Thứ Ba, 08/10/2024 03:26 SA
Khúc hát quê nhà – truyện ngắn của HOÀNG KHÁNH DUY
Chủ Nhật, 07/07/2019 09:55 SA

Má tôi tháo cái nón lá quạt phành phạch cho mát. Tay má còn cầm bó dừa cọng đuổi ruồi mấy sịa cá khô phơi trên giàn. Nắng trưa giòn giã.

 

- Thằng Nghị đói bụng thì nướng mấy con cá khô ăn với cơm nguội đi con. Trưa nắng quá!

 

Tôi chạy từ dưới đám dừa nước lên, mình mẩy ướt sũng. Trên áo tôi còn mắc lại mấy lá bèo tai chuột xanh dờn, má giật mình hỏi:

 

- Cái thằng này, mày đi đâu mà mình mẩy ướt loi ngoi vậy Nghị? Vô trong buồng thay đồ đi, không khéo nước thấm vào người, bệnh chết!

 

Tôi gãi đầu, cười cười:

 

- Con đi xúc cá lia thia dưới ao bèo, sơ sẩy trượt chân rớt xuống nước.

 

Nói rồi má lấy cái khăn rằn vắt trên sào lau cho tôi. Người tôi phảng phất mùi sình non, má kêu tôi ra sau nhà múc nước trong lu xối lên, lấy dầu gội đầu của má gội cho sạch. Tôi ngoan ngoãn làm theo. Buổi trưa, gió vờn mái lá xôn xao. Vườn cam ông Thình đương độ trổ bông, hương thoang thoảng. Lần nào cũng vậy, hễ thấy cam trổ bông là lũ con nít chúng tôi cứ ngóng đợi ngày cam chín. Vườn ông Thình cách vườn nhà tôi con mương nhỏ, nước trong. Mùa cam chín, chúng tôi khệ nệ khiêng cây tràm chết bắc ngang qua con mương làm cầu rồi rón rén vào vườn ông Thình ăn trộm cam. Lần nọ, ông Thình phát hiện, bắt trói cả đám vô gốc cây, chừng nào ba mẹ đến nhận con ông mới thả ra. Tôi bị ba đánh mấy roi vào mông đau điếng. Tối đến, má lấy dầu cù là xức vào chỗ roi đòn sưng tấy rồi ôm tôi vào lòng, xuýt xoa, hỏi út Nghị của má có đau lắm không, dặn tôi mai mốt đừng học thói ăn trộm, sau này sinh hư. Tôi gật đầu.

 

Mùa cam năm cũ đã qua. Hương cá khô tôi nướng trong buổi trưa nọ cũng đã bay xa.

 

*

 

Tôi bàng hoàng tỉnh giấc. Hóa ra, bữa cơm tôi vừa ăn chỉ là một giấc mơ. Bữa cơm với mấy món đơn sơ: rau luộc chấm nước mắm dầm ớt cay cay, mấy con khô sặc nướng để trong đĩa. Mùi cá khô sực nức quanh đây. Đói quá! Tôi than thầm. Tôi chồm người ngồi dậy chui vào trong ghe giở nắp nồi tìm cơm. Anh Tâm, thằng Đực đã rời khỏi ghe lên bờ hái rau, thả lưới cắm câu. Ba mẹ Hai của tôi cũng đi đâu mất. Trong ghe chỉ còn lại mình tôi.

 

Tôi ngồi giở cơm ra cái chén sành ăn với nước mắm. Loại nước mắm Phú Quốc mẹ Hai mua được ở chợ Ngã Năm, ngon tuyệt cú mèo. Tôi ăn một chén, còn ít cơm trong nồi tôi chừa lại cho anh Tâm. Anh Tâm lớn nhất, chăm chỉ, hay nhường đồ ăn ngon cho chúng tôi. Đêm, anh Tâm ngồi đuổi muỗi cho chúng tôi tới khuya mới ngả lưng. Hôm nọ tôi nói thèm ăn cá khô nướng lửa đỏ thơm phức, hôm sau anh Tâm liền đem về mấy con cá rồi ngồi đánh vảy, mổ bụng, ướp muối tiêu đường rồi phơi nắng trên mui ghe. Bữa cơm chiều, cả nhà ăn cơm với cá khô nướng trong khung cảnh thanh bình mênh mông đồng nước. Tôi đã kìm nén lòng mình, nhưng tự dưng nước mắt ứa ra, ướt đầm trên má. Anh Tâm hỏi tôi:

 

- Cá khô ngon, sao mày khóc vậy Nghị?

 

Tôi quệt nước mắt, thỏ thẻ: - Em nhớ ba má quá, anh Tâm ơi!

 

- Chắc tại mùi cá khô của anh Tâm làm em nhớ má. Hồi đó má thường nướng cá khô cho em ăn.

 

Ôi, tôi nhớ biết bao cái xóm nhỏ yên bình. Nhớ má tôi, ba tôi, nhớ ngôi nhà lá phía trước có sông, phía sau có đồng, nhớ khu vườn nhỏ má trồng rau, con mương nhỏ nước trong vắt. Tôi cũng nhớ bọn con nít quê nhà, chúng nó tinh nghịch, phá phách nhưng dễ thương cực kỳ. Nhớ những ngày ấu thơ sống trong xóm nhỏ, nhớ những buổi trưa nắng chang chang đói bụng lại chạy ù vào bếp nướng cá khô ăn với cơm nguội ngon lành. Má ơi, tôi gọi thầm. Bóng trăng tuổi thơ lùi xa vào dĩ vãng…

 

Tôi nhớ một chiều ngồi đưa chân xuống nước ở gốc cây cổ thụ dưới bến chùa. Bỗng dưng ai đó bịt mắt tôi từ phía sau rồi nhấc bổng tôi lên chạy thật nhanh trên bờ ruộng. Tôi cố giãy giụa, cố mở mắt để xem ai đã mang tôi đi, hay là tụi thằng Cò to xác vẫn thường qua xóm tôi giả bọn bắt con nít, ghẹo chúng tôi sợ xanh xám mặt mày. Nhưng đây không phải thằng Cò. Giá người này là thằng Cò thì hay quá! Tôi ước. Một mùi hương lạ hoắc xông vào mũi khiến tôi nhắm nghiền mắt, mơ màng. Tôi nằm đâu đó nghe sóng vỗ về. Hình như tôi đang đi trên một chiếc ghe cùng những đứa trẻ khác. Tôi mở mắt ra, mếu máo. Ghé mắt qua khe hở trên thành ghe, tôi nhận ra mình đang ở đâu đó xa lạ. Chỗ này má tôi chưa từng chở tôi đi ngang qua. Những đứa trẻ khác cũng đang mếu máo, đứa thút thít, đứa run cầm cập vì sợ và vì lạnh. Ai đã mang tôi đi? Tôi từng nghe má kể về “mẹ mìn” len lẻn vào xóm bắt cóc con nít. Người ta đã bắt cóc tôi mang đi đâu không biết. Ngày mai sẽ như thế nào, tôi cũng không biết, nhưng chắc chắn tôi sẽ không được nhìn thấy má búi tóc sau gáy đứng ở đầu giường gọi: “Nghị ơi, Nghị à, thức dậy đi con, mặt trời lên tới nóc nhà rồi kia kìa”. Sợ và đói. Tôi nuốt nước bọt ừng ực, còn nước mắt thì liên tục chảy. Một người đàn bà đầu đội nón lá, bịt mặt kín mít, cho tôi ăn bánh tét nhân chuối. Bánh tét của họ sao mà đắng quá, nghẹn cả cổ. Không giống như bánh tét nhà bà ngoại vẫn thường gói mỗi lần tôi theo má về bên kia sông thăm bà. Tôi gọi khẽ: “Má ơi, cứu con má ơi, con sợ quá!”.

 

*

 

Ba mẹ Hai cứu tôi trong một cuộc ẩu đả với cặp vợ chồng “chăn dắt” những đứa trẻ vì mục đích nào đó. Ba Hai tôi biết võ nên đã giành được tôi từ những người lạ mặt. Mẹ Hai dẫn tôi chạy về ghe trước, còn ba Hai về sau. Ba không cứu được những đứa trẻ khác vì bọn chúng đã gọi đồng bọn. Tôi sợ khóc không thành tiếng. Khoảnh khắc mẹ Hai ôm tôi vào lòng, xoa đầu kêu tôi đừng khóc, có mẹ Hai ở đây rồi…, tôi thấy mẹ Hai sao giống hệt má tôi ở nhà.

 

- Mẹ ơi, con sợ lắm! Người ta đánh đập, nạt nộ con. Người ta bỏ đói con.

 

- Thôi, mẹ đã đưa con về đây rồi. Mẹ sẽ nuôi con. Các anh em sẽ yêu thương con hết mực.

 

Tôi nhỏ hơn anh Tâm, nhưng lớn hơn thằng Đực. Anh Tâm và thằng Đực cũng là trẻ mồ côi, ba mẹ Hai không sinh được con, nên nhận về làm con nuôi. Hễ con nít cơ nhỡ là ba mẹ Hai thương.

 

Tôi sống với ba mẹ Hai từ đó. Ba năm trôi qua, hương cá khô má làm, hương cam vườn ông Thình vẫn thường len lỏi trong tâm trí tôi, nhất là khi chiếc ghe của tôi đi ngang qua một nhà vườn nào đó. Mẹ Hai nói:

 

- Mẹ biết mày nhớ nhà, nhớ ba má mày nhiều lắm! Mà mẹ Hai có biết đường đâu mà đưa mày về. Thôi con người ta ai cũng có cái số cả con à! Lá rụng thì về cội.

 

Tôi gật đầu. Mắt ướt. Đêm nằm giật mình nhớ má, tay tôi quờ quạng, nhớ những năm tháng êm đềm. Chắc má tôi ròng rã tìm tôi. Chắc má tôi khổ đau gấp trăm ngàn lần tôi đau cái thuở bị người xa lạ bắt mất. Tôi nhớ xóm, nhớ trăng tròn, nhớ chái bếp sau nhà và mùi cá khô nướng mỗi trưa mưa ngấm vào lòng đất…

 

*

 

Chiếc ghe chạy ngang qua xóm vắng. Dòng sông xẻ đôi mảnh đất nâu sồng, thoang thoảng mùi mái lá ngấm nước sau kỳ mưa dầm, mùi lá bình bát, mùi tuổi thơ thanh ngọt.

 

Hình như là xóm cũ. Tôi nhận ra khi chiếc ghe đi ngang qua bãi đất có gốc cây cổ thụ buông rễ xuống dòng sông. Đó là nơi tôi ngồi đong đưa đôi chân xuống nước rồi bị người ta bắt đi biệt xứ.

 

- Ba Hai ơi! - Tôi hét lên - Dừng lại đi ba. Mẹ Hai ơi! Anh Tâm, em Đực ơi! Xóm em đây này! Nhà em ở đây này! Trời ơi, con tìm được nhà mình rồi, ba má ơi!

 

Chiếc ghe chưa cập lại mà tôi đã nhón chân nhảy lên. Sóng đánh bạt chiếc ghe. Tôi lao nhanh trên con đường nhỏ để trở về căn nhà lá. Ở đó có ba má tôi, có ruộng đồng, có vườn cam ông Thình thoảng đưa vào những chiều lộng gió.

 

- Ba má ơi! Con về với ba má rồi đây nè! - Tôi khản giọng.

 

Bóng má tôi đứng cạnh gốc cột hiên nhà, dáng má liêu xiêu, tay má bụm mặt như đang khóc rồi lao về phía tôi. Còn mẹ Hai, tôi kịp nhận ra ba mẹ Hai đã đẩy mũi ghe ra khỏi mảnh đất quê tôi, để khỏi vướng víu, để ra đi cho trọn vẹn một cuộc hành trình.

 

- Ba mẹ Hai với anh Tâm, em Đực đừng đi! Ba mẹ ơi…

 

Tôi gọi lại. Mẹ Hai đứng trước mũi ghe nức nở, cầm nón lá vẫy về phía tôi. Sông quê, đất quê, mái nhà quê và những con người chân chất, quê hương bỗng êm dịu, ngọt ngào và thanh bình như khúc hát. Khúc hát réo gọi tôi về…

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hải đăng – thơ LÊ HÀO
Chủ Nhật, 30/06/2019 11:00 SA
Nghe bài chòi ở biển – thơ ĐẶNG VĂN THƠM
Chủ Nhật, 30/06/2019 10:36 SA
Quê tôi giờ đã đổi thay
Chủ Nhật, 30/06/2019 06:00 SA
Cây gòn
Thứ Hai, 24/06/2019 08:00 SA
Bên kia sông – truyện ngắn của Y NGUYÊN
Chủ Nhật, 23/06/2019 18:00 CH
Chở vợ đi chợ - thơ THẠCH BI SƠN
Chủ Nhật, 23/06/2019 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek