Năm 2012, công tác hội và phong trào nông dân của Phú Yên có nhiều khởi sắc. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Kim, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh xung quanh vấn đề này. Trước hết, đánh giá lại những điểm nổi bật của năm vừa qua, ông Kim cho biết:
Các làng nghề được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ phát triển trong năm 2013 để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Trong ảnh: Làng nghề chổi đót tại xã Hòa Thắng (Phú Hòa) - Ảnh: T.HIẾU
- Trong năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh hội tập trung chỉ đạo sát sao, đảm bảo tiến độ đại hội Hội Nông dân hai cấp theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, đến nay đã hoàn tất. Qua đại hội, đội ngũ cán bộ nhiệm kỳ mới được chuẩn hóa với độ tuổi trẻ hơn, khả năng đảm đương nhiệm vụ cao hơn. Bình quân tuổi đời cán bộ cấp cơ sở cũng như cấp huyện không quá 40 tuổi.
Mặt khác, hội tập trung xây dựng, hướng dẫn nông dân phát triển nhiều mô hình sản xuất nông lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong năm, theo phân luồng của Chính phủ hỗ trợ, Hội Nông dân tỉnh đã tiếp nhận gần 5,1 tỉ đồng để xây dựng 13 mô hình điểm, mỗi huyện có từ một đến hai mô hình cây, con; thành lập các tổ hợp tác. Qua kiểm tra bước đầu cho thấy, cách làm ăn này chặt chẽ và hiệu quả hơn so với giải quyết vốn riêng lẻ cho từng hộ. Với mô hình này, trong vòng 36 tháng, chúng tôi sẽ đánh giá lại để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 16 câu lạc bộ pháp luật của nông dân để tư vấn, giải quyết vấn đề khiếu nại tranh chấp; tuyên truyền giải thích cho hội viên, nông dân hiểu thêm về pháp luật.
* Bên cạnh những mặt đạt được, còn có những khó khăn, hạn chế nào cần khắc phục?
- Hiện nay, nhiều hội viên, nông dân gặp khó khăn trong sản xuất do ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh; vấn đề thị trường thu mua sản phẩm cũng làm cho nông dân “đau đầu”. Giải quyết lao động nông thôn nhàn rỗi đang rất khó nên các cấp hội còn nhiều trăn trở. Hội đang đề xuất với tỉnh cần có những chính sách đào tạo nghề cho nông dân tại các vùng quy hoạch để khi thu hồi đất, bà con có nghề trong tay để làm ăn ổn định hơn. Tình trạng tái nghèo của nông dân ở các vùng nông thôn còn xảy ra nên phải tính đến phát triển kinh tế bền vững cho nông dân để họ không quay trở lại cảnh nghèo nữa. Vì thế, các địa phương, cấp, ngành cần có chính sách, sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực, cùng chung tay góp sức với hội chăm lo thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề này.
* Hiện nay vẫn còn nhiều hội viên, nông dân chưa nắm bắt khoa học kỹ thuật để áp dụng trong trồng trọt, chăn nuôi. Hội cần phải làm gì để góp phần tháo gỡ vấn đề này?
- Hàng năm, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp các ngành chức năng để chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên, nông dân phát triển kinh tế. Tuy vậy, để sát với yêu cầu thực tế, đời sống việc làm của nông dân, hội đề xuất với các sở, ngành liên quan như Sở NN-PTNT, Sở KH-CN, các trung tâm… triển khai những chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học cần có đề án cụ thể để giúp cho nông dân biết cần phải nuôi con gì, trồng cây gì mang lại hiệu quả cao hơn. Ở tầm cả nước, chúng tôi đề nghị cần có chính sách quan tâm, tạo điều kiện đầu ra sản phẩm ổn định để nông dân không phải lúng túng, lo lắng về vấn đề này.
* Năm 2013, công tác hội và phong trào nông dân tập trung vào những nhiệm vụ gì, thưa ông?
- Năm 2013, chúng tôi tập trung kiểm tra đánh giá các mô hình để tiếp tục tranh thủ nguồn vốn của Trung ương cũng như địa phương xây dựng thêm nhiều mô hình điểm hướng nghiệp cho nông dân. Đồng thời, hội tiếp tục phối hợp xây dựng, phát triển các làng nghề để giải quyết lao động, giảm tối thiểu hộ đói, hộ nghèo. Sau đại hội Hội Nông dân cấp tỉnh, chúng tôi tập trung làm tốt công tác chính trị tư tưởng để tạo sự chuyển biến trong nhận thức về mặt chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho hội viên, nông dân. Vấn đề quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng công việc mọi mặt của hội gắn với phát triển hội viên mới. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục liên kết các ngành làm tốt các nhiệm vụ ủy thác của các chương trình liên tịch được ký kết để giúp nông dân có thêm nguồn vốn phát triển sản xuất, làm ăn, tạo việc làm mới cho nhiều lao động.
* Xin cảm ơn ông!
TRUNG HIẾU (thực hiện)