Thứ Năm, 28/11/2024 08:32 SA
Nuôi động vật rừng ở nhà
Chủ Nhật, 04/02/2007 07:00 SA

Ngày càng có nhiều người nuôi động vật rừng ở nhà, không phải nuôi chơi mà làm kinh tế và làm rất hiệu quả. Báo Phú Yên đã từng đề cập đến chuyện nuôi thỏ, nuôi gà rừng, công, trĩ... Còn bây giờ, là trăn, nhím, hươu, nai.

 

LÃNG MẠN VỚI... TRĂN

 

070203-tran.jpgXem những phim có liên quan đến động vật hoang dã, như “Rừng phương Nam” chẳng hạn, thấy diễn viên đánh, khống chế con trăn mấy chục ký một cách dễ dàng hoặc xem xiếc thú có các màn biểu diễn với trăn... tôi cứ nghĩ là người ta phải có một thủ thuật gì đó mới làm được như vậy. Thế nhưng, khi thấy chị Dương Thị Kim Oanh, vợ anh Võ Trưởng ở thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) mở cửa chuồng, thò tay cầm đầu chú trăn khoảng hai chục ký kéo ra, cầm trên tay, miệng cười thật tươi để tôi chụp hình thì tôi mới tin lời chị là trăn là loài vật cũng... hiền lành lắm!

 

“Tôi vốn dân làm đìa tôm. Nhưng vài năm trước, gia đình tôi bị sạt nghiệp vì tôm dịch, thua lỗ liên tục. Buồn quá, không biết làm gì, giữa năm 2005, tôi lang thang vô mấy ông bạn ở miền Tây chơi. Tình cờ được họ giới thiệu, tôi đi thẳng xuống Cà Mau, mua trăn về nuôi thử. Cho đến bây giờ thì thấy thứ tưởng “đồ hung của dữ” này khá... dễ nuôi, giá trị kinh tế cao” – anh Võ Trưởng cho biết.

 

Bây giờ, trong một căn nhà xây riêng cho lũ trăn, vợ chồng anh Trưởng nuôi đến 50 chú. Sau hơn 1 năm rưỡi “nuôi nấng”, lũ trăn từ 100g ban đầu hiện đã có trọng lượng trung bình khoảng 20kg/con. Chị Oanh nói về sự “quen hơi” của mình đối với trăn: “Nuôi trăn khỏe hơn nhiều so với những loại vật nuôi khác. Thích thì cho ăn, không thì thôi, chúng chẳng kêu la gì; mà 1 tuần đến 10 ngày mới cho ăn một lần. Tất cả các loại động vật có lông vũ như chuột, cút, gà, vịt..., miễn là còn sống là trăn đều ăn được. Một người có thể chăm sóc 50 con trăn mà không quá vất vả. Trăn bình thường rất hiền, chỉ khi bị tấn công hoặc bị giật mình, trăn mới phản công để phòng vệ”. Chị Oanh chỉ mấy vết sẹo do trăn cắn còn lại trên bàn tay, cười như... không: “Tôi cũng bị trăn cắn hoài khi chúng lỡ sẩy ra ngoài mà mình chụp vội. Nhưng trăn cắn không hề gì cả, không đau nhức và không độc (?!), chỉ cần nặn sạch máu và dùng cồn sát trùng là được”.

 

Theo tính toán của vợ chồng anh Võ Trưởng, hiệu quả kinh tế của nuôi trăn khá cao. Trăn con mua 200.000 đồng, chi phí cho ăn nếu mua toàn bộ từ khi bắt đầu nuôi đến khi xuất bán khoảng 800.000 đồng; mỗi chú trăn sau 1 năm nuôi nặng khoảng 20kg, nếu với giá thị trường ổn định mức 150-170.000 đồng/kg thì phần lãi đạt được phải từ 2 triệu trở lên. Nếu một nhà nuôi 50 con thì tiền lãi cũng gần bằng... nuôi tôm!

 

LÀM ĂN VỚI NHÍM

 

070203-nhim.jpg

Nhím nuôi trong nhà anh Nguyễn Hữu Đệ

Giống như anh Võ Trưởng, anh Nguyễn Hữu Đệ ở thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An cũng là một người nuôi tôm, ngoài ra anh còn nuôi cá chình. Tuy nhiên, dường như nuôi động vật dưới nước chưa đủ... thỏa mãn nên anh thích nuôi thêm... đồ rừng!

 

“Cách đây khoảng 4 tháng, một hôm nằm coi chuyên mục “Bạn nhà nông” trong chương trình “Chào buổi sáng” của VTV, thấy giáo sư Nguyễn Lân Hùng giới thiệu về kỹ thuật nuôi nhím, vậy là tôi “ưa” ngay” – anh Đệ kể lại. Vậy là ngay buổi sáng hôm ấy, anh “truy” được số phone của giáo sư Hùng, điện thoại để mong được hướng dẫn. Vị chuyên gia này giới thiệu một trại nuôi nhím giống ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), anh Đệ đến mua về 6 cặp nhím giống, mỗi con nặng chừng 1-1,5kg. Đưa chúng tôi thăm “trại” nhím nuôi trong một căn nhà mặt tiền QLIA ở giữa thị trấn Chí Thạnh, anh Đệ nói: “Chỉ sau mấy tháng mà lũ này lớn nhanh như vậy, hiện mỗi con nặng 5-6kg rồi. Cả chuồng này mỗi ngày chỉ tốn có 6.000 đồng mua thức ăn là khoai lang, bí đỏ, rau muống... Cứ ném vào, chừng nào đói thì chúng ăn, không cần phải coi ngó gì cả. Khỏe re!”.

 

Anh Đệ cho biết theo hướng dẫn của giáo sư Nguyễn Lân Hùng thì mỗi con nhím một năm đẻ hai lứa, mỗi lứa 5-6 con. Anh dự kiến nhân giống để mở trang trại nuôi nhím, bán giống hoặc bán thịt thì tính sau. “Nhưng đàng nào thì hiệu quả kinh tế cũng rất cao. Nếu thịt nhím ổn định ở mức trên dưới 200.000 đồng/kg như hiện nay thì một con nhím sau nửa năm nuôi đã có giá hơn 1 triệu đồng. Trang trại mà nuôi khoảng 100 con nhím thì “ngồi mát ăn bát vàng” – anh Đệ nghĩ như thế và tin mình sẽ thành công với việc nuôi loại động vật rừng đầy lông nhọn này.

 

NUÔI NAI: KHỎE VÀ KINH TẾ

 

Phú Yên là một trong những địa phương nổi tiếng về nghề nuôi nai lấy nhung ở khu vực miền Trung. Cách đây hàng chục năm, người dân ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) đã nuôi nai, tại đây hiện đã hình thành không ít trang trại nuôi nai và bán giống cho một số nơi ở Đông Hòa, Tuy An, Đồng Xuân...

 

070203-nai.jpg

Anh Võ Văn Trưởng ở An Định đang cho nai ăn

 

Tại huyện Tuy An, người dân bắt đầu nuôi nai cách đây khoảng 6 năm, đến nay đã có trên chục hộ nuôi, tập trung ở các xã An Định, An Nghiệp và thị trấn Chí Thạnh. Anh Đặng Tâm ở thôn Phong Niên, xã An Định cho biết: “Nếu nuôi bò khổ năm thì nuôi nai chỉ chừng một mà thôi. Chúng không phải thả rông, cứ nhốt trong chuồng; thức ăn cũng đơn giản, là cỏ hoặc các loại lá cây tươi, trái cây... Lượng ăn thì một bò ăn bằng hai nai”.

 

Nai con sinh ra nuôi độ 3 tháng đã có thể bán ở mức giá 8,5 đến 9,5 triệu đồng/con. Nai cái đẻ mỗi năm 1 lứa. Còn nai tơ nuôi khoảng 15 tháng là đã cho nhung. Bình quân một nai đực mỗi năm lấy nhung hai lần, trọng lượng chung khoảng 3kg. Nông dân nuôi nai bán cho thương lái với giá 2,5 đến 2,7 triệu đồng/kg, nghĩa là một chú nai đực một năm mang về cho chủ nuôi khoảng trên dưới 8 triệu đồng. Như anh Tâm, hai chú nai đực và hai chú nai cái mỗi năm cho gia đình anh thu nhập trên 35 triệu đồng. “Trong tình hình chăn nuôi gia súc như bò, heo bị lở mồm long móng thường xuyên, giá rớt thê thảm thì tôi thấy nuôi nai là quá hiệu quả. 5 năm nuôi nai, tôi chưa thấy chúng bệnh gì. Một gia đình hoàn toàn có thể chăm sóc được khoảng chục chú nai, khi đó hiệu quả kinh tế còn hơn “cánh đồng 50 triệu đồng”!” – Anh Tâm tính.

 

Đa số những người nuôi nai ở An Định đều chỉ biết nhung nai được mua để làm dược liệu, bán sang thị trường Trung Quốc. “Nghe nói ăn cháo nhung hoặc uống rượu nhung sẽ khỏe khoắn và cường tráng lắm. Nhưng mình nuôi nai 5 năm nay, chỉ biết mỗi khi cắt nhung rồi, lấy bông thấm máu ở gốc nhung, vắt vô rượu trắng để uống chứ đâu dám thử ăn cháo nhung một lần” – anh Tâm nói.

 

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek