Thứ Tư, 09/10/2024 15:25 CH
Sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2013:
Những tín hiệu khả quan
Thứ Hai, 04/03/2013 08:41 SA

Qua 2 tháng đầu năm 2013, lĩnh vực công nghiệp có một số dấu hiệu tích cực đáng mừng: Tăng trưởng toàn ngành, tiêu thụ sản phẩm, sản xuất tăng cao hơn so với cùng kỳ 2012 và tồn kho chậm lại.

Công nghiệp là động lực và đầu tàu tăng trưởng kinh tế, sau một số năm tăng trưởng thấp và “rơi” xuống đáy vào năm 2012, nhưng trong 2 tháng đầu và kỳ vọng năm nay sẽ “thoát đáy vượt dốc đi lên”.

duong130304.jpg

Chế biến mía đường là ngành sản xuất có tốc độ tăng cao trong 2 tháng đầu năm nay. Trong ảnh: Chế biến đường RS tại nhà máy của Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa - Ảnh: N.TRƯỜNG

DẤU HIỆU “THOÁT ĐÁY VƯỢT DỐC ĐI LÊN”

Trước hết là về sản xuất. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp có một số điểm đáng lưu ý. Tăng trưởng toàn ngành của 2 tháng đầu năm nay đã cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (tăng 6,8% so với tăng 3,9%). Tăng trưởng của công nghiệp đạt được ở cả 4 ngành công nghiệp cụ thể là công nghiệp khai khoáng; công nghiệp chế biến; sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải. Công nghiệp chế biến, ngành chiếm tỉ trọng lớn nhất trong toàn ngành, ngành có đặc trưng rõ nhất của một nước công nghiệp đã tăng với tốc độ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (tăng 7,9% so với tăng 6,7%) và cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành công nghiệp, trong đó có một số ngành chi tiết còn tăng với tốc độ cao hơn như sản xuất pin và ắc quy tăng 107,1%, sản xuất thiết bị điện tăng 51,3%, sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ tăng 45,9%, sản xuất giày dép tăng 26,4%, sản xuất xi măng tăng 19,4%, sản xuất hàng may sẵn tăng 18,9%, sản xuất mô tơ, xe máy tăng 18,6%, sản xuất bia tăng 14,5%, sản xuất đường tăng 14,1%. Các tỉnh, thành phố có quy mô sản xuất công nghiệp lớn đều có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có một số tỉnh, thành phố có tốc độ tăng cao hơn tốc độ chung, như Đồng Nai tăng 7,6%, Bắc Ninh tăng 10,2%, Vĩnh Phúc tăng 11,5%, Hải Dương tăng 9,5%, Đà Nẵng tăng 10,7%....

Về tiêu thụ sản phẩm, một trong những yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu tác động đến tăng trưởng sản xuất là chỉ số tiêu thụ của công nghiệp chế biến tháng 1 năm nay tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có một số ngành chi tiết còn tăng với tốc độ cao hơn như thiết bị truyền thông tăng 55,5%, đường tăng 55%, xi măng tăng 53%, vật liệu xây dựng từ đất sét tăng 40,5%... Chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng cao hơn chỉ số sản xuất sẽ có tác động kéo chỉ số sản xuất tăng lên theo. Chỉ số tiêu thụ của tháng 1 năm nay so với cùng kỳ năm trước đã cao hơn con số tương ứng của tháng 12/2012 (tăng 4%) và của cả năm 2012 (tăng 3,7%). Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp tăng trưởng 20,4% đó là tốc độ tăng khá cao.

Sản xuất tăng cao hơn, nhưng nhờ tiêu thụ cũng tăng cao hơn và tăng cao hơn chỉ số sản xuất, nên chỉ số tồn kho đã tăng chậm lại. So với cùng thời điểm năm trước, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/2/2013 tăng 19,9%, thấp hơn con số tương ứng của chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/1 (tăng 21,5%), trong đó của một số ngành chi tiết còn tăng thấp hơn, đáng chú ý là sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng tăng 17,3%, chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 13,5%, sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét tăng 2,5%,…

Với các kết quả trên, kỳ vọng tăng trưởng GDP do công nghiệp tạo ra sẽ cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của toàn bộ nền kinh tế và kéo tốc độ tăng GDP của nền kinh tế lên theo, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm nay so với năm trước.

NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý

Sự tăng lên với tốc độ cao hơn của công nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2013 là kết quả tích cực và khả quan, nhưng đó mới chỉ là bước đầu.

Ở đầu vào, tăng trưởng tín dụng sau 2 tháng vẫn còn mang dấu âm (giảm 0,16%), vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước còn đạt thấp hơn so với kế hoạch cả năm (mới đạt 10,5%, trong đó trung ương mới đạt 8,1%) và giảm tương đối sâu so với cùng kỳ năm trước (giảm 8,1%, trong đó trung ương quản lý giảm tới 29,9%), nếu loại trừ yếu tố tăng giá, thì còn giảm sâu hơn nữa.

Ở đầu ra, xuất khẩu tuy tăng khá, nhưng tiêu thụ trong nước, tức là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, sau khi loại trừ yếu tố tăng giá, chỉ tăng 3,6%, thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (tăng 4,4%) và thấp hơn tốc độ tăng của cả năm trước (6,2%).

Tốc độ tăng tồn kho tại thời điểm 1/2/2013 so với cùng thời điểm năm trước tuy có thấp hơn thời điểm đầu tháng 1, nhưng vẫn còn khá cao. Khi đầu tư, sản xuất, tiêu dùng còn tăng chậm, thì những điểm nghẽn về nợ xấu, tồn kho, bất động sản chưa thể giải quyết nhanh được, do vậy sản xuất nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng cũng khó phục hồi nhanh.

MINH NGỌC - (Chinhphu.vn)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek