Chủ Nhật, 24/11/2024 20:02 CH
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất mía
Thứ Ba, 29/01/2013 14:00 CH

Nhằm giảm chi phí trong sản xuất mía và giải quyết bài toán thiếu lao động mỗi khi vào vụ sản xuất, thu hoạch, nhiều nông dân ở các vùng trồng mía của tỉnh đã mạnh dạn cơ giới hóa nhiều khâu trong sản xuất mía như cày đất, bốc xếp… giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

 

may-cay130129.jpg

Nông dân háo hức xem trình diễn máy cày đất đa năng ở Đồng Xuân - Ảnh: T.HƯƠNG

Phú Yên có vùng trồng mía hơn 23.424ha, tập trung tại các huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Phú Hòa… Mỗi năm cung cấp hơn 1 triệu tấn mía nguyên liệu cho các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, mỗi khi vào vụ sản xuất cũng như thu hoạch luôn xảy ra hiện tượng thiếu hụt lao động. Ông Huỳnh Khắc Vũ, thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội (Phú Hòa) cho hay: Gia đình tôi có gần 80ha mía nên mỗi khi vào mùa thu hoạch gặp rất nhiều khó khăn khi tìm công lao động để chặt và bốc xếp mía. Đặc biệt là những năm gần đây khi lao động ngày một khan hiếm, nếu không tìm đủ công thì việc thu hoạch mía sẽ bị chậm trễ. Còn theo ông Nguyễn Văn Bảy ở thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2 (Đồng Xuân), vì lao động hiếm nên công lao động ngày càng tăng, đẩy chi phí đầu tư lên cao, lợi nhuận của người sản xuất bị giảm.

 

Nhằm giải quyết khó khăn này cho người trồng mía, năm 2011, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh đã triển khai thực hiện dự án Cơ giới hóa trong sản xuất mía với mục tiêu chuyển giao các loại máy làm đất, máy nâng xếp và máy thu hoạch, đưa cơ giới hóa vào hoạt động sản xuất mía trong các khâu làm đất, thu hoạch, bốc xếp và vận chuyển mía. Kỹ sư Lê Thế Liễm (Trung tâm KN-KN tỉnh) cho biết: Tiếp nhận dự án này từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm KN-KN tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình cơ giới hóa trong sản xuất mía tại các xã Hòa Hội (Phú Hòa), Xuân Quang 1, Xuân Quang 2 (Đồng Xuân). Ở mỗi xã, trung tâm chuyển giao 6 máy làm đất đa năng và 5 máy nâng xếp mía cho hai nhóm mô hình, mỗi nhóm gồm 50 hộ nông dân có tổng diện tích đất trồng mía khoảng 40ha để đưa vào vận hành điểm. Từ đó, việc cơ giới vào các khâu sản xuất mía với mục tiêu giải quyết vấn đề thiếu lao động thời vụ, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân sẽ được nhân rộng.

 

Theo UBND xã Xuân Quang 1, toàn xã có trên 500ha mía, chiếm gần 50% diện tích đất nông nghiệp của địa phương. Trong sản xuất và thâm canh cây mía, từ nhiều năm nay bà con đã cơ giới hóa hoàn toàn khâu làm đất. Việc đưa cơ giới vào sản xuất ở các công đoạn này mang ý nghĩa rất quan trọng, một mặt giải quyết được tình trạng thiếu công, mặt khác giúp người nông dân giảm bớt chi phí đầu tư; tạo điều kiện để người nông dân được tiếp cận với phương pháp sản xuất hiện đại, đẩy mạnh quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ông Huỳnh Đức Lai ở thôn Kỳ Lộ, xã Xuân Quang 1 tính toán: Trước đây khi sản xuất mía thủ công, mỗi hecta mía gia đình tôi phải thuê 6 công để lấp đất sau khi đặt hom và 10 công để móc đất bón phân, vun đất sau khi bỏ phân, xới cỏ, tổng chi phí khoảng 6,7 triệu đồng. Còn nay khi đưa vào vận hành máy cày đất đa năng 1Z-41B do Trung tâm KN-KN hỗ trợ đã giúp giảm được 10 công lao động cho các khâu trên, bình quân mỗi hecta tiết kiệm được khoảng 2,5 triệu đồng so với trước đây. Còn ông Đinh Văn Đạo ở thôn Phong Hậu, xã Hòa Hội (Phú Hòa) có 30ha mía tham gia mô hình, phấn khởi cho biết: Trước đây mỗi hecta mía khi vào vụ thu hoạch tốn khoảng 9 triệu đồng tiền công từ các khâu chặt, bốc mía lên xe nên lợi nhuận không còn nhiều. Trước đây, khi thu hoạch thủ công, mỗi ha mía (năng suất 60 tấn/ha) mất khoảng 20 công nâng bốc mía lên xe, nhưng khi đưa máy nâng xếp mía vào hỗ trợ thì chỉ cần khoảng 7 công lao động và khoảng 4 lít dầu chạy máy. Bình quân mỗi hecta giảm được 50% chi phí bốc xếp mía so với làm thủ công, lợi nhuận của gia đình tăng thêm đáng kể.

 

Ông Nguyễn Đình Nhơn, Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh cho biết: Hiện cây mía là một trong những cây trồng chủ lực của nhiều địa phương, giúp người dân thoát nghèo. Tuy nhiên, hầu hết tại các vùng trồng mía, quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch mía của nông dân vẫn thực hiện bằng phương pháp thủ công, sử dụng lượng lớn lao động, vì vậy chi phí sản xuất lớn, hiệu quả kinh tế không cao. Đưa cơ giới vào sản xuất mía sẽ góp phần giải quyết một số vấn đề còn tồn tại trong sản xuất mía, đó là giảm công lao động, giảm chi phí đầu tư, giải quyết việc thiếu hụt lao động, giúp tăng năng suất hiệu quả của cây mía. Theo kế hoạch, năm 2013, Trung tâm KN-KN tỉnh sẽ tiếp tục chuyển giao một số máy thu hoạch mía (chặt mía) cho nông dân, nhằm thực hiện cơ giới hóa đồng bộ tất cả các khâu trong quá trình sản xuất mía từ làm đất, chăm sóc đến thu hoạch để giảm giá thành, nâng cao thu nhập cho người nông dân, tạo lợi thế cạnh tranh của cây mía so với các loại cây trồng khác.

 

Dự án Cơ giới hóa trong sản xuất mía do Trung tâm Khuyến nông quốc gia làm chủ nhiệm đề tài, có tổng vốn đầu tư 18 tỉ đồng. Dự án gồm 90 mô hình, thực hiện từ năm 2011-2013 tại các tỉnh Sơn La, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk và Gia Lai. Dự án này nhằm giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

 

TUYẾT HƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek