Suốt một thời gian dài, Công ty TNHH một thành viên Cảng Vũng Rô (Công ty Cảng Vũng Rô) đã để cho đối tác nợ một khoản tiền lớn, khó đòi và dẫn đến nguy cơ mất vốn của Nhà nước. UBND tỉnh đang thanh tra hoạt động của công ty để có hướng xử lý, thu hồi tài sản Nhà nước.
Xếp dỡ hàng hóa tại cảng Vũng Rô của Công ty TNHH một thành viên Cảng Vũng Rô - Ảnh: H.TRUNG
KHOẢN NỢ KHÓ ĐÒI
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn, trách nhiệm trong việc để xảy ra nợ tồn đọng kéo dài, chậm thu hồi, dẫn tới nguy cơ mất vốn của Công ty Cảng Vũng Rô, đặc biệt là tại chi nhánh TP Hồ Chí Minh thuộc về ban giám đốc công ty, chủ tịch kiêm giám đốc và kế toán trưởng.
Công ty Cảng Vũng Rô là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, chuyên quản lý, khai thác cảng biển và mua bán xuất nhập khẩu hàng hóa. Công ty có chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh, hạch toán kế toán theo hình thức báo sổ, có con dấu, mã số thuế và tài khoản riêng. Theo Sở Tài chính, trong những năm qua, hoạt động kinh doanh của chi nhánh TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn, đặc biệt là việc thu hồi công nợ. Để mua sắm tài sản cố định và kinh doanh thương mại tại chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Công ty Cảng Vũng Rô đã dùng văn phòng làm việc, xe chuyên dùng… thế chấp vay vốn tại 2 ngân hàng thương mại trong tỉnh. Tuy nhiên, hiệu quả của việc quản lý, sử dụng nguồn vốn kinh doanh tại chi nhánh TP Hồ Chí Minh rất thấp, để xảy ra tình trạng khách hàng chiếm dụng trong thời gian dài với số tiền rất lớn. Vốn có nguy cơ mất nhưng việc quản lý, thu hồi các khoản nợ của khách hàng, nhất là của Công ty TNHH Sản xuất, thương mại Đại Lộc (Công ty Đại Lộc) chưa kiên quyết, dứt điểm.
Công ty Đại Lộc (trụ sở tại số 1, đường 1A, KCN Đồng An, TX Thuận An, Bình Dương) do ông Triệu Vũ Khiêm làm giám đốc, có quan hệ mua bán với Công ty Cảng Vũng Rô từ năm 2001. Công ty Cảng Vũng Rô dùng tài sản cố định thế chấp ngân hàng vay vốn; nhập khẩu vải, sợi, thép cùng một số hàng hóa khác; sau đó, bán các lô hàng, chủ yếu là sợi (dùng trong ngành dệt) cho Công ty Đại Lộc để doanh nghiệp này sản xuất các loại vải thành phẩm và thế chấp hàng hóa tồn kho (với lượng hàng hóa nhất định) cùng các loại máy dệt, máy xe sợi, đảo sợi… cho Công ty Cảng Vũng Rô với tổng giá trị tài sản hơn 29 tỉ đồng theo các hợp đồng có chứng thư thẩm định giá tài sản của Công ty cổ phần Thông tin và thẩm định giá Miền Nam. Tuy nhiên, việc lập hợp đồng thế chấp hàng hóa giữa hai công ty chỉ là hợp đồng hình thức trên giấy tờ, còn trên thực tế thì Công ty Cảng Vũng Rô không quản lý hoặc giữ hàng hóa thế chấp của Công ty Đại Lộc.
Theo Sở Tài chính, việc quản lý công nợ phải thu của Công ty Cảng Vũng Rô rất lỏng lẻo, thiếu tinh thần trách nhiệm. Nội dung các hợp đồng mua bán giữa Công ty Cảng Vũng Rô chi nhánh TP Hồ Chí Minh với Công ty Đại Lộc không chặt chẽ, không bình thường. Với quy định kéo dài thời gian thanh toán trong hợp đồng mua bán giữa 2 bên, giám đốc và kế toán trưởng Công ty Cảng Vũng Rô đã tạo kẽ hở cho Công ty Đại Lộc chiếm dụng vốn, gây bất lợi cho đơn vị trong việc thu hồi nợ. Công ty Cảng Vũng Rô không yêu cầu doanh nghiệp này thanh toán dứt điểm giá trị từng lô hàng theo hợp đồng mua bán phát sinh, tiếp tục để nợ và quan hệ mua bán ký hợp đồng mới kéo dài nhiều năm, dẫn đến công nợ phải thu của Công ty Cảng Vũng Rô rất lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của đơn vị, có nguy cơ tổn thất vốn và tài sản của Nhà nước.
TÌM HƯỚNG GIẢI QUYẾT
Vừa qua, Sở Tài chính và Công an tỉnh đã kiểm tra, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh có hướng giải quyết. Hiện đoàn thanh tra của tỉnh đang tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh tại chi nhánh TP Hồ Chí Minh của Công ty Cảng Vũng Rô. Trước đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn đã chỉ đạo thu hồi 20 tỉ đồng cấp bổ sung vốn điều lệ cho Công ty Cảng Vũng Rô để thực hiện dự án Nâng cấp cảng Vũng Rô nhằm đảm bảo không bị mất vốn Nhà nước. UBND tỉnh yêu cầu Công ty Cảng Vũng Rô ngừng ngay hoạt động kinh doanh tại chi nhánh TP Hồ Chí Minh; kiểm tra, rà soát công nợ phải thu, phải trả và có biện pháp sớm thu hồi nợ dứt điểm, nhất là khoản nợ của Công ty Đại Lộc. Công ty Cảng Vũng Rô phải tập trung vào hoạt động quản lý, khai thác hàng hóa tại cảng Vũng Rô; siết chặt công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh và tài chính của đơn vị theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn, việc Công ty Cảng Vũng Rô đề nghị cho thu hồi toàn bộ tài sản của Công ty Đại Lộc để tiếp tục duy trì sản xuất của nhà máy dệt thuộc Công ty Đại Lộc là không khả thi, không đúng quy định. Vì nếu hoạt động của nhà máy dệt có hiệu quả thì Công ty Đại Lộc đã tiếp tục sản xuất không cần phải đưa tài sản của doanh nghiệp này để cấn trừ nợ. Công ty Đại Lộc phải bán tài sản để trả nợ cho Công ty Cảng Vũng Rô vì giữa hai doanh nghiệp là quan hệ kinh tế theo hợp đồng chứ Công ty Cảng Vũng Rô không phải là ngân hàng cho vay để nhận lại tài sản thế chấp của Công ty Đại Lộc.
HOÀI TRUNG
Đến cuối tháng 9/2012, tổng các khoản nợ phải thu của Công ty Cảng Vũng Rô hơn 56 tỉ đồng, trong đó Công ty Đại Lộc nợ 53,5 tỉ đồng, chiếm 95,22% tổng các khoản nợ phải thu ngắn hạn, chiếm tỉ lệ 38,35% trên tổng tài sản của Công ty Cảng Vũng Rô. Tổng số nợ phải trả của doanh nghiệp hơn 57 tỉ đồng, trong đó nợ vay ngân hàng hơn 39,6 tỉ đồng.