là món thường xuyên và hấp dẫn nhất với lũ trẻ chăn bò chúng tôi. Sắn của ai cũng xin được, “Đám sắn này của bác Hai, đám kia của chú Sáu… Ổng dặn: Khi nào đói bụng, cứ nhổ mà dùng, nhớ lùi cho chín, ăn khỏi đau bụng…”. Nói vậy nhưng lúc gặp mấy bác thì chẳng đứa nào dám ra mặt. Có lần cha tôi đi làm về kể rằng: “Thấy hai đứa nhỏ chăn bò chui vô đám sắn nên ông phải giả vờ đi tránh đường khác, sợ nó bỏ chạy băng hàng rào giậm gai”.
Củ sắn non có từ mùa xuân, lớn lên mau cho kịp thu hoạch trước mùa lũ; lúc nghỉ hè cùng bè bạn thong dong bên đàn bò là củ sắn cũng vừa vừa dùng được. Theo sự phân công của người lớn hơn; đứa xách giỏ mồm, đứa coi bò nghé, đứa quơ củi, đứa nhóm lửa…. Khi củi đã bén cháy bùng đỏ rực, chúng tôi gác mấy bụi sắn lên rồi tiếp tục chất củi thêm như lửa trại. Thoáng chốc, mùi thơm lan tỏa rất ấm no, những củ sắn lần lượt cháy cuống rơi xuống, ai nấy vội vã lấy cành cây hất ra ngoài, phủi tro, bóc vỏ ăn liền, mỗi đứa mỗi củ, tay phủi miệng thổi vội vàng; có đứa nóng quá thả sắn rơi xuống đất cầm dái tai nhảy tưng tưng...
Sắn lùi ở ngoài đồng ăn mới ngon, ngon vì cái bụng đói tuổi thơ, ngon vì bạn bè đông vui và hiếu kỳ, ngon vì không gian bao la và “thơm mùi tuổi nhỏ”.
Sắn mà ngày xưa chúng tôi nhổ lên đem lùi ăn liền bà con quen gọi là mì gòn để phân biệt với các giống cao sản khác. Mì cao sản không thể nhổ lên đem nấu ăn liền được vì dễ bị say. Mì gòn bây giờ là món đặc sản, bạn bè trường làng ngày xưa lên phố lập nghiệp đôi khi nhớ quê điện thoại cũng nhắc chuyện sắn lùi ngày xưa.
Ừ thì, quê mình bây giờ (tháng 10) bà con đang nhổ sắn đây bạn!
NGÔ TRỌNG CƯ