Thứ Bảy, 05/10/2024 22:30 CH
Rầm rộ ra đồng tìm “ông tí”
Thứ Năm, 16/05/2013 13:01 CH

Những ngày qua, nông dân trong tỉnh rầm rộ ra đồng tìm diệt chuột. Mỗi người cầm thùng tưới, bao tải, roi gậy tập trung tại các bờ vùng, bờ giậu, mương nước nơi “ông tí” trú ẩn để tìm cho được loài vật hại lúa.

 

chuot130516.jpg

Số lượng chuột trong một ngày ra quân bắt được - Ảnh: L.ĐA

“NGÀY HỘI” DIT CHUỘT

 

Tại huyện Tuy An, từ sáng sớm hàng chục người gồm đủ cả già trẻ, gái trai tập trung ra bờ mương, bờ thửa cánh đồng thị trấn Chí Thạnh diệt chuột. Từng tốp người dò dẫm tìm nơi ẩn nấp rồi dùng thùng tưới múc nước đổ vào hang. Nước ngập hang, chuột nghẹt thở trồi đầu phóng ra, một người cầm roi chờ sẵn quất mạnh, chuột chết tại chỗ. Theo kinh nghiệm của nhiều người dân, dùng roi đánh chuột lúc đang chạy là hiệu quả nhất vì khi dùng gậy đập xuống, nếu không nằm đúng vị trí đầu gậy, chuột sẽ chạy thoát; dùng roi mềm, nhẹ, quất nhanh, độ chính xác cao hơn.

 

Tại thửa ruộng đồng Cháy, khi phát hiện nhiều hang, anh Nguyễn Thanh Khởi cầm cả thùng gánh nước múc nước đổ dồn dập, mấy phút sau lũ chuột chạy ra và bị tiêu diệt. “Chưa hết buổi sáng, chúng tôi bắt được gần một bao tải chuột, tính ra đến hàng trăm con”, anh Khởi nói. Theo ông Cao Văn Tiên, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy An, trong “tháng diệt chuột” này, địa phương này sẽ mở 6 lớp tập huấn về thực hiện các biện pháp phòng trừ chuột cắn phá cây trồng, xây dựng 5 mô hình diệt chuột bằng bẫy cây trồng và 5 mô hình diệt chuột bằng thuốc sinh học nhằm tăng cường kỹ năng phòng trừ chuột cắn phá, nâng cao hiệu quả diệt chuột xã, thị trấn trong huyện.

 

Những ngày qua, ông Huỳnh Hồ Hảo, ở xã Xuân Quang 3, đến lò rèn “me” lại cái cuốc thật bén để ra ruộng đào hang bắt chuột. Ông Hảo cho biết: “Ruộng nhà tôi gần bờ tre, mấy năm qua chuột ẩn nấp trong đó sinh sản, cắn nát lúa. Tôi phải phát hoang bụi gai tre, sau đó dùng cuốc đào hang mới tóm gọn hết đàn chuột”. Còn ông Nguyễn Văn Đồng ở xã Hòa Thắng, cho hay: “Để khỏi phải tốn công đào hang, người dân thấy hang nào có dấu chân chuột ra vào mòn miệng thì đào bắt là chính xác 100%”.

 

Ngày ra quân diệt chuột, từ sáng sớm, người dân ở các xã Hòa Kiến, An Phú (TP Tuy Hòa) đến từng nhà rủ nhau ra đồng. Mỗi đội từ 6 đến 7 người hì hục đào bắt chuột từ sáng đến chiều, chuột bỏ bao mang về chặt đuôi bán cho HTX. “Chuột ở đây nhiều quá, nếu không bắt thì khi sạ lúa theo kiểu sạ hàng, sạ thưa thì chuột cắn 3 hôm là hết lúa. Không diệt chuột chẳng khác nào úp nồi cơm gia đình”, ông Trình Văn Thanh ở thôn Phú Lương, xã An Phú nói.

 

CHUỘT TÀN PHÁ” RUỘNG LÚA

 

Theo Sở NN-PTNT, vụ đông xuân 2012-2013, chuột cắn phá 340ha lúa, trong đó, huyện Phú Hòa diện tích lúa bị chuột cắn phá nhiều nhất lên đến 109ha, tiếp đến là huyện Đông Hòa 65ha… Vừa qua, dọc một số con đường đi qua các cánh đồng xã Hòa An, Hòa Thắng (Phú Hòa) và cánh đồng xã Hòa Bình 1, Hòa Bình 2, Hòa Phong (Tây Hòa), không có đám ruộng nào không có “dấu răng” của chuột. Ông Sáu Đồng, nông dân ở xã Hòa An cho hay, chuột tấn công dữ dội từ khi cây lúa vừa ra lá non. Khắp các bờ vùng, chuột đùn hang ở sâu khó đào bắt, nhử thuốc thì chuột không ăn. Tương tự các thửa ruộng ở xã Hòa Bình 2, Hòa Phong (Tây Hòa) không có đám ruộng nào chuột bỏ sót, có đám chuột cắn nhiều làm lúa trong ruộng thưa thớt. Giải pháp đầu tiên cứu lúa khỏi bị chuột cắn là ngoài việc dùng thuốc, bà con tranh thủ lấy nước vào ruộng cho “ngập lụt” để ngăn chuột từ bờ bò vào. Ở một số vùng ruộng cao, nông dân dùng nilon hình thù rằn ri “bẹo” trắng đồng, nhưng vẫn không ngăn được nạn cắn phá.

 

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, vụ đông xuân 2012-2013, các huyện, thị xã, thành phố triển khai 13 mô hình bẫy cây trồng, 14 mô hình sử dụng thuốc sinh học để diệt 57.000 con chuột (năm 2012 tiêu diệt 83.000 con). Tuy nhiên do phong trào diệt chuột không đồng bộ nên chuột sinh sản nhanh, di chuyển từ đồng này sang đồng khác, cắn phá nhiều diện tích hoa màu. Vì vậy Sở NN-PTNT phát động phong trào, đồng thời chọn tháng 5 hàng năm là tháng diệt chuột nhằm hạn chế tối đa chuột sinh sản bùng nổ thành dịch. Ngoài các biện pháp như trên, Sở NN-PTNT khuyến khích người dân dùng bẫy, nuôi thiên địch như rắn, mèo hay hun khói úp để bắt chuột.

 

Ông Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, cho biết: “Các địa phương tổ chức diệt chuột đầu vụ đồng loạt bằng nhiều biện pháp như đào bắt, bẫy, bả bằng thuốc trừ chuột hóa học và sinh học nhằm hạn chế số chuột trên đồng ruộng. Để ngăn chặn tác hại của chuột, các địa phương cần quan tâm triển khai công tác này thường xuyên, dùng bả thuốc sinh học, hóa học và bẫy bán nguyệt để diệt chuột sẽ có hiệu quả cao”.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek