Thứ Bảy, 30/11/2024 06:58 SA
Ngã năm, một chốn đi về…
Chủ Nhật, 07/08/2022 08:00 SA

Khoảng 30 năm về trước, tụi tui trạc mười tám đôi mươi, đi học xa nhà, ở ký túc xá; thời gian đầu chưa quen cảnh xa nhà nên đứa nào đứa nấy nhớ nhà quay quắt. Tụi tui hay kể về quê mình, như để lấp đầy nỗi nhớ quê nhớ nhà. Có đêm, tui ngồi kể về quê tui, và mời tụi nó, hè này, nếu rảnh về quê tao chơi cho biết. Cứ đến ngã năm rồi rẽ trái, đi chừng một cây số là đến nhà tao liền đó… Thằng bạn xứ Quảng bật dậy nhìn tui, ngạc nhiên: TX Tuy Hòa quê mày có ngã năm hay sao? Chỗ mày ở rộng lớn dữ! Nghe nó nói mà tui rất đỗi tự hào về thị xã quê mình.

 

Ngã năm (TP Tuy Hòa). Ảnh: PHÚ LINH

Còn nhớ, trước đây giữa ngã năm là trụ đèn có nhiều bóng đèn cao áp và loa phát thanh được gắn theo các hướng, theo đó là hệ thống dây điện, dây phát thanh đan xen, thi thoảng có vài con diều giấy bị mắc kẹt phất phơ theo gió. Với ai đó đi qua, nó chỉ là trụ đèn vô tri vô giác như bao trụ đèn khác, nhưng với tụi tui, trụ đèn này như cây gạo đầu làng với các bạn ở quê, đầy ắp kỷ niệm thời thơ ấu… Dưới chân trụ đèn trung tâm này, xoay tròn xung quanh là một cái bệ xi măng khá rộng, nếu ngồi xoay tròn chắc cũng chứa được hai chục đứa trẻ choai choai. Tụi tui hay ngồi trên cái bục xi măng này mà tán gẫu, nhìn phố xá, nhìn xe cộ; hẹn nhóm bạn tập trung nơi này là tiện nhất. Có những lúc xa nhà, vừa đến nhà, tui vội lấy xe đi dạo phố phường cho đã nhớ. Và nhất định phải đi vòng qua cái trụ đèn ở ngã năm, đi thật chậm, nhìn xe cộ, lòng thật vui, cũng không biết khi đó mình vui về điều gì nữa…

 

Ngã năm như một dấu mốc rất chung của người dân thị xã lúc trước, khi chỉ nhà mình cho ai đó, cứ nói nhà tui ở cách ngã năm chừng một đến hai cây số, rẽ phải, rẽ trái hoặc đi thẳng… Đó là cách chỉ nhà đơn giản và hiệu quả nhất. Hồi đó, nhà trường hay tổ chức đi cổ động. Các trường thường cho học sinh xếp hai hàng đi vòng qua ngã năm, vừa đi vừa hô khẩu hiệu, mệt nhưng rất vui. Ngã năm cũng là nơi nhà trường hay tổ chức công diễn múa tập thể mừng công, mừng sự kiện nào đó, lúc ấy được cầm tay bạn nữ cùng lớp, chân bước theo điệu nhạc, có lúc mải nhìn mắt nhau nên lạc bước, chân lại giậm chân… Kỷ niệm này thật khó quên!

 

Dịp tết Trung thu, các đội lân thường chọn ngã năm làm nơi múa ra mắt. Cuối mùa Trung thu, khi không còn nơi nào để múa, các đội hay tựu về đây múa xả bãi, múa như để chứng tỏ đẳng cấp. Thật là một cuộc đua tranh! Lúc đó tiếng trống vang dồn, lửa đuốc sáng rợp trời; các đội lân múa rất hăng, có lúc như lao vào nhau. Tiếng la hét, cổ vũ đội lân nhà huyên náo cả một góc trời.

 

Trời lụt, chợ Tuy Hòa bị ngập; nhiều con đường trong thị xã cũng bì bõm nước; ngã năm thành nơi họp chợ. Nằm nhà suốt mấy ngày mưa, buồn chân chết được, tụi tui kết bè chuối, vừa chèo bè vừa lội nước đến cái chợ đặc biệt này, chủ yếu là dạo chơi hít hà mùi chợ cho vui, có khi mua ít con cá đồng về nướng ăn cơm.

 

Khi chớm xuân, trời se se lạnh là thấy én về thị xã rất nhiều. Chúng bay trên núi Nhạn, chúng bay lượn trên khắp đường phố. Ngã năm như nơi hội tụ của từng đàn chim én, báo hiệu mùa xuân đã về…

 

Có những khi thị xã cúp điện nhiều đêm liền, nhưng ngã năm vẫn có ánh điện vàng đầy mê hoặc. Ngồi nhìn ánh đèn, nghĩ mình đang ở ngay trong lòng thị xã. Nhớ lại chi tiết này, thương cho thời khó khăn của quê hương. Lại nhớ, có những lần cùng bạn bè tụ tập trên vỉa hè nơi ngã năm để hóng từng buổi tường thuật bóng đá, khi đội Phú Khánh gặp đội bạn, cũng la cũng hét, nhảy cẫng lên vui mừng, cứ như là đang xem trực tiếp trận đấu.

 

Ngã năm là nơi thường xuyên tổ chức chiếu phim, hoặc hội diễn văn nghệ quần chúng. Diện tích nơi này không rộng lắm, nền đường lại bằng phẳng, người người đứng sát nhau, có bữa phải lấn chen mới thấy được diễn viên trên màn hình, trên sân khấu. Vì là địa điểm trung tâm thị xã nên hồi trước khu vực xung quanh ngã năm có nhiều quán xá, nào là quán cháo vịt, quán bún, phở, quán cà phê, tiệm bánh ngọt, bánh mì…, đặc biệt là bán đến gần 12 giờ đêm (hồi đó người ở thị xã đi ngủ sớm lắm, mới 9 giờ tối là đường phố vắng teo, quán xá nơi khác đều đóng cửa).

 

Khi tui còn nhỏ, ngã năm là nơi tui ngóng trông chiếc bánh bao nóng hổi mà trong đêm mưa gió, ba gắng đạp xe đến đó để mua về khi tui thèm. Sau này, đến tuổi cập kê, ngã năm là nơi tui trồng cây si. Mỗi sáng tui hay đạp xe đến nơi này, mắt nhìn về phía đầu đường Trần Hưng Đạo, ngóng trông một chiếc xe đạp màu hồng, chủ nhân thường đội mũ đỏ. Tim tui cứ đập liên hồi khi Nẫu đi qua…

 

Ngã năm cũng là nơi thường được chọn để những dòng xe, dòng người lặng lẽ đi qua, như là lần cuối chia tay, đưa người đến nơi vĩnh hằng…

 

Có lẽ, với ai đó, ngã năm chỉ đơn thuần là ngã rẽ về nhiều nơi, nhiều hướng. Riêng tui, ngã năm như một chốn đi về… Về trong miền hoài niệm, về lại một thời ta đã qua.

 

LÂM PHÚ LINH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tương tư tháng bảy – thơ THỤY BÌNH
Chủ Nhật, 07/08/2022 07:00 SA
Nhớ Sơn Hòa – thơ HOÀNG XUÂN THƯỞNG
Chủ Nhật, 31/07/2022 14:00 CH
Cá cơm khô
Chủ Nhật, 31/07/2022 10:00 SA
Đi bắt cua đồng
Chủ Nhật, 31/07/2022 07:00 SA
Tuy Hòa nỗi nhớ - thơ VŨ HOÀNG GIANG
Thứ Sáu, 29/07/2022 15:39 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek