Trong năm qua, ngành Ngân hàng Phú Yên đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhưng do thị trường chưa hồi phục, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế nên tăng trưởng tín dụng không đạt kế hoạch đề ra. Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Khố, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho biết:
Năm 2013, ngành Ngân hàng Phú Yên tập trung vốn cho vay các ngành thế mạnh của tỉnh. Trong ảnh: Sản xuất gỗ mỹ nghệ xuất khẩu tại KCN Hòa Hiệp - Ảnh: L.HẢO
Tính đến cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay các ngân hàng thương mại ở Phú Yên là 7.552 tỉ đồng, chiếm gần 71% tổng dư nợ toàn địa bàn. Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại nợ cho 2.251 khách hàng với tổng nợ gốc 520 tỉ đồng và nợ lãi 27 tỉ đồng; trong đó, cơ cấu lại nợ vay cho 4 doanh nghiệp ngành điều với tổng dư nợ 101 tỉ đồng, gia hạn nợ đối với 59 hộ gia đình trong lĩnh vực chăn nuôi với số nợ gốc 707 triệu đồng. Những đơn vị này cho vay vốn lãi suất thấp đối với 4 nhóm ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ; đồng thời hạ lãi suất cho vay của các khoản nợ cũ về mức tối đa 15%/năm, cho vay mới lãi suất từ 13-15%/năm với dư nợ 4.143 tỉ đồng.
Năm 2012, các ngân hàng thương mại cũng đã cho vay mới theo cơ chế cho vay thông thường đối với khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh khả thi với mức lãi suất cho vay tối đa không quá 11%/năm phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt heo, gia cầm, tôm... mà không phụ thuộc vào việc khách hàng có dư nợ cũ đã được cơ cấu lại. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh còn áp dụng các chương trình, sản phẩm tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp của từng ngân hàng (cho vay lãi suất thấp 9-11%/năm) cho các nhóm ngành, đối tượng ưu tiên.
* Mặc dù ngành Ngân hàng Phú Yên đã nỗ lực trong việc giảm tỉ lệ nợ xấu nhưng kết quả không như mong muốn. Ông giải thích thế nào về điều này?
- Trong năm qua, giá nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao, lượng hàng hóa tiêu thụ giảm, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động, nhất là các ngành trọng điểm như xây dựng cơ bản, sắt thép, xi măng, rượu bia, xuất khẩu nông thủy sản. Thêm vào đó, thị trường bất động sản “bất động”, khả năng trả nợ ngân hàng của các doanh nghiệp suy giảm... dẫn đến tình trạng nợ xấu tăng cao ngoài dự kiến; trong khi đó, việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu lại gặp nhiều khó khăn.
Đến nay, tổng nợ xấu trên địa bàn tỉnh là 518 tỉ đồng, chiếm 4,86% tổng dư nợ. Trong đó, nợ xấu của các ngân hàng thương mại 482 tỉ đồng, chiếm hơn 6,3% dư nợ cho vay của các đơn vị này. Nợ xấu chủ yếu tập trung ở lĩnh vực xây dựng, hạt điều, chế biến thủy sản xuất khẩu; đáng chú ý là nợ xấu có khả năng mất vốn của ngành điều lên đến 57 tỉ đồng, chiếm hơn 10,3% tổng dư nợ ngành điều tại Phú Yên. Hiện các tổ chức tín dụng đang bám sát hoạt động của các doanh nghiệp để phân tích nợ, có kế hoạch thu hồi nợ; tiếp tục cho một số doanh nghiệp vay mới để sản xuất, kinh doanh; đồng thời tiếp tục cơ cấu lại nợ, giảm, miễn lãi vay cho khách hàng đủ điều kiện.
* Vậy nhiệm vụ cấp thiết nhất hiện nay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh là gì, thưa ông?
- Theo tôi, nhiệm vụ cấp thiết nhất hiện nay của ngành Ngân hàng Phú Yên là tập trung xử lý nợ xấu, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm để đem lại lợi nhuận cho đơn vị, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
* Ông có thể cho biết kế hoạch của ngành Ngân hàng Phú Yên trong thời gian tới?
- Năm 2013, các tổ chức tín dụng ở Phú Yên tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp tiền tệ, tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường; tập trung vốn tín dụng vào các ngành thế mạnh của tỉnh như nuôi trồng, đánh bắt, chế biến nông, lâm thủy sản xuất khẩu; cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Các ngân hàng quan tâm đến vấn đề quản trị nội bộ để phát triển hoạt động kinh doanh, hạn chế tiêu cực; thực hiện nghiêm Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng, tỉ giá, quản lý ngoại hối... tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của ngân hàng và khách hàng. Đến cuối năm 2013, ngành Ngân hàng Phú Yên phấn đấu tăng huy động vốn khoảng 20-25%, tăng dư nợ cho vay 10-12%, giảm nợ xấu xuống dưới 3%.
* Xin cảm ơn ông!
LÊ HẢO (thực hiện)